• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 23/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: 3 thành tố quyết định giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con; Chuyên gia chỉ các dấu hiệu của căn bệnh chiếm đến 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở nữ; Cần thiết xây dựng quy định quản lý dữ liệu y tế thống nhất, đồng bộ và tập trung; Súng cướp cò khi bắn chim, người đàn ông bị đạn xuyên vào mắt; Bộ Y tế nói gì về thông tin thiếu thuốc điều trị tay chân miệng? Sinh thiết có 'tiếp tay' cho ung thư di căn?

3 thành tố quyết định giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai theo 3 nhánh nhằm bảo vệ trẻ em, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ và người mẹ biết được tình trạng sức khỏe của mình để can thiệp sớm trong điều trị nhiễm HIV, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Các thành tố làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ.

HIV/AIDS là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2022, trên thế giới có khoảng 38,0 triệu người nhiễm HIV. Trong đó, khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV, trong đó 1,5 triệu trẻ em nhiễm HIV từ mẹ sang con. 

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 228.497 người nhiễm HIV hiện đang còn sống, 113.253 người nhiễm HIV đã tử vong. Từ năm 2012- 2022, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh, từ 1.500 trẻ xuống còn hơn 600 trẻ mỗi năm, tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1% năm 2022.

Chương trình phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai từ năm 1999 với mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo TS.BS Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Chương trình phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ và các đơn vị của Bộ Y tế. Hiện nay chương trình đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc với 63 tỉnh thành phố đã triển khai chương trình  này.

"Bộ y tế thì đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn liên quan quá trình triển khai chương trình. Vào  tháng 6 hàng năm là tháng hành động quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ  mẹ sang con", TS Nhàn nói.

Hiện nay, các can thiệp để triển khai chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con đang được triển khai theo ba nhánh gồm:

Thứ nhất, trước khi có thai làm thế nào để là người phụ nữ dự phòng không bị nhiễm HIV; Nếu người mẹ nhiễm HIV rồi thì làm thế nào để không có thai ngoài kế hoạch, hoặc ngoài ý muốn.

Thứ hai, khi người mẹ có thai  thì làm thế nào để phát hiện người đó nhiễm HIV thật sớm bởi phát hiện nhiễm HIV sớm thì có nghĩa là bà mẹ sẽ được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang sang con sớm. Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ sẽ giảm thiểu được nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ.

Thành tố thứ ba là sau khi sinh làm thế nào cả bà mẹ và em bé phải được tiếp tục được  điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Em bé sinh ra phải tiếp tục được theo dõi,  điều trị dự phòng và nuôi dưỡng, chăm sóc và chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV từ mẹ.

Phụ nữ vùng sâu, vùng khó khăn ít được tiếp cận các biện pháp can thiệp phòng chống HIV hơn phụ nữ thành phố

Chương trình phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng chưa đồng đều ở các tỉnh thành. TS.BS Đỗ Thị Nhàn cho rằng, mặc dù đã có những văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, các can thiệp phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng khắp, tuy nhiên vẫn tồn tại sự khác biệt tương đối lớn ở các tỉnh thành. Ví dụ ở một số tỉnh thành phố lớn - nơi mà các dịch vụ về tư vấn xét nghiệm HIV hay chăm sóc thai nghén, chăm sóc sinh sản khá phổ biến, việc tiếp cận các dịch vụ này dễ dàng, nên đã gặt hái được những kết quả khả quan. Tuy nhiên ở những khu vực như vùng núi, vùng sâu, vùng xa - nơi mà các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho các bà mẹ đến khám thai không phải sẵn có tại các trạm y tế xã, phường. Thậm chí có địa phương, việc xét nghiệm HIV không thể tiến hành ở tuyến xã mà phải gửi lên tỉnh. Đây là điểm hạn chế trong triển khai chương trình.

Bên cạnh những nhóm đối tượng các bà mẹ được phát hiện, quản lý nhiễm HIV, vẫn có nhóm đối tượng mà chương trình chưa tiếp cận được. Trong cả năm 2022, trong nhóm phụ nữ mang thai được quản lý, tiếp cận với chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con thì chỉ phát hiện được 11 cháu (1,9%) lây HIV từ mẹ,  thấp hơn rất nhiều so với trước.

"Câu hỏi được đặt ra ở đây là đối với nhóm mà chúng ta chưa quản lý được thì làm thế nào. Chắc chắn còn một nhóm phụ nữ và con của họ chưa tiếp cận được dịch vụ, nhất là phụ nữ ở những vùng sâu, vùng xa những khu vực mà không sẵn có dịch vụ này. Đây cũng là một câu hỏi lớn và chúng tôi cũng đang có kế hoạch là sẽ thực hiện rà soát đánh giá lại vấn đề này", Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết.

Hiện nay, trong kế hoạch của Bộ Y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang phối hợp với Vụ Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới triển khai đánh giá chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng thời đề ra những việc cần can thiệp tiếp theo trong thời gian tới. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Chuyên gia chỉ các dấu hiệu của căn bệnh chiếm đến 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở nữ

Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, ung thư vú là một bệnh có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng, tuy nhiên đây là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất...

Ung thư vú chiếm đến 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở giới nữ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, mỗi năm Việt Nam ghi nhận 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở nữ giới và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh thông tin nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều... "Vì thế, vai trò của tầm soát sớm ung thư vú rất quan trọng"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi chị em cần chủ động tầm soát sớm ung thư vú.

Thực tế, ngày càng nhiều chị em quan tâm hơn đến tầm soát căn bệnh ung thư vú. Liên quan đến chủ đề này, tại buổi tư vấn về "Ung thư vú: Phẫu thuật tạo hình và bước tiến mới trong điều trị nội khoa" do Bệnh viện K tổ chức mới đây, PGS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại Vú Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cho biết thời gian qua đã có một số tín hiệu đáng mừng của căn bệnh ung thư vú, đó là:

Thứ nhất, cách đây hơn 20 năm, 2/3 số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn nhưng hiện tại ngược lại, 2/3 số bệnh nhân đến viện giai đoạn sớm. Đây là sự thay đổi ngoạn mục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe và tầm soát ung thư vú sớm.

Thứ hai, công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển bao phủ các phương pháp sàng lọc giúp bệnh nhân phát hiện sớm hơn, nhiều thuốc mới ra đời, nhiều phương pháp điều trị tiến bộ. Bởi vậy, khi nhận chẩn đoán ung thư vú, chị em không nên hoang mang, lo lắng. Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%.

"Hiện nay tiểu ban ung thư vú của Bệnh viện K bao gồm các chuyên khoa phẫu thuật, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh… đã bám sát dòng chảy của thế giới hướng tới mục tiêu ngày càng tăng tỷ lệ bệnh nhân chữa khỏi, chất lượng sống của người mắc ngày càng nâng lên"- BS Quang cho biết thêm.

Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư vú.

Các chuyên gia của Bệnh viện K cho hay, ung thư vú là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất. Các bác sĩ cân nhắc kỹ, có thể phối hợp nhiều phương pháp với nhau điều trị trên một bệnh nhân tùy theo giai đoạn bệnh, đặc điểm sinh học của khối u, tình trạng sức khỏe ... và cả mong muốn của người bệnh. Các phương pháp điều trị ung thư bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch ...

Đối  với những tiến bộ mới về nội khoa, TS.BS Lê Thị Yến - Phó trưởng khoa Nội tổng hợp Quán Sứ, Bệnh viện K, cho biết ung thư vú có 3 phân nhóm thụ thể:

Thứ nhất, bệnh nhân thụ thể nội tiết dương tính có các liệu pháp kháng CDK4/6 mang lại hiệu quả điều trị nội tiết cả giai đoạn bổ trợ và tái phát di căn.

Thứ hai, nhóm bệnh có các yếu tố phát triển biểu mô dương tính 3+, điều trị trúng đích giúp bệnh nhân được điều trị tốt hơn.

Thư ba, với thể tam âm, trước đây, bác sĩ phải tìm các biện pháp điều trị cho bệnh nhân thì ngày nay có các điều trị miễn dịch, ức chế PARP cải thiện thời gian sống. Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ miễn dịch của người bệnh để chống lại khối u. Đây là liệu pháp sinh học, giúp khôi phục, tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau. Đối với ung thư vú, bác sĩ sử dụng phương pháp ức chế PD-1 và PD-L1.

Hiện Bệnh viện K phối hợp với Bộ Y tế đề xuất bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho tầm soát ung thư vú giúp nhiều phụ nữ có cơ hội phát hiện bệnh sớm hơn. Theo TS Lê Hồng Quang, BHYT chi trả hoạt động này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giảm chi phí điều trị hơn rất nhiều.

Trong thời gian BHYT chưa thanh toán, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi, người có chị em, mẹ mắc ung thư vú nên chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa tầm soát ung thư vú.

TS Lê Hồng Quang khuyến cáo: Với các chị em phụ nữ, nếu không có yếu tố nguy cơ cao như đột biến BRCA; bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 - 30 tuổi... thì nên đến khám tầm soát ở độ tuổi từ 40 trở lên. Tuy nhiên dù ở bất kỳ độ tuổi nào cũng nên tự kiểm tra, quan tâm đến sức khỏe của mình bằng cách tự khám vú tại nhà sau kỳ kinh 03-05 ngày để khi phát hiện bất thường thì đến khám.

Bệnh ung thư vú có những triệu chứng nào?

Theo TS.BS Lê Hồng Quang, ung thư vú là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng. Chị em phụ nữ được khuyến cáo nên tự khám vú của mình thường xuyên, để biết được trạng thái bình thường của vú và kịp thời phát hiện những thay đổi tại vú khi nó mới xuất hiện.

Các triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, bao gồm:

Đau: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.

Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

Chảy dịch-máu ở đầu vú: Đầu vú tư nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Cần thiết xây dựng quy định quản lý dữ liệu y tế thống nhất, đồng bộ và tập trung

Theo Bộ Y tế việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu y tế để phục vụ việc quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách, nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân; góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính...

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quản lý dữ liệu y tế. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quản lý dữ liệu y tế gồm 5 chương, 28 điều. 

Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể về tạo lập, thu thập, cập nhật, điều chỉnh dữ liệu y tế; khai thác, sử dụng, kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về y tế…

Theo Bộ Y tế, Nghị định được xây dựng nhằm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng các dữ liệu y tế, hình thành các Cơ sở dữ liệu về y tế (bao gồm cả cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế) để phục vụ việc quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách, nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân; góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực y tế.

Dữ liệu y tế là gì?

Bộ Y tế cho biết dữ liệu y tế bao gồm dữ liệu điện tử, dữ liệu số chứa các thông tin, dữ liệu quốc gia và dữ liệu ngành, chuyên ngành phản ánh về các lĩnh vực y tế bao gồm: Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; Y tế dự phòng; Dược phẩm và Mỹ phẩm; Y, dược cổ truyền; Trang thiết bị và công trình y tế; An toàn thực phẩm; Dân số - sức khỏe sinh sản; Bảo hiểm y tế; Bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế; Đào tạo, nhân lực y tế; Khoa học, công nghệ trong y tế.

Bộ Y tế cho biết thêm, từ các hệ thống thông tin chuyên ngành, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cụ thể: Cơ sở dữ liệu về dân số - kế hoạch hóa gia đình; cơ sở dữ liệu về dược và mỹ phẩm; cơ sở dữ liệu về nhân lực y tế; cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; cơ sở dữ liệu về HIV/AIDS; cơ sở dữ liệu về khám, chữa bệnh; cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm; cơ sở dữ liệu về vệ sinh nhà tiêu và chất lượng nước sạch; cơ sở dữ liệu về môi trường cơ sở y tế; cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành các bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ mã danh mục dùng chung là cơ sở dữ liệu đầu vào áp dụng trong phần mềm để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội và các đơn vị có liên quan trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, các dữ liệu y tế có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc quản lý của Bộ, ngành khác như: Dữ liệu y tế gồm bảo hiểm y tế, thông tin cơ bản về y tế có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; các dữ liệu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, gồm các thông tin về người dân như họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân, ngày cấp, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nhóm máu, cư trú; các dữ liệu định danh cơ sở y tế bao gồm mã định danh cơ sở y tế, tên cơ sở, hình thức tổ chức, số quyết định thành lập, số giấy phép hoạt động, thông tin về phạm vi hoạt động…

Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý. 

Tuy nhiên, trong tờ trình của Bộ Y tế cho biết, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế đã xây dựng chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung trong ngành y tế, cũng như yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê manh mún, thiếu tập trung và nhiều thông tin bị trùng lặp do có sự giao thoa về đối tượng quản lý; phương pháp thống kê và định dạng thông tin chi tiết cần thống kê không đồng nhất dẫn đến việc số liệu không chính xác, không mô tả đúng thực trạng; đối tượng chịu trách nhiệm thống kê phải thực hiện việc thống kê báo cáo thành nhiều lần.

Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý như dữ liệu về cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ, chứng nhận…); dữ liệu về ngân hàng mô; dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm; cơ sở sản xuất trong thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần...

Thêm vào đó, thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn vừa qua cho thấy do không có sự thống nhất, thiếu quy định về cung cấp dữ liệu nên các cơ quan ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều động nhân lực, trang thiết bị,… phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như việc thống kê, xử lý số liệu, phân tích, báo cáo tình hình, xu hướng dịch hay các hoạt động liên quan đến khai báo, kiểm soát dịch.

Vì vậy, theo Bộ Y tế, cần thiết phải xây dựng một quy định quản lý về dữ liệu y tế thống nhất, đồng bộ và tập trung từ trung ương đến địa phương để kết nối, chia sẻ với các Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung và yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế nói riêng... (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Súng cướp cò khi bắn chim, người đàn ông bị đạn xuyên vào mắt

Trong lúc đi bắn chim, do bất cẩn làm súng cướp cò, người đàn ông ở Nghệ An bị viên đạn chì xuyên vào đỉnh hốc mắt.

Sáng 21/10, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Bác sĩ CKII Phạm Văn Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện mắt Nghệ An cho biết vừa phẫu thuật lấy viên đạn chì ra khỏi hốc mắt người đàn ông.

Mới đây, bệnh nhân H.B.K. (22 tuổi ở xã Na Ngoi, huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An) vào cấp cứu tại Bệnh viện Mắt Nghệ An trong tình trạng mắt phải sưng húp, phía ngoài mi mắt có một lỗ thủng.

Các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp Xquang và phát hiện 1 dị vật nằm ở đỉnh hốc mắt phải của bệnh nhân.

Qua khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân được biết, trong lúc đi bắn chim, do treo súng không cẩn thận nên bị rơi, súng cướp cò, viên đạn xuyên vào đỉnh hốc mắt phải.

Để bảo tồn mắt cho bệnh nhân các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Sau 3 tiếng phẫu thuật, các phẫu thuật viên đã lấy viên đạn ra khỏi hốc mắt của bệnh nhân.

"Đây là một trong những trường hợp hy hữu mà chúng tôi gặp. Vì là đạn chì nếu để lâu sẽ nhiễm trùng, thậm chí dẫn đế hoại tử, hỏng mắt nên phải phẫu thuật. Cũng rất may viên đạn xuyên vào đỉnh hốc mắt nhưng không làm hỏng mắt của bệnh nhân. Bác sĩ CKII Phạm Văn Minh cho biết thêm.

Trước đây, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Nghệ An cũng đã phẫu thuật cho 2 bệnh nhân bị dị vật là thanh tre đâm vào hốc mắt nhưng không đi khám, tới tháng thứ 3 khi mắt nhiễm trùng, sưng to không chịu nổi mới đến bệnh viện để khám, điều trị. 

"Để tránh những biến chứng đáng tiếc, thậm chí là hỏng mắt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị khi bị dị vật vào mắt", bác sĩ Minh khuyến cáo. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Bộ Y tế nói gì về thông tin thiếu thuốc điều trị tay chân miệng?

Đại diện Cục Quản lý dược của Bộ Y tế cho biết Cục đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh đối với bệnh tay chân miệng.

Trước thông tin về việc thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở TP HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, hiện nay có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. 

Hiện nay đã nhập khẩu về Việt Nam với số lượng 8.258 lọ thuốc và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ tiếp tục nhập khẩu 2.000 lọ thuốc về Việt Nam.

Ngoài ra, dự kiến trong những tháng cuối năm 2023, các thuốc immunoglobulin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành sẽ được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam.

Đối với thuốc chứa hoạt chất phenobarbital, hiện nay có một thuốc do cơ sở trong nước sản xuất đã được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cơ sở đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc trong thời gian tới để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.

"Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 21.000 lọ thuốc tiêm chứa hoạt chất phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay 21.000 lọ thuốc tiêm phenobarbital đã được nhập khẩu về Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở có nhu cầu"- Phó Cục trưởng Lê Việt Dũng nói.

Cũng theo ông Lê Việt Dũng, hiện Cục Quản lý dược vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của một số cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa phenobarbital) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện.

Cục Quản lý Dược đã có văn bản hướng dẫn cơ sở nhập khẩu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhập khẩu theo quy định.

Về thuốc chứa hoạt chất milrinon, hiện có hai cơ sở sản xuất trong nước là Công ty cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội và Công ty cổ phần Pymepharco có sẵn thuốc để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Lê Việt Dũng: Thực tế cho thấy nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh.

Theo thống kê, trong tuần 39/2023 cả nước ghi nhận 7.048 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc tăng 3,8%. Tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng; 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296/3) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca. Riêng trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Hiện Thành phố đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Sinh thiết có 'tiếp tay' cho ung thư di căn?

Sinh thiết làm lây lan bệnh ung thư, sinh thiết 'tiếp tay' cho ung thư di căn là câu nói mà nhiều người hay truyền tai, khi một ai đó có người nhà hoặc bản thân cần phải thực hiện sinh thiết để phát hiện bệnh. Vậy sinh thiết là gì và thực hư chuyện nó có thể gây hoặc lây lan ung thư ra sao?

Sinh thiết là gì?

Mặc dù có rất nhiều thông tin y tế chính thống về ung thư, nhưng thực tế lại chỉ có một vài trong số những thông tin này là tiếp cận được những người quan tâm. Việc tin vào thông tin sai lệch hoặc những lời đồn không có thật lại sẽ làm tăng khoảng cách giữa bệnh nhân và việc điều trị ung thư một cách hữu hiệu.

Sinh thiết là cách phổ biến nhất để các bác sĩ chẩn đoán ung thư. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ khối u. Sau đó mẫu sinh thiết sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán.

Có nhiều kĩ thuật khác nhau để thu thập mẫu sinh thiết. Ví dụ, trong sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ, bác sĩ sẽ đưa một cây kim gắn với ống tiêm vào vùng cần lấy mẫu để lấy một lượng mô nhỏ vừa đủ để chẩn đoán bệnh. Còn trong sinh thiết cắt bỏ, bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ khối nghi ngờ để kiểm tra.

Tin đồn Sinh thiết tiếp tay cho ung thư di căn đến từ đâu?

Có một tin đồn rằng việc đâm kim vào một khối u có thể làm cho các tế bào ung thư lọt vào máu hoặc mạch bạch huyết và làm lây lan khối u. Điều này khiến nhiều bệnh nhân rất hoang mang. Một số người cũng có thể hiểu lầm rằng việc đâm kim vào sẽ "kích hoạt" khối u và làm cho nó phát triển nhanh hơn.

Ngoài ra, các thông tin sai lệch trên internet hoặc truyền miệng cũng có thể làm tăng sự lo lắng không cần thiết về sinh thiết. Một số nguồn thông tin không chính xác có thể lan truyền quan điểm sai lầm về sinh thiết và ung thư.

Trong khi đó, Giáo sư Jeffrey Gershenwald từ MD Anderson - trung tâm ung thư lớn nhất thế giới cho biết: Sinh thiết được thực hiện đúng kĩ thuật sẽ cung cấp nhiều thông tin cho việc chẩn đoán, xác định giai đoạn ung thư cũng như giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tốt hơn.

Các nhà khoa học nói gì về tin đồn "Sinh thiết gây ung thư"?

Gieo mầm khối u hay gieo mầm ung thư bằng kim đề cập đến những trường hợp hiếm gặp khi kim đâm vào khối u trong quá trình sinh thiết, dẫn đến làm bong và phát tán các tế bào ung thư. Đôi khi, nó được gọi là dấu kim hoặc đường gieo mầm ung thư vì các tế bào ung thư phát triển dọc theo đường kim đi qua.

Trong các nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã nỗ lực xác định rủi ro và lợi ích của sinh thiết nhằm cung cấp thông tin tốt hơn cho bệnh nhân và bác sĩ. Một số nghiên cứu về các trường hợp riêng lẻ xác nhận rằng việc sinh thiết gây gieo mầm khối u rất hiếm khi xảy ra và lợi ích của sinh thiết vượt xa rủi ro.

Ví dụ, một đánh giá năm 2008 trên tạp chí Gut cho thấy việc lây lan khối u xảy ra ở 2,7% trường hợp sinh thiết ung thư gan. Tuy nhiên, nghiên cứu của BJU International năm 2015 đã xem xét các nghiên cứu trước đó và nhận thấy tỉ lệ lây lan này là rất thấp (dưới 1%).

Nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Endoscopy không tìm thấy sự khác biệt nào về tái phát ung thư ở 256 bệnh nhân ung thư tuyến tụy đã làm và không làm sinh thiết. Sau đó, một nghiên cứu khác vào năm 2015 trên Gut đã phát hiện ra rằng sinh thiết không liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong ở 2.034 bệnh nhân ung thư tuyến tụy.

Gần đây hơn, một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Urology phát hiện ra rằng kĩ thuật sinh thiết lõi bằng kim an toàn và hiệu quả ở 42 bệnh nhân ung thư bàng quang và việc lây lan khối u không xảy ra sau 28 tháng theo dõi.

Nhìn chung, mặc dù việc lây lan khối u trong quá trình sinh thiết không phải là không thể xảy ra nhưng trường hợp này rất hiếm gặp.

Tầm quan trọng của sinh thiết

Sinh thiết thường là cách tốt nhất để xác định chắc chắn liệu bạn có bị ung thư hay không. Mặc dù các công cụ khác, chẳng hạn như siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI), có thể cho bác sĩ biết một vùng nghi ngờ có khối u. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, cách duy nhất để chẩn đoán xác định ung thư là thực hiện sinh thiết và quan sát những tế bào nghi ngờ ung thư dưới kính hiển vi.

Đôi khi, sinh thiết cho thấy vùng nghi ngờ chỉ chứa các tế bào lành tính hoặc không gây ung thư. Điều này có nghĩa là bạn không cần điều trị. Ngược lại, sinh thiết có thể cho bác sĩ biết mức độ ác tính và nghiêm trọng của bệnh ung thư, thể hiện bằng giai đoạn và cấp độ của bệnh. Hơn nữa, sinh thiết cũng có thể giải thích loại tế bào ung thư nào đang phát triển bên trong khối u. Tất cả những thông tin này nhằm giúp xác định hướng xử trí tốt nhất để điều trị ung thư.

Trong thời đại số hóa ngày nay, việc phân biệt giữa sự thật và tin đồn là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi chúng ta đề cập đến các vấn đề sức khỏe. Rõ ràng, quan niệm "sinh thiết gây ung thư" là một trong những tin đồn không chính xác và có thể gây hại. Các bác sĩ chuyên khoa ung thư khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng và đặt niềm tin vào các nguồn thông tin chính thống và khoa học để mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.230
Tháng 07 : 20.427
Năm 2024 : 1.159.734
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.958.248