• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cách chăm sóc đúng khi trẻ bị nhiệt miệng

Đối với trẻ nhỏ, nhiệt miệng là một trong những căn bệnh phổ biến và gây khó chịu nhất. Không chỉ vậy, bệnh còn tái đi tái lại nhiều lần khiến cha mẹ lo lắng. Khi trẻ bị nhiệt miệng, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp dưới đây để giảm triệu chứng khó chịu và đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh cho trẻ.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng

Nhiệt miệng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là chức năng miễn dịch ở trẻ bị suy giảm do căng thẳng, bệnh tật, ăn uống thiếu chất… nên sức khỏe suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, gây nhiệt miệng.

Cọ xát làm tổn thương niêm mạc (đánh răng hay trẻ ngậm phải vật sắc nhọn vì bàn chải đánh răng, vật nhọn như đũa, dĩa, xương…) hoặc vô tình cắn vào bên trong môi, má, làm rách niêm mạc miệng.

Rối loạn bài tiết bên trong, do dị ứng với thuốc và thực phẩm cũng có thể dẫn đến nhiệt miệng. Trẻ ăn quá nhiều chất béo, đồ cay, nóng… gây nóng trong người và dẫn tới nhiệt miệng. Ngoài ra, những ngày nắng nóng, thời tiết bên ngoài kèm một số thực phẩm mùa hè dễ gây nhiệt, dẫn đến lở miệng là điều khó tránh khỏi.

Trẻ bị nhiễm một số loại vi khuẩn và nấm, làm mất cân bằng sinh học trong cơ thể, dẫn đến nhiệt miệng.

Trẻ bị suy giảm chức năng gan, gan suy yếu hoặc bị tổn thương, dẫn đến không lọc được hết độc tố có hại như asen hay chì. Các độc tố này sẽ tích tụ lâu ngày ở niêm mạc miệng, gây nhiệt miệng; Trẻ bị thiếu hụt sắt, vitamin C, kẽm và vitamin B12… dẫn đến nhiệt miệng.

Cách chăm sóc đúng khi trẻ bị nhiệt miệng - Ảnh 2.

Đối với trẻ nhỏ, nhiệt miệng là một trong những căn bệnh phổ biến và gây khó chịu nhất.

2. Cách chăm sóc đúng cho trẻ khi bị nhiệt miệng

Trẻ bị nhiệt miệng khi trong miệng của trẻ đột nhiên xuất hiện một vài đốm trắng hình tròn hoặc bầu dục, kích thước ban đầu khoảng 1 - 2mm, sau lớn dần lên tới khoảng 8 - 10mm. Vài ngày sau, các đốm này vỡ bọc nước, gây viêm loét miệng.

Trẻ hay bị nhiệt miệng thường khó chịu, quấy khóc và biếng ăn, miệng chảy nhiều nước dãi. Thậm chí, nếu vết viêm loét nặng thì trẻ có thể bị sốt, đi kèm nổi hạch cổ, nướu răng bị sưng và chảy máu.

Khi trẻ bị nhiệt miệng, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp dưới đây để giảm triệu chứng khó chịu và đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh cho trẻ:

Nên duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày, đối với trẻ dưới 1 tuổi, sử dụng miếng gạc chuyên dùng cho trẻ hoặc vải mềm nhúng vào nước ấm sạch hay nước muối sinh lý, sau đó lau nhẹ nhàng.

Đối với trẻ từ 1 - 5 tuổi đã có thể cho trẻ đánh răng ít nhất 2 lần/ngày vào sáng và tối, với một chút kem đánh răng dành riêng cho trẻ (một lượng kem đánh răng nhỏ bằng hạt đậu là đủ).

Cách chăm sóc đúng khi trẻ bị nhiệt miệng - Ảnh 3.

Sử dụng miếng gạc hoặc vải mềm nhúng vào nước ấm sạch hay nước muối sinh lý để lau cho trẻ.

Khi trẻ bị nhiệt miệng, cha mẹ có thể sử dụng nước muối ấm loãng hoặc sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh hằng ngày cho tới khi vết loét lành hẳn.

Trẻ hoàn toàn không có khả năng chịu đau như người lớn, nên tình trạng đau nhức và khó chịu sẽ khiến trẻ quấy khóc, chán ăn và sức đề kháng kém đi. Cha mẹ nên giảm đau cho trẻ bằng các phương pháp dân gian như lấy mật ong, nha đam, sữa chua, nghệ… bôi vào vết loét cho trẻ (chú ý không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi để tránh gây độc).

Cần cho trẻ ăn uống hợp lý để đảm bảo dinh dưỡng, nhất là trong giai đoạn trẻ bị nhiệt miệng. Đối với trẻ đang bú mẹ, người mẹ cần hạn chế những thực phẩm và gia vị cay nóng, cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu.

Đối với trẻ đã ăn bổ sung, nên chia nhỏ bữa ăn và cho con ăn từ từ; chỉ nấu các món lỏng như súp, cháo, sữa, nêm nếm nhẹ nhàng, cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ các chất như: Rau quả, vitamin và chất khoáng, không cho trẻ ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ cay nóng, các loại nước có ga.

Cho trẻ uống nước ép cà chua 1 - 2 lần/ngày; bổ sung thêm nước cam, nước bưởi hằng ngày cho trẻ… cũng giúp cung cấp đủ các vitamin cần thiết để trẻ nâng cao sức đề kháng, nhanh khỏi nhiệt miệng.

Cách chăm sóc đúng khi trẻ bị nhiệt miệng - Ảnh 5.

Nên duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày cho trẻ để tránh bị nhiệt miệng.

3. Cách phòng tránh bệnh nhiệt miệng cho trẻ

  • Vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm vùng niêm mạc miệng họng.
  • Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi cho trẻ.
  • Không cho trẻ ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế các món chua, cay, nóng.
  • Cho trẻ uống đủ nước.
  • Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
  • Nếu trẻ đang bị các bệnh lý truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng thì cần cách ly, không tiếp xúc với các trẻ khác để tránh lây bệnh.

4. Lời khuyên thầy thuốc

Cha mẹ không tự ý cho trẻ dùng thuốc (uống hoặc bôi) để chữa nhiệt miệng. Khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ. Có thể cho trẻ bổ sung vitamin B2 theo liều hướng dẫn. Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn thức ăn nóng, mặn hay các thực phẩm gây nóng, vì cảm giác nóng sẽ càng khiến vết loét xót hơn và nặng hơn.

Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như: Trẻ bị nổi 2 - 3 vết loét trong miệng và chúng thường xuyên tái phát, dù đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không có hiệu quả hoặc trẻ có các triệu chứng khác như sốtphát ban… thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được phát hiện và điều trị sớm, đảm bảo trẻ có một sức khỏe tốt.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.186
Tháng 12 : 166.063
Năm 2024 : 2.966.651
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.765.165