Dịch sốt xuất huyết vào mùa, người dân không được chủ quan
Theo dự báo, bắt đầu từ tháng 6 là thời điểm dịch sốt xuất huyết (SXH) vào mùa nên người dân Hà Tĩnh cần nâng cao ý thức phòng chống.
Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành giám sát véc-tơ truyền bệnh SXH...
Theo thông tin mới nhất, từ đầu năm 2020, có 58 tỉnh, thành phố đã ghi nhận các trường hợp mắc SXH. Trong tháng 5, Hà Nội ghi nhận 137 ca SXH ở nhiều quận, huyện. Còn TP Hồ Chí Minh từ tháng 3 đến nay ghi nhận hàng chục ổ dịch SXH.
Tại Hà Tĩnh, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), đến nay, toàn tỉnh chỉ mới ghi nhận 4 ca mắc SXH.
Các ca bệnh này mắc rải rác tại các địa phương như: Sơn Kim (Hương Sơn), Ích Hậu (Lộc Hà), Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc), tuy nhiên không bùng phát thành dịch.
...bắt bọ gậy Aedes để thử kháng hóa chất, phục vụ công tác phòng chống dịch SXH tại Hà Tĩnh
Là địa phương đã có 2 ca mắc SXH từ đầu năm lại nay, ngành y tế Lộc Hà đã nhanh chóng triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống.
Bác sỹ Đào Văn Thế - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lộc Hà cho biết, 2 ca SXH tại xã Ích Hậu, một ca mắc vào tháng 2 và ca còn lại mắc vào tháng 3.
Ngay khi phát hiện, trung tâm đã cùng với Trạm Y tế xã tổ chức điều tra dịch tễ, giám sát véc-tơ truyền bệnh và triển khai các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trong bán kính 200m quanh nhà bệnh nhân; phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành vệ sinh môi trường. Các bệnh nhận mắc bệnh đã được đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Từ đó đến nay, Lộc Hà chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.
Cán bộ Trung tâm YTDP huyện Lộc Hà triển khai việc vệ sinh môi trường, lật úp các vật dụng không cần thiết để ngăn chặn muỗi sinh sôi....
Theo bác sỹ Nguyễn Chí Thanh – Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh, SXH ở Hà Tĩnh đang được ngăn chặn, khống chế, chưa có dịch, số người mắc ít. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, lượng người đi lại, nhất là từ các vùng có dịch về đông, thời tiết nắng nóng thỉnh thoảng có mưa rào, mưa dông, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển nên nguy cơ dịch bùng phát rất cao. Chính vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mà cần có ý thức phòng dịch.
Bắt đầu từ tháng 6, tháng 7 trở đi, để phòng tránh dịch SXH, bà con cần thực hiện nghiêm phương châm “không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết”, tích cực, thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước, phun hóa chất diệt muỗi, thả cá vào các bể nước lớn, khi ngủ phải mắc màn và thực hiện các biện pháp xua đuổi, diệt muỗi.
Các trường hợp có biểu hiện sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế, chú ý đặc biệt đối với những người đi từ vùng có dịch về.
...và đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao ý thức, kỹ năng phòng tránh dịch cho người dân.
Hiện nay, CDC Hà Tĩnh đã cung cấp hóa chất cho các địa phương để chủ động trong công tác phòng chống dịch SXH.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát dịch tễ, giám sát véc-tơ truyền bệnh; tiến hành định kỳ bắt muỗi, bọ gậy để thử kháng hóa chất, kiểm tra mức độ chịu đựng hóa chất của muỗi để có giải pháp phù hợp trong phòng chống dịch.