• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ nhiễm HIV

Bs. Phùng Bình Văn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đối với trẻ nhiễm HIV, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp trẻ phát triển bình thường về thể chất và tinh thần mà còn giúp trẻ có đủ sức khỏe chống lại bệnh tật và làm chậm quá trình chuyển sang AIDS...

Theo Bs. Văn: Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi có mẹ bị nhiễm HIV, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Tuy nhiên, bà mẹ bị nhiễm HIV cho con bú có thể lây HIV cho con qua sữa mẹ. Vì vậy, bà mẹ nhiễm HIV có thể lựa chọn theo hai cách: Cho ăn sữa ngoài hoặc bú mẹ.

Khi mẹ bầu bị nhiễm HIV, thì không nên cho trẻ sơ sinh bú sữa

 

Nếu bà mẹ có đủ điều kiện cho trẻ ăn các loại sữa khác không phải sữa mẹ (tốt nhất là cho trẻ ăn sữa công thức dành riêng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi). Với cách này có ưu điểm: trẻ sẽ không bị lây truyền HIV qua sữa mẹ nhưng có nhược điểm: không phải là thức ăn tốt nhất cho trẻ, dễ bị nhiễm khuẩn nếu pha sữa không đúng, không vệ sinh, đắt tiền. Vì vậy, nếu bạn chọn sữa công thức thay thế sữa mẹ, cần phải biết cách pha sữa đúng, cho trẻ ăn đủ số lượng ghi trên nhãn hộp, vệ sinh khi pha sữa (rửa tay, luộc dụng cụ pha chế...)... 

Nếu bà mẹ không có đủ điều kiện để cho trẻ ăn sữa khác thì cho trẻ bú mẹ. Với cách này có ưu điểm, đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có các yếu tố chống nhiễm khuẩn giúp trẻ phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn và không mất tiền nhưng có nhược điểm là có thể lây HIV từ mẹ sang con qua sữa mẹ. Khi đã chọn cách cho trẻ bú mẹ cần cho bú mẹ hoàn toàn mà không được cho trẻ ăn, uống bất cứ thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước lọc (trừ thuốc theo chỉ định của bác sĩ). Cho bú đúng cách, tránh viêm nhiễm và xây xát đầu vú. Phát hiện và điều trị sớm viêm loét, tưa miệng ở trẻ. Có thể diệt HIV bằng cách vắt sữa mẹ (bằng tay hoặc dùng bơm), đun sôi rồi làm nguội ngay bằng cách ngâm cốc sữa vào nước lạnh, cho ăn bằng cốc/ly, thìa/muỗng. Chỉ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong một vài tháng đầu vì thời gian bú mẹ càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú mẹ vừa ăn sữa khác có thể gây tiêu chảy, tổn thương ruột làm HIV dễ xâm nhập cơ thể trẻ. Sau khi cai sữa, cho trẻ ăn sữa khác thay thế sữa mẹ.

Trẻ nhiễm HIV được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng hớp lý

 

Đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi: Cho ăn bổ sung. Sữa (sữa hộp, sữa tươi...) là  một phần chế độ ăn của trẻ nhiễm HIV.

Thực phẩm cho trẻ đủ 4 nhóm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Nấu bột hay cháo cần có: thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ, trứng hoặc lạc, vừng; rau, củ, quả như rau ngót, rau dền, rau muống, bí ngô. Thêm 1-2 thìa mỡ hay dầu ăn. Quả chín đặc biệt tốt cho trẻ nhiễm HIV, nên cần chú ý cho trẻ ăn hàng ngày.

Về số bữa ăn bổ sung trong ngày: Trẻ từ 6-12 tháng tuổi có thể cho ăn 2-3 bữa/ngày. Trẻ từ 13-24 tháng tuổi cho ăn 3-4 bữa/ ngày kèm thêm 2 bữa phụ như nước quả hay quả chín, sữa bò, bánh quy... Nếu trẻ không ăn thêm sữa, cho ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ/ngày.

Đối với trẻ trên 2 tuổi: trẻ ăn 3 bữa chính cùng gia đình, mỗi bữa từ 1-2 bát, ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu và rau xanh. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ: Sữa, bánh, quả chín. Bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thức ăn từ nguồn sẵn có tại địa phương: chất bột (gạo, ngô...), chất đạm từ các loại thịt (tốt nhất là thịt bò và thịt gia cầm) và đậu đỗ (đậu phụ, vừng, lạc), chất béo (từ dầu thực vật và mỡ động vật, nên chọn mỡ gà, vừng lạc), vitamin, chất khoáng và chất xơ (rau củ, rau lá và quả chín). Chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh. Cần cho trẻ uống đủ nước, mỗi ngày 6-8 cốc nước (200ml/cốc) gồm nước đun sôi, nước rau, nước quả.

Nhật Minh

Bs. Phùng Bình Văn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết thêm: hiện nay người mẹ nhiễm HIV mà được điều trị ARV kịp thời, tuân thủ tốt quá trình điều trị, có tải lượng vi rút dưới 200 thì cho con bú an toàn. Đây cũng chính là thông điệp K = K (“Không phát hiện = Không lây truyền” ). Vì vậy phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần chủ động xét nghiệm sớm HIV, để được điều trị sớm, phòng tránh lây nhiễm HIV. 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 826
Tháng 04 : 181.078
Năm 2024 : 678.297
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.476.811