• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 24/8/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Số ca mắc uốn ván ở Hà Nội tăng gấp 3, đã có 2 người tử vong; Việt Nam cử đại diện ứng cử vị trí giám đốc khu vực của WHO; Hồ sơ ít biết về nhóm Bông Hồng Đen trong vụ lấy máu học sinh để xét nghiệm; Ghi nhận 61.799 ca mắc sốt xuất huyết, muỗi gây bệnh này có thể bay xa bao nhiêu?

Số ca mắc uốn ván ở Hà Nội tăng gấp 3, đã có 2 người tử vong

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ 11 đến 18-8), trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 3 bệnh nhân mắc uốn ván chỉ vì chủ quan với những vết xước nhỏ.

Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 65 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Bệnh nhân va phải cạnh bê tông cứng dưới ruộng bùn và bị thương ở gan bàn chân phải, sưng nề, tự rửa vết thương và uống kháng sinh nhưng không tiêm phòng uốn ván.

Sau vài ngày, ông này thấy đau nhức nhiều tại vết thương, cứng nhẹ cơ hàm, nói khó, ăn uống kém, đi khám tại Bệnh viện Quân y 105 và được chẩn đoán uốn ván. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị.

Ca thứ hai là nam bệnh nhân 50 tuổi, cũng ở huyện Ba Vì. Bệnh nhân va vào đinh sắt ở chuồng thỏ và bị xước da, chảy máu vùng mu bàn tay phải nhưng không tiêm phòng uốn ván. Sau khi xuất hiện cứng hàm, mỏi miệng, nuốt sặc, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.

Ca thứ ba là nữ bệnh nhân 77 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trước khi vào viện 7 ngày, trong khi di chuyển trên mặt đường, bệnh nhân bị vấp và một ngón chân quệt xuống mặt đường. Vết thương ở ngón chân sưng lên nhưng bệnh nhân không tiêm phòng uốn ván.

Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cứng hàm, khó há miệng, ăn uống rơi vãi..., được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 18 trường hợp mắc uốn ván, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022, trong đó có 2 ca tử vong.

Theo các bác sĩ, uốn ván là bệnh nguy hiểm. Người dân có thể mắc bệnh chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động. Giải pháp hữu hiệu nhất để phòng uốn ván là tiêm vaccine uốn ván (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Việt Nam cử đại diện ứng cử vị trí giám đốc khu vực của WHO

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom vừa thông báo danh sách 5 ứng cử viên cho vị trí Giám đốc Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nhiệm kỳ 2024 - 2029, trong đó có PGS.TS. BS Trần Thị Giáng Hương.

Trước đó, Chính phủ Việt Nam quyết định đề cử PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương vào vị trí trên và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chính thức gửi thư đề cử tới Tổng Giám đốc WHO. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên vào vị trí quan trọng này của WHO.

PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương là chuyên gia về y tế công cộng và sức khỏe toàn cầu với bề dày hơn 32 năm công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong ngành y tế, như: Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế; Trưởng SOM ASEAN về Phát triển y tế (SOMHD); Trưởng nhóm Công tác về Y tế của diễn đàn APEC; Thành viên dự khuyết của Hội đồng Chấp hành WHO, nhiệm kỳ 2016 - 2019. Từ tháng 7/2019 đến nay, PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương là Giám đốc các chương trình kiểm soát bệnh tật của Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Theo quy định của WHO, các ứng cử viên sẽ trải qua cuộc tham vấn với những quốc gia thành viên và sau đó là cuộc bỏ phiếu kín trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 74 của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, diễn ra từ 16 - 20/10 tới tại Manila, Philippines (Tiền phong, trang 2).

Hồ sơ ít biết về nhóm Bông Hồng Đen trong vụ lấy máu học sinh để xét nghiệm

Ngày 22/8, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thông tin chi tiết về vụ Bông Hồng Đen – Cầu Vồng Đen triển khai xét nghiệm HIV cho học sinh tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Vậy Bông Hồng Đen là tổ chức nào?

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đây là một nhóm tự lực thường được gọi là tổ chức dựa vào cộng đồng, được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tháng 8/2011.

Nhóm Bông Hồng Đen - Cầu Vồng Đen hiện đang triển khai hoạt động của dự án “Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam” tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng.

Ngoài ra, nhóm Bông Hồng Đen – Cầu Vồng Đen còn triển khai một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc Dự án phòng, chống HIV/AIDS của VUSTA do Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ giai đoạn 2021-2023.

 

Các hoạt động của nhóm Bông Hồng Đen - Cầu Vồng Đen liên quan đến dự án “Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam” bao gồm: Tiếp cận và can thiệp khách hàng là người sử dụng ma túy trong độ tuổi từ 16-24 tham gia nghiên cứu, với các hoạt động: Sàng lọc hành vi các khách hàng đăng ký tham gia nghiên cứu; tư vấn và xét nghiệm HIV cho khách hàng...

Các hoạt động của nhóm Bông Hồng Đen - Cầu Vồng Đen liên quan đến Dự án phòng, chống HIV/AIDS của VUSTA do Quỹ toàn cầu tài trợ giai đoạn 2021-2023 bao gồm: Tiếp cận khách hàng nhóm có hành vi nguy cơ cao như người quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người bán dâm, người tiêm chích ma túy để truyền thông về kiến thức và dịch vụ HIV/AIDS, xét nghiệm HIV tại cộng đồng hoặc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm, giới thiệu khách hàng xét nghiệm HIV âm tính đến các dịch vụ dự phòng như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP), hỗ trợ người xét nghiệm sàng lọc HIV có phản ứng đi làm xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tại cơ sở y tế, chuyển gửi người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV, hỗ trợ khách hàng tuân thủ điều trị ARV và PrEP...

Nhóm Bông Hồng Đen - Cầu Vồng Đen có 5 thành viên, trong đó có một thành viên đã tham gia lớp tập huấn về tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin, theo báo cáo ban đầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng và Tổ chức SCDI, nhóm Bông Hồng Đen đã sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh lấy máu đầu ngón tay để làm xét nghiệm tương tự như xét nghiệm theo dõi đường huyết. Bên cạnh đó, nhóm còn sử dụng sinh phẩm tự nghiệm bằng dịch miệng. Đây là kỹ thuật sử dụng dịch miệng để làm xét nghiệm sàng lọc HIV.

Hai kỹ thuật xét nghiệm trên đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị làm xét nghiệm tại cộng đồng bao gồm xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm.

Ngoài ra, trong kế hoạch hoạt động được nhà tài trợ đồng ý có hỗ trợ chi trả cho người tham gia nhận dịch vụ tư vấn xét nghiệm là 100.000 đồng. Do đó, việc nhóm chi trả cho người tham gia xét nghiệm đúng với đề cương của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

"Việc nhóm Bông Hồng Đen triển khai cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng là phù hợp với chủ trương đã nêu tại Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xét nghiệm HIV tại cộng đồng không có nguy cơ làm lây nhiễm HIV từ người xét nghiệm HIV sang người được xét nghiệm HIV", Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.

Tuy nhiên, đơn vị này kiến nghị tạm dừng hoạt động của nhóm Bông Hồng Đen để thu thập thông tin xác minh sự việc xảy ra vừa qua.

Đồng thời, đề nghị Sở Y tế và CDC Hải Phòng quán triệt các tổ chức cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình chuyên môn, xét nghiệm đúng đối tượng có hành vi nguy cơ trên nguyên tắc tự nguyện.

Bên cạnh đó, CDC Hải Phòng tư vấn cho các gia đình, phụ huynh và các cháu đã được xét nghiệm tại nhóm Bông Hồng Đen để cung cấp thêm các thông tin HIV và các vấn đề gia đình đang quan tâm, lo lắng...

Trước đó, ngày 18/8, một số phụ huynh phản ánh, tại căn nhà số 44 đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Hải Sơn, TP Hải Phòng, có một nhóm phụ nữ lấy máu hàng loạt học sinh không rõ mục đích. Mỗi cháu đến lấy máu xét nghiệm được bồi dưỡng 100.000 đồng, đã gây hoang mang cho nhiều phụ huynh, học sinh (Công an nhân dân, trang 8)..

Ghi nhận 61.799 ca mắc sốt xuất huyết, muỗi gây bệnh này có thể bay xa bao nhiêu?

Theo thống kê tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 61.799 ca mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 số mắc giảm 61,7%, tử vong giảm 75 ca. Tuy nhiên những tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết tại khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng.

Trên cả nước số ca mắc sốt xuất huyết và ca tử vong do sốt xuất huyết giảm, nhưng tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 11 - 18/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 996 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 234 ca so với tuần trước đó). Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Hoàng Mai (103 ca), Thanh Trì (73 ca), Thạch Thất (63 ca), Bắc Từ Liêm (55 ca), Hà Đông (55 ca), Phú Xuyên (51 ca), Cầu Giấy (50 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 4.508 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 1.270 ca. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 472/579 xã, phường, thị trấn.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng nhanh, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch trong tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Cụ thể, tại các ổ dịch thôn Hòa Bình - xã Dị Nậu - huyện Thạch Thất chỉ số BI=20; thôn Vĩnh Ninh - xã Vĩnh Quỳnh - huyện Thanh Trì (BI=35); phường Dịch Vọng Hậu - quận Cầu Giấy (BI=50)… Dự báo, thời gian tới, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp. Trước diễn biến ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tăng, Cục Y tế dự phòng mới đây đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ TW cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội.

Trao đổi với Sức khoẻ & Đời sống chiều 23/8, TS Vũ Trọng Dược - Trưởng Văn phòng sốt xuất huyết phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho hay, theo như ghi nhận, trong những tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết tại khu vực miền Bắc đang có chiều hướng gia tăng như tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh...

Tuy nhiên, tại Hà Nội số ca tăng được ghi nhận mạnh nhất. Đây vừa là xu thế chung về dịch tễ của cả khu vực, vì thông thường Hà Nội cũng như các tỉnh của khu vực miền Bắc thường ghi nhận ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 7, 8 và đạt đỉnh vào tháng 9, 10, ngoài ra năm nay còn có các yếu tố về thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho đàn muỗi véc tơ phát triển với mật độ cao, làm phát tán virus Dengue ở cộng đồng mạnh hơn.

Ngoài ra, Hà Nội có những đặc thù làm cho sốt xuất huyết có yếu tố tăng nhanh hơn so với các tỉnh khác thuộc khu vực miền Bắc, đó là giao thương đi lại nhiều, mật độ dân cư đông đúc làm cho muỗi dễ phát tán virus Dengue hơn. Nếu như có muỗi nhiễm virus thì sẽ có 'điều kiện' lây lan mạnh hơn các khu vực khác.

Về sự phát tán, bay xa của muỗi gây sốt xuất huyết, TS Dược cho biết thêm: "Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu muỗi sốt xuất huyết sinh sống ở trong khu vực đô thị, dân cư đông đúc thì có thể bay xa khoảng 150- 200m, vì thế khi ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở khu vực đô thị, chúng tôi thường khuyến cáo cần giám sát, điều tra và xử lý dụng cụ chứa nước thật tốt trong bán kính 200 m kể từ nhà bệnh nhân". (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

Thanh Nhàn (Tổng hợp)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.917
Tháng 05 : 124.745
Năm 2024 : 844.044
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.642.558