• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt, rượu bia, bánh kẹo, nước giải khát, các loại rau…

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt, rượu bia, bánh kẹo, nước giải khát, các loại rau… tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm mà hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tung ra thị trường. Vậy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục tết Nguyên đán được các cơ quan chức năng triển khai như thế nào? Phóng viên Trung tâm Truyền thông - GDSK Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Phan Văn Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Tĩnh về vấn đề này.

Phóng viên: Trước thực trạng các mặt hàng thực phẩm tràn lan, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là là thực phẩm an toàn, bác sĩ có thể cho biết, sự vào cuộc của ngành Y tế Hà Tĩnh thời gian qua như thế nào ?

Bs Phan Văn Hùng: Phải nói rằng, vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay đang là một nối băn khoăn lớn không chỉ đối với người tiêu dùng, mà chính các nhà quản lý cũng hết sức lo ngại. Ở Việt Nam có trên 70% số hộ dân làm nông nghiệp và có tham gia vào chuỗi cung cấp thực phẩm, Hà Tĩnh có 180 ngàn hộ. Ngoài ra còn có gần 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có đăng ký kinh doanh. Nhưng với quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình, thủ công truyền thống như hiện nay, việc quản lý được hết các đối tượng là cả một vấn đề rất lớn. Thực trạng các mặt hàng thực phẩm tràn lan, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là thực phẩm nhiễm độc, đâu là thực phẩm an toàn cũng là chuyên dễ hiểu.

Thời gian qua, ngoài chức năng nhiệm vụ được phân công, ngành Y tế Hà Tĩnh còn là đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP, là đầu mối trong việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Ngành đã chủ trì cùng với các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở. Chủ động trong việc tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho cộng đồng trong việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP.

Trong năm 2017, toàn tỉnh (các sở ngành, địa phương) đã tiến hành kiểm tra 13.216 lượt cơ sở, phát hiện 3.139 lượt cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính 2.291 cơ sở vi phạm số tiền trên 3,6 tỷ đồng; tiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm trị giá gần 2 tỷ đồng; đình chỉ, thu hồi giấy phép 7 cơ sở (1 cơ sở sản xuất rượu, 6 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai)... Lấy và kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, dụng cụ sản xuất chế biến thực phẩm đánh giá tình trạng ô nhiễm, làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn, trong đó tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ cao như: thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay, rượu, nước giải khát, rau, củ, quả, giò, chả…

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra các cơ sở giết mổ tập trung trước tết Nguyên đán

Phóng viên : Thưa bác sỹ, những chất cấm như foocmon, chất phụ gia… gây nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe con người?

Bs Phan Văn Hùng: Cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật ngày nay đã mang lại những điều thần kỳ cho xã hội nói chung và ngành chế biến thực phẩm nói riêng. Trong đó, phụ gia thực phẩm là giải pháp hữu hiệu để giúp cho thực phẩm giữ tươi ngon, chất lượng đồng nhất, đa dạng và kéo dài thời gian sử dụng. Hiện nay, trên thế giới có hơn 3.000 loại chất phụ gia trong việc chế biến thực phẩm. Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm, với khoảng 400 chất (cả hương liệu).

Tuy nhiên, chỉ từ 5 - 10% mặt hàng này được sản xuất tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu, trong đó có 30% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có thể kể đến một số thông dụng như: Chất điều chỉnh độ chua, chất giữ ẩm, chất chống oxy hóa, chất bảo quản chống nấm mốc, chất ngọt tổng hợp... Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng phụ gia thực phẩm được sử dụng tràn lan khiến không ít người lo ngại do lạm dụng nó có thể gây hại cho người dùng.

Phụ gia thực phẩm trôi nổi, nhập lậu thường được dùng ở các cơ nhỏ lẻ nên khó kiểm soát. Đặc biệt, một số cơ sở thay vì sử dụng phụ gia cho phép đã sử dụng phụ gia công nghiệp như phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản độc hại để giảm chi phí. Trên thị trường hiện nay, nhiều loại thực phẩm, bánh, mứt, kẹo, nước giả khát...được nhuộm màu lòe loẹt. Những sản phẩm này cho dù có dùng đúng loại phẩm màu cho phép cũng sử dụng quá liều, chứ chưa nói đến khả năng cơ sở sản xuất dùng phẩm màu độc hại. phụ gia thực phẩm dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục, sẽ tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài, đặc biệt nếu dùng phụ gia thực phẩm bị cấm có thể gây ra hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy gan, thận mạn tính, thiếu máu, da xanh xao, động kinh, giảm sút trí tuệ. Có nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, gây quái thai ở phụ nữ mang thai…

Theo tôi, để an toàn chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên (gấc, nghệ, điều...) và phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn khi đưa vào cơ thể, hoặc thay phụ gia bằng cách bảo quản trong điều kiện thích hợp. Với những loại phụ gia thực phẩm là hóa chất, ngay cả khi đã được cho phép, cũng nên dùng càng ít càng tốt, và nếu không thật sự cần thiết thì không nên dùng.

Phóng viên: Có một thực tế, người dân vẫn chưa biết cách lựa chọn thực phẩm như thế nào cho an toàn. Về góc độ chuyên môn, bác sĩ có lời khuyên như thế nào?

Bs Phan Văn Hùng: Việc lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu lại là cả một vấn đề mà không phải người tiêu dùng nào cũng biết. Để chọn được một thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn, nguyên tắc cơ bản là: Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ; có nhãn mác thông tin đầy đủ; hạn dùng rõ ràng; không có các biểu hiện hư hỏng, mốc, và có mùi khác thường; thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Ví dụ, với các loại rau, quả, củ : chọn mua các loại có màu sắc, hương thơm tự nhiên; không dập nát. Thận trọng khi mua những loại trái vụ, sản phẩm có kích thước, khối lượng lớn bất thường. Một số loại rau ăn lá không nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt vì những loại này khi gieo trồng có thể được sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, hoặc phân hóa học vẫn còn tồn dư. Không mua các loại rau, củ, quả dập nát, có mùi bất thường, dính bụi phấn bẩn có thể do sử dụng hóa chất bảo quản, kích thích chín... Không mua các loại củ đã mọc mầm vì ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Đối với các loại thịt gia súc, gia cầm: Nên chọn mua thịt của gia súc, gia cầm khỏe mạnh, không có các biểu hiện bất thương như trên da có vết đỏ, tím, nốt xuất huyết, có mùi ôi thiu. Nên chọn các loại đã được xác nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Không mua các loại gia súc, gia cầm…trong vùng đang có dịch. Cần tìm hiểu nguồn gốc cung cấp thịt hay người kinh doanh buôn bán, thịt và các sản phẩm từ động vật. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến vệ sinh của quầy bán thịt vì đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sự an toàn khi sử dụng.

Với các loại bánh, mứt, kẹo, thực phẩm đã chế biến, bao gói sẵn: Cần chọn mua những sản phẩm được bao gói cẩn thận, kín, khô, có nhãn ghi đầy đủ, rõ ràng địa chỉ sản xuất, có đăng ký chất lượng hàng hóa và phải còn hạn dùng. Các loại đồ hộp vỏ không rỉ, không thủng, không bị phồng. Không mua thực phẩm có màu sắc sặc sỡ khác thường để tránh các chất màu thực phẩm không an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra công tác ATVSTP nhân dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại siêu thị Co.oop Mart Hà Tĩnh.

Phóng viên: Trước nỗi lo của người dân, lực lượng chức năng đã có những biện pháp tăng cường quản lý giám sát như thế nào?

Bs Phan Văn Hùng: Ngoài việc tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; tập huấn, hướng dẫn cho người sản xuất, kinh doanh về kiến thức thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch an toàn, ngành Y tế đã cùng các sở ngành liên quan, các địa phương tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành thực hiện kiểm tra, trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện xử xử lý các vi phạm. Xử lý các có sở vi phạm, loại trừ thực phẩm bẩn tạo cơ hội cho việc kinh doanh tiêu thụ thực phẩm sạch an toàn phát triển. Kiểm soát và thực hiện việc thẩm định cấp phép cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ điều kiện làm cơ sở cho việc thực hiện vào chuỗi đang ký cung cấp thực phẩm sạch. Đăng ký cấp Công bố chất lượng cho các loại sản phẩm thực phẩm sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn theo quy định. Khuyến khích các cơ sở sản xuất thực hiện việc công bố chất lượng đối với các loại thực phẩm chưa nằm trong diện phải công bố, thủ công truyền thống. Chủ động trong việc lấy mẫu thực phẩm trên thị trường để kiểm soát, đánh giá mức độ ô nhiễm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm và cảnh báo cho người dân tây chay thực phâm không an toàn.

Để công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu quả ngoài chức năng của các cơ quan quản lý, điều quan trọng nhất vẫn là lương tâm, trách nhiệm của các hộ sản xuất kinh doanh, coi sức khỏe cộng đồng như sức khỏe của chính bản thân mình. Đồng thời cũng cần sự vào cuộc cả hệ thống chình trị và mong người tiêu dùng chủ động hợp tác trong phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm không đảm bảo an toàn thực phẩm để có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.

Phóng viên : Xin cảm ơn bác sỹ.

Tuấn Dũng


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.621
Tháng 05 : 43.124
Năm 2024 : 762.423
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.560.937