Bác sĩ bệnh viện Tâm thần khuyến cáo về rối loạn lo âu
Hiện nay, các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng do nhiều áp lực cuộc sống, công việc, stress.... Tuy nhiên, hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần vẫn có phần lệch lạc. Rất nhiều người nghe đến rối loạn tâm thần liền nghĩ đến bệnh điên, thần kinh… mà không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác trong xã hội hiện đại như rối loạn lo âu.
Vấn đề rối loạn lo âu có tính chất bệnh lý, tương đối phổ biến, với tỉ lệ thường gặp là khoảng từ 1,5% - 3,5% dân số. Ngoài yếu tố di truyền, hiện nay, bệnh này ngày càng dễ mắc phải là do những căng thẳng, stress, áp lực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các vấn đề về thể chất như mắc bệnh tim mạch, tiêu hoá, tiểu đường... cũng có thể dẫn đến rối loạn lo âu. Người bệnh thường rơi vào trạng thái lo âu quá mức trước một tình huống hay sự việc nào đó, thậm chí là một sự lo lắng rất vô lý. Tình trạng này kéo dài liên tục, lặp đi lặp lại và ảnh hưởng đến sự thích nghi của người bệnh với cuộc sống.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã điều trị cho 1.584 bệnh nhân nội trú, trong đó 106 bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lo âu. Và đáng chú ý, đa số bệnh nhân đều vào viện điều trị muộn, bệnh đã có những diễn biến phức tạp. Đây là một trong số những khó khăn của công tác điều trị bệnh nhân rối loạn tâm thần.
Bệnh nhân Ngô Đình H, 77 tuổi, trú tại huyện Kỳ Anh chia sẻ: Cách đây khoảng 3 tuần, bệnh nhân bắt đầu có các dấu hiệu như đau đầu, đêm ít ngủ, bồn chồn, bất an, người mệt mỏi và thường lo lắng về bệnh tật của mình. Ở nhà 10 ngày không đỡ nên bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện Tâm thần để được điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lo âu, qua một thời gian điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được cải thiện đáng kể.
Dựa theo Bảng Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10), rối loạn lo âu được phân loại ở nhóm F41, cũng như các bệnh khác, việc phát hiện bệnh sớm đóng vai trò quyết định trong kết quả điều trị bệnh. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi nhanh. Nếu phát hiện muộn, lúc này bệnh đã tiến triển mạn tính, rất khó hồi phục. Việc phát hiện bệnh thường do người thân trong gia đình, người cùng cơ quan, đơn vị, trường học... Phát hiện bệnh sớm và phòng bệnh là thành lũy cơ bản nhằm làm giảm sự gia tăng của các bệnh tâm thần nói chung và rối loạn lo âu nói riêng trong xã hội hiện đại.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh khuyến cáo: Để giảm căng thẳng hay tránh stress dẫn đến những rối loạn tâm thần, trong đó có rối loạn lo âu, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh: Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích, tăng cường hoạt động thể lực, kết hợp cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi… Ngoài ra, cần biết phát hiện sớm các biểu hiện của các rối loạn lo âu như bồn chồn, lo âu, mất ngủ... để khám và điều trị kịp thời. Gia đình và người thân cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế, không cúng bái, không giấu bệnh; tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ quản lý và cho uống thuốc đúng liều lượng và thời gian. Có trường hợp phải điều trị duy trì hàng năm như vậy, người bệnh có thể khỏi hoặc ổn định và sống hòa nhập trong cộng đồng.
Thanh Nhàn