Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo người dân cảnh giác với tình trạng côn trùng chui vào tai, mũi
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế Hà Tĩnh đã tiếp nhận và xử lý hàng chục trường hợp bệnh nhân bị côn trùng chui vào tai, mũi. Bác sỹ khuyến cáo người dân cần cảnh giác, ngăn chặn các nguy cơ trong môi trường sống, làm việc.
Ngày 6/7/2022, bệnh nhi N.T.T (12 tuổi, trú tại xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ) trong lúc ngủ đột nhiên thấy đau tai dữ dội, ù tai kèm theo đó là đau đầu. Ngay sau đó gia đình đã nhanh chóng đưa cháu tới BVĐK huyện Đức Thọ để thăm khám. Qua nội soi, các bác sỹ đã phát hiện có 1 con gián trong tai của người bệnh nên đã nhanh chóng gắp bỏ con gián và tiến hành vệ sinh tai.
Bác sỹ BVĐK huyện Đức Thọ tiến hành gắp côn trùng trong tai một bệnh nhân.
Trước đó bệnh nhân N.T.X (74 tuổi, trú tại xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn) cũng đến BVĐK huyện Đức Thọ thăm khám với tình trạng đau đầu, kèm theo đau nhói ở tai. Qua kiểm tra, các bác sỹ đã phát hiện và lấy ra 1 con vét (ve) chó.
Theo tổng hợp từ BVĐK huyện Đức Thọ, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 30 trường hợp bị côn trùng như: dán, ve chó, bọ hung … chui vào tai, mũi của người dân.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2022, BVĐK TTH Hà Tĩnh tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.V.A. (33 tuổi, trú xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) nhập viện trong tình trạng đau nhức lỗ mũi, chảy máu đã 20 ngày, liên tục choáng váng.
Bác sỹ khoa Tai - mũi - họng (BVĐK TTH Hà Tĩnh) gắp đỉa trong mũi bệnh nhân.
Qua thăm khám lâm sàng, nội soi mũi xoang, các bác sỹ đã phát hiện có một dị vật ký sinh trong sống mũi phải, hình dạng tương tự với loài vắt, đỉa rừng. Ngay sau đó, các bác sỹ tiến hành nội soi lấy ra con đỉa dài 5 cm ra khỏi mũi. Khi lấy ra, con đỉa đang trong tình trạng căng máu.
Từ đầu năm đến nay, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân bị côn trùng chui vào mũi, tai và 5 trường hợp trẻ em tự bỏ các dị vật vào tai và mũi. Nhờ phát hiện và cấp cứu kịp thời nên các bệnh nhân đều bình phục và không ảnh hưởng nặng đến sức khỏe.
1 con gián được gắp ra trong tai của người bệnh khi đến thăm khám tại BVĐK huyện Đức Thọ.
Bác sỹ Lê Trọng Công, Khoa Tai – mũi – họng (BVĐK huyện Đức Thọ) cho biết: “Nếu các con côn trùng khi chui vào mũi, tai không được gắp bỏ rất có thể bò sâu vào lỗ tai, lỗ mũi và gây thủng màng nhĩ hoặc gây nhiễm trùng, viêm tai, viêm mũi. Vì vậy ngay khi phát hiện dị vật, nhất là côn trùng chui vào tai, mũi, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất. Người dân tuyệt đối không cố gắng lấy dị vật, côn trùng bởi như vậy có thể khiến dị vật vào sâu hơn, ảnh hưởng tới thính giác, khứu giác của người bệnh”.
Ngành y tế khuyến cáo, để ngăn ngừa nguy cơ côn trùng chui vào tai, mũi, người dân chú ý trước khi đi ngủ cần mắc màn và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và chăn màn, chiếu; chủ động phun các thuốc diệt muỗi, côn trùng quanh khu vực sinh sống.