• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 25/8/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Nguy cơ dịch đau mắt đỏ; Xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; Phẫu thuật cắt gan, cứu sống bệnh nhân mắc ung thư gan, suy tim nặng; Thứ trưởng Bộ Y tế: Tập trung nguồn lực hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác dân số; Bộ Y tế: Lạm dụng bóng cười ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ, cần giám sát chặt chẽ.

Nguy cơ dịch đau mắt đỏ

Thời gian qua tại nhiều bệnh viện gia tăng tỉ lệ người mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị. Phần lớn bệnh nhân chủ quan, không đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài, biến chứng viêm giác mạc, giảm thị lực.

Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như: có giả mạc cần bóc, bị trầy xước giác mạc. Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết, dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…). Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường ô nhiễm khói bụi kèm theo những đợt mưa giông mùa hè là những yếu tố gia tăng bệnh đau mắt đỏ.

Phòng khám Mắt (Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh) thời gian qua trung bình thăm khám cho khoảng 80 bệnh nhân/ngày. Trong đó bệnh nhân đau mắt đỏ gặp ở mọi lứa tuổi chiếm khoảng 50% trường hợp tới khám. Bệnh nhân Phạm T H (28 tuổi, trú tại TP Hạ Long) khi thấy mắt có biểu hiện sưng nề mi, đỏ mắt, nhức mỏi đã mua thuốc điều trị đau mắt đỏ ở hiệu thuốc. Sau 9 ngày tra thuốc mắt và uống kháng sinh tại nhà không thấy đỡ, mắt đỏ và sưng nề hơn, đau nhức nhiều chị mới đến Bệnh viện Bãi Cháy khám. Tại đây, chị được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám, chẩn đoán tình trạng đau mắt đỏ biến chứng viêm giác mạc.

Tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Mỗi ngày, khoa Khám bệnh tiếp nhận trên 200 người đến khám các loại bệnh về mắt và gần 1/3 bệnh nhân trong số đó bị đau mắt đỏ, khoảng chục bệnh nhân sau khám chỉ định nặng cần phải nhập viện điều trị.

Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng ghi nhận số ca tới viện thăm khám do đau mắt đỏ có sự gia tăng.

Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Nga, khoa Mắt (Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: “Rất nhiều người bệnh chủ quan với bệnh đau mắt đỏ, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không đúng cách. Đến khi bệnh kéo dài không khỏi hoặc diễn tiến nặng mới đến thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa”. Theo bác sĩ Nga, đau mắt đỏ nếu điều trị đúng cách, kịp thời, người bệnh có thể khỏi trong khoảng từ 10-14 ngày. Tuy nhiên nhiều người bệnh tự ý mua thuốc điều trị không theo tư vấn, đơn kê của bác sĩ dẫn đến bệnh kéo dài không khỏi, tăng nặng, biến chứng viêm giác mạc. Mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có giả mạc, xuất huyết dưới kết mạc, đôi khi hình thành viêm loét trên giác mạc… ảnh hưởng đến thị lực, sinh hoạt hằng ngày. Loét giác mạc có thể gây sẹo trên giác mạc, giảm thị lực vĩnh viễn. “Đặc biệt, người già hoặc trẻ nhỏ là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu nên rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ và có nguy cơ biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách”, bác sĩ Quỳnh Anh nói.

“Bệnh thường khởi phát đột ngột, rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh”, bác sĩ Nga cho biết (Tiền phong, trang 15).

 

Xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng

Một số nghiên cứu cho thấy, tại nước ta hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, gần 7 triệu người khuyết tật và hơn 4 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học dioxin. Những đối tượng này rất cần có bệnh viện phục hồi chức năng và các cơ sở phục hồi chức năng khác để chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và hòa nhập cuộc sống.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh. Phục hồi chức năng là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mạn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu phục hồi chức năng được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục, công bằng để nâng cao sức khỏe và phát triển xã hội bền vững. Hiện tổ chức mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng tại nước ta gồm hai bệnh viện tuyến trung ương; 38 bệnh viện tuyến tỉnh và 25 bệnh viện thuộc các bộ, ngành; 550 khoa phục hồi chức năng thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện; có hơn 9.000 trong tổng số hơn 11.000 xã, phường phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng; khoảng 25% số xã cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Năng lực chuyên môn kỹ thuật ngày càng được phát triển và nâng cao, dịch vụ phục hồi chức năng được cung cấp ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe. Ðến nay, Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố đã cấp chứng chỉ hành nghề phục hồi chức năng cho 2.431 cá nhân, trong số đó, có 1.721 kỹ thuật viên; cả nước có khoảng 7.200 người được đào tạo về phục hồi chức năng...

Tuy nhiên, ngành phục hồi cũng gặp nhiều khó khăn: Phần lớn cơ sở vật chất còn chật hẹp, thiếu các trang thiết bị hiện đại, nhiều cơ sở chưa tiếp cận với người khuyết tật: Chưa có lối đi cho người đi xe lăn, chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; nhân lực phục hồi chức năng còn thấp so với thế giới: 0,25 cán bộ phục hồi chức năng/10 nghìn dân, trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là 0,5 đến 1 cán bộ phục hồi chức năng/10.000 dân. Chưa kể hiện nay, có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền làm giảm số bệnh viện phục hồi chức năng.

Thực trạng thiếu phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn; thiếu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế đối với cơ sở phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành khác quản lý còn tồn tại; các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ, là gánh nặng với người khuyết tật và gia đình; kinh phí phục hồi chức năng cho người khuyết tật của các địa phương hầu như chưa được bố trí hoặc nếu có thì rất ít (Nhân dân, trang 8).

 

Phẫu thuật cắt gan, cứu sống bệnh nhân mắc ung thư gan, suy tim nặng

Bệnh nhân đã được hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Nội tim mạch và Tim mạch can thiệp, phối hợp điều trị trước và sau khi tiến hành phẫu thuật.

Chiều ngày 24/8, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, vừa thực hiện phẫu thuật cắt bỏ gan trái thành công cho một bệnh nhân bị mắc ung thư gan và suy tim rất nặng với chỉ số phân suất tống máu thất trái (EF) chỉ 25% (người bình thường nằm trong khoảng 50-70%).

Trước đó, bệnh nhân ĐND. (SN 1962, ngụ huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) vốn có tiền sử suy tim, mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, đã đặt stent động mạch vành. Gần đây, ông cảm thấy đau bụng vùng hạ sườn, nên đi khám phát hiện ung thư gan trái. Do tình trạng bệnh quá nặng nên ông được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân D. được nhập khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đà Nẵng). Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện có khối u gan trái lớn, kích thước khoảng 5x5cm, cứng chắc.

Ngoài ra bệnh nhân còn được chẩn đoán hở van tim 2 lá, van tim 3 lá và van động mạch chủ, chỉ số phân suất tống máu thất trái (EF) chỉ 25%. Bệnh nhân đã được hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Nội tim mạch và Tim mạch can thiệp, phối hợp điều trị trước và sau khi tiến hành phẫu thuật.

Sau khi điều trị bệnh lí tim mạch tạm ổn EF 35%. Các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa và Gây mê hồi sức tiến hành gây mê và phẫu thuật cắt gan trái cho bệnh nhân. Nhờ phương tiện gây mê hồi sức hiện đại và áp dụng kỹ thuật gây mê tiên tiến, ca phẫu thuật đã thành công sau hơn 2 giờ. (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

 

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tập trung nguồn lực hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác dân số

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận và đánh giá sự cố gắng nỗ lực vượt khó của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và cả hệ thống cán bộ làm công tác dân số các cấp.

Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2023 diễn ra hôm nay (24/8) tại TP Cần Thơ. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Đại đa số các tỉnh, thành đã bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số

Hội thảo đã được nghe báo cáo đánh giá công tác Dân số 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và một số định hướng kế hoạch công tác Dân số năm 2024.

Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã báo cáo dự thảo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn I Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030". Qua các báo cáo và tham luận cho thấy công tác dân số thời gian qua và 6 tháng đầu năm tiếp tục được được Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp quan tâm và đạt một số kết quả, cụ thể: ở Trung ương, ngày 7/7/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã có Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong đó có quy định về vi phạm chính sách dân số (điều 52).

Thủ Tướng Chính phủ đã ký quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 11/4/2023 về kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và phát triển do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm trưởng ban.

Tổng cục Dân số đã tham mưu Bộ Y tế ban hanh và và trình cấp thẩm quyền ban hành 12/13 đề án, văn bản quy phạm pháp luật được giao theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.

 

 Đối với dự án luật Dân số, hiện ban soạn thảo đang tích cực chính lý, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội vào năm 2024. Tổng cục Dân số cũng đã chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch 2023; hướng dẫn các hoạt động chuyên môn cũng như chủ động xây dựng, triển khai thử nghiêm các mô hình về dân số từ đầu năm để nhân rộng ra toàn quốc trong thời gian tới sau khi đã đánh giá kết quả.

Ở địa phương, đết hết tháng 6/2023, hầu hết các tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực điều chỉnh mức sinh, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Đặc biệt đã có 33 tỉnh, thành phố đã xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chính sách dân số trong tình hình mới. Đại đa số các tỉnh, thành phố đã bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Kết quả thực hiện chỉ tiêu 6 tháng đầu năm về dân số cho thấy chúng ta đã thực hiện và ước tính đạt 2/3 chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết số 01/NQ-CP; tỉ lệ các chỉ tiêu chuyên môn dự kiến đạt kế hoạch là 50%. Các hoạt động về dân số được triển khai khá đồng bộ ở các tuyến…

Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng công tác dân số còn quá nhiều khó khăn, hạn chế như: Chỉ tiêu cơ bản là tổng tỷ suất sinh dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra; 4/8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỉ lệ thấp và dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều (ở Trung ương kinh phí được cấp năm 2023 chỉ bằng 15% so với bình quân năm trong giai đoạn 2016-2020);

Tổ chức bộ máy, cán bộ ở cả trung ương và địa phương biến động; một số tỉnh, thành phố có chủ trương, có đề án chuyển Chi cục thành phòng Dân số (Quảng Ngãi, Tây Ninh); chế độ đãi ngộ đối với cán bộ dân số chưa kịp thời và tương xứng với nhiệm vụ.

Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030. (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

 

Bộ Y tế: Lạm dụng bóng cười ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ, cần giám sát chặt chẽ

Theo Bộ Y tế, sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma tuý khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội. Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O.

Chiều 24/8, Bộ Y tế cho biết theo báo cáo của một số địa phương đã xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng "bóng cười" có chứa khí Nitơ Oxit (N2O) tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí… ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Theo Bộ Y tế, khí Nitơ Oxit (tên hoá học là Dinitrogen monoxyd), công thức hoá học là N2O, là hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, sử dụng trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...); trong y học (để gây mê, an thần, giảm đau trong lĩnh vực nha khoa, sản khoa, thể thao…) và trong thực phẩm (là một phụ gia được phép sử dụng theo danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex). Tại Việt Nam, riêng đối với lĩnh vực thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, trong đó N2O là một phụ gia thực phẩm có chức năng làm chất khí đẩy, chất tạo bọt, chất khí bao gói, chất chống oxy hóa được phép sử dụng trong một số loại thực phẩm như sữa lên men, cream, quả tươi gọt vỏ hoặc cắt miếng, mì ống, mì sợi…(quy định này phù hợp với quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex).

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm nói chung và khí N2O nói riêng phải thực hiện tự công bố sản phẩm tại cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương và phải đảm bảo yêu cầu đối với phụ gia thực phẩm: được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn; không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bộ Y tế cho hay, hiện nay, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O trong vui chơi, giải trí (sử dụng bóng cười) khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái.

Bộ Y tế nhấn mạnh, việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma tuý khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O đúng theo quy định của pháp luật;

Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O;

Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định, nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm, không được lạm dụng, sử dụng sai mục đích; phải tuân thủ khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm (bảo đảm truy xuất được người bán và người mua). Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

Thanh Nhàn Tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.276
Tháng 05 : 125.104
Năm 2024 : 844.403
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.642.917