Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, động lực trong phòng chống dịch
Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 với trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại Hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các Thứ trưởng Bộ Y tế: Đỗ Xuân Tuyên, Nguyễn Trường Sơn, Trần Văn Thuấn và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu. Tham dự hội nghị còn có Ban Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các địa phương, các đơn vị y tế tại các điểm cầu huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021.
Hệ thống thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, xây dựng hàng trăm văn bản hướng dẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng "dịch chồng dịch". Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020. Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ phải nhập viện, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.
Ngành thực hiện nhiệm vụ kép, bảo đảm an toàn cho bệnh viện, phòng, chống dịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng thuận lợi, kịp thời.
Các chính sách nhằm đổi mới công tác dân số tiếp tục được hoàn thiện, duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, triển khai các can thiệp dinh dưỡng, giảm tử vong trẻ em có hiệu quả.
Bộ Y tế được xếp thứ 5 về chuyển đổi số trong 18 Bộ có cung cấp dịch vụ công. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thực hiện áp dụng tờ khai y tế điện tử. Xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám chữa bệnh từ xa...
Khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, ngành Y tế đã áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, đưa dịch vụ y tế đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm y tế xã lưu động.
Kịp thời điều động hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sỹ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Đồng thời, xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine,... và phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.
Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác cũng cơ bản hoàn thành.
Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe các ý kiến tham luận của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các địa phương về huy động lực lượng cho công tác phòng chống dịch, hoàn thiện các thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch. Đề xuất sửa một số điểm trong Luật Khám chữa bệnh, đổi mới cơ cấu trạm y tế theo khu vực và dân số, ban hành chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong một năm đầy khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành y tế.
Toàn ngành đã tham mưu có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở; triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin; xây dựng khoa học 3 trụ cột: cách ly, xét nghiệm, điều trị; huy động sự tham gia của toàn dân, qua đó phòng, chống dịch hiệu quả, tạo tiền đề cho việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch một cách linh hoạt, thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế. Ngoài phòng, chống dịch COVID-19, ngành cũng đã thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu lớn trong ngành nhất là trong khám, chữa bệnh, dân số, xây dựng, hoàn thiện thể chế…
Thủ tưởng Chính phủ khẳng định, những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song tuyết đối không chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục rút ra những kinh nghiệm, bài học để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch.
Trong đó, bám sát các diễn biến, tình hình dịch bệnh để có những dự báo, tham mưu phù hợp; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, luôn bình tĩnh, vững vàng và lựa chọn cách tiếp cận phù hợp trong mọi tình huống, lấy người dân làm cơ sở, mục tiêu, động lực trong phòng, chống dịch; tổ chức triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không để khủng hoảng hệ thống y tế; huy động khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế; tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin, chủ động nguồn thuốc điều trị COVID-19; thực hiện thống nhất các giải pháp phòng, chống dịch, không ngăn sông, cấm chợ; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý về mặt nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng; rà soát lại các cơ chế chính sách cho đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch; đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số gắn với đó có chiến lược thu hút, đào tạo về nhân lực y tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 mùa Xuân năm 2022./.
Thành Vinh