Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống Viêm gan vi rút 28/7: Bệnh viêm gan virus B - hiểu để hành động tốt hơn
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có trên 350 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính và có khoảng 01 triệu người chết do bệnh viêm gan B hàng năm. Còn tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 10-20% dân số. Viêm gan virus B là một bệnh phổ biến toàn cầu, do virus viêm gan B gây ra. Bệnh viêm gan virus B nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể tiến triển đến viêm gan mạn tính và hậu quả cuối cùng là xơ gan và ung thư gan.

Nhận thức về bệnh viêm gan virus B của người dân còn thấp
Một số nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm gan virus B ngày càng phát triển và được giới y học đánh giá là “kẻ giết người thầm lặng” do quá trình ủ bệnh kéo dài và người bệnh hầu như không có triệu chứng gì rõ rệt trong thời kỳ đầu. Cùng với đó là các kiến thức và thông tin về bệnh viêm gan virus B chưa phổ biến rộng rãi tới người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nên hầu hết người dân chưa chủ động đi khám. Bên cạnh đó, nếu người dân không có bảo hiểm y tế thì việc điều trị bệnh viêm gan thường phải tốn một khoản chi phí không nhỏ, thậm chí nếu tiến hành ghép gan thì chi phí có khi lên tới gần tỷ đồng. Nhiều người bệnh do tài chính hạn hẹp và một phần vì thiếu thông tin đầy đủ về bệnh nên chỉ biết chấp nhận số phận và chờ tử vong. Trong khi đó, một số bệnh nhân có khả năng điều trị lại mang tư duy “có bệnh vái tứ phương” tự ý kết hợp cả thuốc tây lẫn thuốc nam, thuốc bắc... dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài. Thậm chí có nhiều người không tuân theo phác đồ điều trị hay chỉ dẫn dùng thuốc của bác sỹ mà lại nghe bạn bè người quen giới thiệu tự ý mua thuốc về dùng, chỉ đến khi bệnh quá nặng mới vào viện chữa. Một số trường hợp khác, người bệnh tuân thủ theo đúng hướng dẫn dùng thuốc của bác sỹ được hơn nửa thời gian thấy bệnh tiến triển tốt liền dừng thuốc và cũng không đi khám lại nên bệnh tiến triển biến chứng thành xơ gan và ung thư gan.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa, 45 tuổi, ở xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh tâm sự: "Năm 2001, trong lần kiểm tra sức khỏe để đi nước ngoài, tôi phát hiện mình bi viêm gan B, nhưng do nghĩ bệnh không nghiêm trọng nên tôi không đi chữa. Cách đây một năm, sức khỏe yếu, mệt mỏi, ăn uống kém, nên đi khám mới biết mình bị xơ gan/viêm gan B mãn tính, nên đã vội vàng đi Hà Nội chữa trị. Sau khi ở Bệnh viện tỉnh mở phòng tư vấn, khám, điều trị bệnh viêm gan virus nên tôi về đây điều trị để đỡ kinh phí".

Còn đối với bệnh nhân Trần Văn K, 41 tuổi, ở xã Thạch Hải, Thạch Hà, là một trong những bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối ngậm ngùi: "Tôi phát hiện bị viêm gan B thời gian khá lâu. Thời gian đầu mang bệnh tôi vẫn ăn uống bình thường, sức khỏe tốt nên chủ quan không đi chữa. Đến năm 2012, tôi thấy cơ thể suy nhược, ăn không tiêu, không muốn ăn, mặt gầy, hốc hác, da sạm đen, sút cân. Lúc đó, đi khám mới biết mình bị xơ gan/viêm gan B. Trước tình trạng này, tôi được mọi người giới thiệu lấy thuốc Nam về uống, một năm sau uống thuốc Nam, tôi thấy bụng chướng, vàng da, vàng mắt, đi kiểm tra thì đã bị ung thư gan. Vào bệnh viện tỉnh điều trị được hơn một tuần rồi nhưng vì bệnh quá nặng nên tôi cũng không hy vọng gì nữa".
Theo bác sĩ Võ Văn Phương, Trưởng khoa Ung bướu, bệnh viện đa khoa tỉnh, trong số bệnh nhân vào điều trị tại Khoa Ung bướu, thì có tới khoảng 10% bệnh nhân bị xơ gan và ung thư gan/viêm gan B, hoặc C. Đa số bệnh nhân trước khi vào điều trị tại đây thì có sử dụng thuốc bắc hoặc thuốc nam nên thường vào điều trị trong tình trạng bệnh đã nặng, dẫn đến khó khăn trong công tác điều trị.
Phòng khám, tư vấn, điều trị viêm gan vi rút B mãn tính - đem đến sự hài lòng cho người bệnh
Với quyết tâm “lấy người bệnh làm trung tâm”, mọi hoạt động của bệnh viện đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Từ tháng 11-2015 Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thành lập Phòng khám, tư vấn, điều trị viêm gan virus B mãn tính, nằm ngay trong Khoa truyền nhiễm của bệnh viện. Với phòng tư vấn, điều trị này, các bệnh nhân viêm gan virus B mạn đến khám và điều trị tại đây sẽ có một không gian riêng để được tư vấn và chia sẻ thông tin trực tiếp từ các chuyên gia và bác sĩ giàu kinh nghiệm của bệnh viện. Đặc biệt, bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả, hứa hẹn bước đầu đáp ứng nhu cầu được tư vấn, khám và điều trị của bệnh nhân viêm gan B mạn.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: trước đây, mỗi năm Bệnh viện chúng tôi gửi trên 200 lượt bệnh nhân viêm gan virus B, C mạn lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện đã đầu tư máy sinh học phân tử để đo tải lượng virus, định tuýp viêm gan B, C. Với thời gian ngắn, độ chính xác cao, trị giá trên 02 tỷ đồng, giúp người bệnh được hưởng các dịch vụ y tế ngay trên quê hương mình. Sau khi thành lập đến nay đã có gần 100 bệnh nhân viêm gan virus B, C mạn được chúng tôi điều trị, tư vấn, hướng dẫn một cách chu đáo, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị.
Theo bác sĩ Bảo: Viêm gan virus B có thể lây theo 3 con đường chính: đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con, do đó biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tất cả mọi người chưa bị nhiễm virus viêm gan B. Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như sàng lọc máu, các chế phẩm của máu, sử dụng bơm kim tiêm một lần, các dụng cụ y khoa vô khuẩn, quan hệ tình dục an toàn… Đối với phụ nữ nhiễm virus viêm gan B mang thai cùng với khám thai người mẹ cần được xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm virus viêm gan B để có các biện pháp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và tiêm kháng huyết thanh cùng vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho trẻ ngay sau sinh. Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ để có thể kiểm soát được diễn biến của bệnh và phòng ngừa lây nhiễm sang cho người khác. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc điều trị theo mách bảo, hoặc sử dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng. Nếu được điều trị tốt những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính có thể hạn chế được các biến chứng nguy hiểm.
Thanh Loan