• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 29/8/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Dự án Luật phòng bệnh: Giải quyết các 'khoảng trống' liên quan đến dự phòng, nâng cao sức khỏe; Kỳ tích: Bệnh viện huyện cứu cụ ông 93 tuổi tai biến nguy kịch; Tử vong vì bệnh liên cầu lợn; Điều trị loãng xương, ngăn biến chứng tàn tật.

 

Dự án Luật phòng bệnh: Giải quyết các 'khoảng trống' liên quan đến dự phòng, nâng cao sức khỏe

Theo Bộ Y tế, việc xây dựng dự án Luật Phòng bệnh nhằm kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm...

Tuổi thọ người Việt cao nhưng số năm sống với bệnh tật nhiều

Tại Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh gửi Chính phủ, Bộ Y tế cho biết, sau 30 năm thực hiện NQ Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 

Trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm tương ứng từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022... 

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Mạng lưới cơ sở là nhân tố then chốt đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về y tế công cộng và để người dân Việt Nam được hưởng cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài hơn so với các quốc gia khác có trình độ phát triển tương tự.

Bên cạnh các thành công đã đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng còn nhiều tồn tại, bất cập đó là chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật. Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. 

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai, tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. 

Cần thiết có đạo luật mới để thể chế hóa quan điểm của Đảng và giải quyết các khoảng trống về pháp luật các hoạt động liên quan đến dự phòng, nâng cao sức khỏe

Theo Bộ Y tế có một số yếu tố quan trọng dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân Việt Nam còn ở mức cao là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng nhưgia tăng bệnh không lây nhiễm và sự gia tăng của yếu tố nguy cơ về môi trường.

Bộ Y tế cho hay, môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất, bên cạnh đó ở một số vùng khó khăn nhiều hộ gia đình còn chưa tiếp cận được với các điều kiện vệ sinh cơ bản như nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh... Các vấn đề này đã tác động trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người dân và cộng đồng.

Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có yếu tố chủ quan là ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế. Nhiều hành vi có lợi cho sức khỏe chưa được người dân quan tâm và thực hiện thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng các bệnh tật. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lụt... ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.

Bên cạnh đó, tổng kết 15 năm thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho thấy công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn nhiều bất cập nhưng chủ yếu là các bất cập xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện: Nhận thức của người dân tại một số nơi về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều hạn chế; Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý; một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. 

Các thách thức cũng như tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung vào hai nguyên nhân chủ yếu đó là: Vấn đề tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và vấn đề thiếu hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe. 

Về vấn đề thiếu hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe, Bộ Y tế cho hay: Qua rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam cho thấy, mặc dù có tới 47 văn bản cấp độ luật có quy định điều chỉnh các hoạt động có liên quan đến sức khỏe nhưng trên thực tế thì hệ thống pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề chính là: Điều trị bệnh; Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Quản lý một số hành vi có hại cho sức khỏe (rượu bia, thuốc lá, hủy hoại môi trường, bao lực gia đình,...)

Xuất phát từ các lý do nêu trên cho thấy việc xây dựng một đạo luật mới với phạm vi điều chỉnh gồm các quy định về nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần); phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân để thể chế hóa quan điểm của Đảng và giải quyết các khoảng trống về pháp luật các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe đồng thời thay thế Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn phù hợp, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. 

Theo Bộ Y tế, quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về dự phòng và nâng cao sức khỏe đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương XIII. Khắc phục được các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe. 

Khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe. Bảo đảm tính dự báo trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe, bên cạnh đó phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. 

Mục tiêu chính sách là góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.

Bộ Y tế đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh với 5 chính sách sau:

  • Chính sách thứ nhất: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch.
  • Chính sách thứ hai: Dinh dưỡng với sức khỏe.
  • Chính sách thứ ba: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần.
  • Chính sách thứ tư: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
  • Chính sách thứ năm: Quản lý sức khỏe đối với người dân. (Theo Báo Suckhoedoisong.vn)

Kỳ tích: Bệnh viện huyện cứu cụ ông 93 tuổi tai biến nguy kịch

 

 

 

 

Cụ N.V.C, 93 tuổi, ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, đột ngột xuất hiện yếu nửa người trái kèm ý thức lơ mơ. Sau một thời gian điều trị bệnh nhân không tiến triển, người nhà đưa cụ về BVĐK Thị xã Phú Thọ điều trị tiếp, điều 'thần kỳ' đã đến.

Theo lời kể của gia đình, khi cụ N.V.C. được đưa tới 1 cơ sở y tế để điều trị thì được chẩn đoán: Nhồi máu não diện rộng bán cầu não phải do tắc động mạch não giữa phải, không có chỉ định can thiệp lấy huyết khối. Được biết, cụ C. có tiền sử tăng huyết áp, suy tim, rung nhĩ, đang duy trì dùng thuốc chống đông máu.

Tuy nhiên trong quá trình điều trị, bệnh không có nhiều cải thiện, gia đình xác định phải điều trị lâu dài nên quyết định đưa người bệnh về Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ điều trị tiếp.

Các bác sĩ BVĐK Phú Thọ tiếp nhận người bệnh trong tình trạng ý thức lơ mơ, Glasgow 12 điểm, khó thở, phụ thuộc vào thở oxy, liệt hoàn toàn nửa người trái, da toàn thân tổn thương dạng rát đỏ, bong vảy trắng mỏng, tim loạn nhịp hoàn toàn, phổi thông khí kém, toàn thân phù nề, ăn qua ống sonde dạ dày. 

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và đưa ra phác đồ điều trị tích cực cho người bệnh.

Sau 20 ngày điều trị, tình trạng người bệnh đã có những chuyển biến tích cực, ý thức được cải thiện, tự thở tốt, không phụ thuộc vào oxy, cơ lực nửa người trái cải thiện tốt, tự ăn bằng đường miệng, đại tiểu tiện tự chủ, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thị xã Phú Thọ, những trường hợp đột quỵ não, người cao tuổi như cụ C. tỷ lệ tử vong cao. Trường hợp "chiến thắng" bệnh như cụ C. được các bác sĩ đánh giá là kỳ tích. 

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp cần duy trì khám và tầm soát các yếu tố nguy cơ để điều trị kịp thời, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. (Theo Báo Suckhoedoisong.vn)

Tử vong vì bệnh liên cầu lợn

Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng sốt cao, khó thở dữ dội. Sau khi bệnh nhân qua đời 2 ngày, kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis.

Bệnh nhân nam (50 tuổi), có tiền sử bệnh goute nhiều năm. 2 ngày qua, người bệnh mệt, sốt cao, không có các biểu hiện đau ngực, đái buốt… nhưng tình trạng khó thở tăng dần.

Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng thở ô-xy kính, nổi vân tím toàn thân, ý thức kích thích vật vã. Xét nghiệm nhanh khí máu động mạch cho thấy có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Các bác sĩ chẩn đoán ban đầu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Người bệnh được nhanh chóng xử trí truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò.

Tuy nhiên, diễn biến tình trạng trụy tim mạch của bệnh nhân không đáp ứng vận mạch và hồi sức dịch. Sau 2 giờ vào viện, bệnh nhân ngừng tuần hoàn và cấp cứu sau 1 giờ không tái lập, người bệnh tử vong.

Đây không phải là lần đầu tiên những trường hợp sốc nhiễm trùng nhiễm độc được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhưng trường hợp này diễn biến nặng và tử vong khá đường đột.

Sau đó 2 ngày, xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis.

Theo thông tin tổng hợp từ Cục Y tế dự phòng, bệnh do liên cầu lợn Streptococcus suis rất đa dạng bao gồm: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết… Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.

Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính.

Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Vi khuẩn liên cầu lợn không khó điều trị, đáp ứng với nhiều kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt với thể trạng suy giảm miễn dịch thì diễn biến lâm sàng rầm rộ, nguy cơ tử vong cao.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý nguồn cung cấp thịt lợn, an toàn trong chế biến thực phẩm từ thịt lợn và đặc biệt người dân cần nâng cao nhận thức nên từ bỏ những món ăn có từ lâu nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.  (Theo báo nhandan.vn).

Điều trị loãng xương, ngăn biến chứng tàn tật

Hiện nay, do lối sống sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng mất cân bằng nên không ít người gặp tình trạng loãng xương, bệnh về lâu dài ảnh hưởng đến cuộc sống.

Dù mới chỉ ngoài 40 tuổi, anh N.N.K (ngụ tại TP Hồ Chí Minh) được chẩn đoán bị loãng xương. Theo anh K, khi còn ở độ tuổi đôi mươi, anh thường xuyên lái xe đường dài nên tần suất những cơn đau lưng diễn ra nhiều. Ban đầu anh K chỉ nghĩ do ngồi nhiều đau nên uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên, khi cơn đau tăng dần, anh K đi khám bác sĩ và được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương.

Anh K được bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn ăn uống để cải thiện mật độ xương và tình trạng loãng xương đang tiến triển âm thầm.

Theo TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, loãng xương là do mất cân bằng quá trình tạo xương và huỷ xương của mình, trong đó quá trình huỷ xương nhiều hơn quá trình tạo xương dẫn đến xương bị mất đi và bệnh loãng xương.

Việc điều trị dựa trên cơ chế này, canxi là thành phần quan trọng trong bộ khung xương, việc điều trị loãng xương nếu bổ sung canxi thôi thì không đủ, chúng ta cần có thuốc đặc trị loãng xương. Đây là thuốc dựa trên cơ chế giảm tình trạng bệnh loãng xương, làm tăng tạo xương, ức chế quá trình huỷ xương. Tất cả đều theo chỉ định của bác sĩ, thuốc ức chế quá trình huỷ xương là thuốc bisphosphonate có nhiều loại để người bệnh lựa chọn.

ThS.BS Nguyễn Châu Tuấn - Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh dùng đúng liều lượng của bác sĩ, lúc dùng đường uống để thuốc phát huy hiệu quả nên dùng khi bụng đói vào buổi sáng. Đặc biệt không nằm sau khi uống 30 phút. Điều trị đúng thuốc rất quan trọng và cần làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Điều trị theo khoảng thời gian liệu trình, số lượng thuốc uống đủ không quá dư. Nhiều bệnh nhân tự ý uống thêm những loại thuốc khác có thể ảnh hưởng làm tăng loãng xương cho người bệnh.

Điều trị hiệu quả phải phối hợp nhiều biện pháp, đặc biệt người bệnh nên tuân theo lịch hẹn tái khám. Nhằm điều chỉnh phác đồ điều trị hiệu quả.

Cũng theo các chuyên gia, người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập. Vì vậy, việc khám định kỳ và kiểm tra mật độ xương là điều cần thiết. (Theo báo Laodong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.394
Tháng 05 : 29.254
Năm 2024 : 748.553
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.547.067