• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần cẩn trọng trong thời tiết lạnh

Theo cảnh báo của các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, thời tiết chuyển lạnh sẽ khiến cho những người mắc các bệnh hô hấp mạn tính có nguy cơ cao phải nhập viện.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần cẩn trọng trong thời tiết lạnh

Bác sỹ cho bệnh nhân COPD thở khí dung.

Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Chắt (xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà) đã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Mỗi năm, ông phải nhập viện từ 2 đến 4 lần, mỗi đợt điều trị kéo dài khoảng hơn 10 ngày để ổn định sức khỏe.

“Đây là lần thứ 3 trong năm tôi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh điều trị trong năm nay. Những lần đến viện điều trị thường là vào những lúc thời tiết thay đổi, khiến tôi ho nhiều, tức ngực thở khó, sức khỏe suy yếu, không đáp ứng được việc dùng thuốc, thở khí dung tại nhà”.

Được biết, hiện Phòng Quản lý bệnh COPD và hen phế quản của BVĐK tỉnh đang quản lý gần 900 bệnh nhân ngoại trú. Còn tại Khoa Nội tổng hợp của BVĐK tỉnh hiện đang điều trị cho 38 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, chiếm 40% tổng số bệnh nhân tại khoa. Người mắc các bệnh lý về hô hấp thường đa dạng về độ tuổi nhưng riêng với bệnh COPD thì chủ yếu là nam giới, độ tuổi trung, cao tuổi và đặc biệt gặp nhiều ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc làm việc trong các môi trường có yếu tố nguy cơ như: khói bụi, ô nhiễm không khí.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần cẩn trọng trong thời tiết lạnh

Chụp XQ phổi cho người bệnh.

Bệnh COPD được WHO xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và con số này còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Vì vậy, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội và nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân trong việc phòng bệnh, hạn chế hậu quả của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bác sỹ Vương Kim Đức - Trưởng khoa Nội tổng hợp (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Các triệu chứng điển hình của COPD bao gồm: ho, khạc đờm, khó thở khi gắng sức. Bệnh COPD thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm, vì vậy, nếu người nào thuộc nhóm có nguy cơ cao và có các triệu chứng ban đầu nên đến gặp ngay bác sỹ để được khám, chẩn đoán và kiểm tra chức năng hô hấp. Hiện nay, chưa thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh COPD nhưng có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống khi kịp thời đến các cơ sở y tế khám, hướng dẫn dùng thuốc điều trị bệnh phù hợp".

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần cẩn trọng trong thời tiết lạnh

Hướng dẫn, tư vấn người bệnh phòng, tránh bệnh COPD.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi được chẩn đoán COPD, bệnh nhân cần dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ, đến khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt cấp của bệnh. Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, đây là việc quan trọng nhất trong việc điều trị bệnh COPD. Giữ không khí môi trường trong nhà thật sạch sẽ, thoáng, tránh khói bụi và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than. Luyện tập, giữ cho thân thể khỏe mạnh. Tập thở theo hướng dẫn của bác sỹ, đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản, chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.

Đi cấp cứu ngay nếu có dấu hiệu nguy hiểm sau đây: nói chuyện yếu, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu hay không còn tác dụng - thở vẫn gấp và khó.

Nhật Thắng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 158
Tháng 12 : 166.987
Năm 2024 : 2.967.575
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.766.089