• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bộ Y tế: Hội nghị trực tuyến hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024"

Chiều ngày 22/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 với chủ đề "Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh" và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine Sởi năm 2024. Tham dự hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tại điểm cầu Bộ Y tế có Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện của Bộ Y tế; bà Nguyễn Thị Kim Chi - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua công tác tiêm chủng tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong khi nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm luôn hiện hữu. Do đó đề nghị các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Ước tính Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những Chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, phải kể đến trước tiên là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng. Tiếp đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát...

Đặc biệt thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc rà soát tiền sử tiêm chủng, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Đối với Chiến dịch tiêm vaccine Sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở, ban ngành xây dựng, ban hành Kế hoạch tiêm chủng bổ sung vaccine Sởi-rubella, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động.

Tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vaccine Sởi-Rubela cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo; Vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine đảm bảo đúng quy định.

Các điểm cầu tham gia hội nghị.

Để tiếp tục duy trì thành quả của công tác tiêm chủng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể đã có sự quan tâm song cần quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa, đặc biệt đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng của địa phương, trong đó ưu tiên kinh phí cho triển khai tiêm, kinh phí cho công tác phòng chống dịch những bệnh có vaccine như sởi, bạch hầu...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin; Bộ Y tế mong muốn người dân Việt Nam ngày càng được tiêm chủng nhiều loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vaccine mới như vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, vaccine phòng bệnh do Phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác để có thêm cơ hội phòng bệnh cho nhân dân.

Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI)… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng Việt Nam, một quốc gia có dân số lớn và đặc điểm dịch tễ bệnh truyền nhiễm phức tạp.

Nhật Thắng


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.971
Tháng 10 : 106.334
Năm 2024 : 2.480.656
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.279.170