• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhiều khó khăn trong công tác Y tế trường học

Thực hiện đề án “Sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành y tế Hà Tĩnh”, thời gian qua, 415 nhân viên y tế học đường thuộc các trường học được điều chuyển về công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Thực tế triển khai, sử dụng, quản lý nhân sự mới bước đầu đã đi vào ổn định tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm có biện pháp tháo gỡ.

Trước và thời gian đầu sau khi sát nhập, vấn đề chuyên môn của đội ngũ y tế học đường là một dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, trong một thời gian dài, các cán bộ này hầu như ít có điều kiện tiếp xúc chuyên sâu với lĩnh vực mình được đào tạo, vì vậy, năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành còn hạn chế. Chính vì thế,  để đảm bảo công tác chuyên môn, Sở Y tế đã có Hướng dẫn số 110/HD-SYT ngày 14/1/2019 về việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhiệm vụ y tế trường học; tiếp nhận, bố trí viên chức y tế trường học tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ nhiệm vụ công tác y tế trường học của trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các trạm y tế phải xây dựng kế hoạch hoạt động y tế trường học trong kế hoạch hoạt động chung của trạm Y tế xã hàng năm; phân công viên chức thực hiện nhiệm vụ công tác y tế trường học, đồng thời phối hợp với các trường học trên địa bàn thực hiện công tác y tế trường học theo quy định của Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ GDĐT.

Trưởng Trạm Y tế xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) hướng dẫn cán bộ y tế trường học một số nội dung chuyên môn

 

Ngoài ra, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác của Chính phủ, của Liên Bộ Y tế - Nội vụ thì cán bộ y tế trường học phải được đào tạo cập nhận kiến thức y khoa, thực hành lâm sàng theo các văn bản pháp luật của nhà nước liên quan đến hành nghề, chức năng nhiệm vụ của trạm y tế, nhiệm vụ công tác y tế trường học; kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm để cấp chứng chỉ. Tháng 7/2019, Sở Y tế đã tổ chức cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế học đường chuyển từ ngành Giáo dục về ngành Y tế. Theo đó, 309 học viên đã  được Sở Y tế cấp chứng nhận  hoàn thành khóa đào tạo. Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế/Y tế dự phòng các huyện, thị, thành phố, tổ chức 13 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về công tác Y tế trường học cho hơn 500 cán bộ Trưởng trạm Y tế và chuyên trách Y tế trường học tại 262 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

Sau hơn 9 tháng được điều chuyển từ Trường THCS Thạch Hội (Thạch Hà) về công tác tại Trạm y tế Thạch Thắng (Thạch Hà), Điều dưỡng Trần Thị Nhật đã không còn bỡ ngỡ như lúc mới về tiếp nhận nhiệm vụ mới nữa. Chị tâm sự: Trước đây, nhiệm vụ của cán bộ y tế trường học khá đơn giản, ngoài việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh và thỉnh thoảng sơ, cấp cứu đơn giản cho nên áp lực công việc cũng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, khi tiếp cận công việc mới, chị cảm thấy mọi thứ rất khác và áp lực vì sợ không đảm đương được nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, qua một thời gian làm việc, được đào tạo, bồi dưỡng thêm chuyên môn, nghiệp vụ thì chị đã quen với công việc hiện tại.

Sau khi được tập huấn, đào tạo cán bộ y tế học đường phần lớn đã đáp ứng yêu cầu các công việc cơ bản được giao. Tuy nhiên, cái khó là nhiều trạm y tế hiện nay đang thiếu dược sỹ, y sỹ y học cổ truyền,… trong khi đó đội ngũ y tế học đường chủ yếu là điều dưỡng. Bên cạnh đó, việc mỗi xã chỉ có một nhân viên y tế phụ trách y tế học đường trong khi số lượng điểm trường tại các địa phương là khác nhau cũng là một trở ngại chưa có hướng giải quyết.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Lam, Trưởng trạm y tế xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) cho biết, trên địa bàn xã nay có 7 điểm trường (2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS và 01 trường THPT)  với hơn 2000 học sinh, thế nhưng chỉ có 01 cán bộ phụ trách y tế học đường, vì thế nên rất khó để đáp ứng được với công việc. Bên cạnh đó việc phối hợp làm việc giữa trạm y tế và các trường học trên địa bàn chưa thực sự hiệu quả.

Thạc sỹ Nguyễn Việt Thắng, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết: trong tháng 10/2019, Sở Y tế Hà Tĩnh đã tổ chức giám sát công tác y tế học đường tại 13 trường học trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy chỉ có 3/13 trường học chủ động phối hợp với các trạm y tế trên địa bàn để triển khai các hoạt động y tế trường học. Các trường còn nhiều lúng túng về công tác y tế trường học do điều chuyển cán bộ y tế từ trường về trạm. Qua đó, Sở Y tế cũng đã đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện thị xã, thành phố chỉ đạo các trường học trên địa bàn chủ động phối hợp với trạm y tế ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh.

Trong cuộc đời của một con người, người học sinh có gần 20 năm phải ngồi trên ghế nhà trường từ bậc mầm non đến bậc trung học phổ thông để thực hiện nhiệm vụ học tập của mình. Đây chính là thời gian học sinh gặp phải khá nhiều bệnh tật từ môi trường sống, môi trường học đường; bị ảnh hưởng bởi các tai nạn, thương tích hoặc do chế độ dinh dưỡng không hợp lý... Nếu không có sự chăm sóc của gia đình và xã hội nói chung, của ngành y tế và ngành giáo dục-đào tạo nói riêng thì những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh là điều không thể tránh khỏi và trở thành vấn đề rất lớn của xã hội. Vì thế nên việc giải quyết làm sao để y tế học đường thực sự mang lại hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các thế hệ học sinh, thiết nghĩ, không chỉ là nguyện vọng chính đáng mà còn là yêu cầu bức thiết của các cơ sở y tế và giáo dục ở địa phương.

Phan Sang

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.490
Tháng 04 : 201.316
Năm 2024 : 698.535
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.497.049