• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Lịch sử phát triển ngành Điều dưỡng và Hội Điều dưỡng Việt Nam

Điều dưỡng (Nursing, Nurse) với  bản chất là chăm sóc, nuôi dưỡng. Nguồn gốc của sự chăm sóc là từ những hoạt động chăm sóc của bà mẹ đối với người con của mình. 

Lịch sử điều dưỡng thế giới gắn liền với cuộc đời của bà Florence Nightingale (1820 - 1910), người khai sinh ra ngành Điều dưỡng hiện đại, cùng với biểu tượng của cây đèn dầu đã làm lay động trái tim mỗi người và gửi thông điệp sâu sắc tới mọi điều dưỡng viên về vai trò của công tác điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh.

Bà Florence Nightingale (1820 – 1910) Người sáng lập ngành Điều dưỡng Thế giới

 

1. SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM

Trong tiến trình phát triển của dân tộc ta, y tế là một ngành xuất hiện từ rất sớm và luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc. Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngành Y tế đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong quá trình đó, công tác điều dưỡng, hộ sinh đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của hệ thống y tế.

Tháng 2 năm 1949, trong thư gửi lớp y tá đầu tiên tại Liên khu I, Bác Hồ đã viết “Y tá chẳng những là một nghề  nghiệp mà còn là một nghĩa vụ… Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ của dân tộc người y tá phải gánh một phần quan trọng. Y tá là những chiến sỹ đánh giặc ốm để bảo vệ sự tráng kiện của giống nòi. Những chiến sỹ  y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó; phải giàu lòng bác ái, hy sinh...”. Lời dạy của Bác đã khẳng định vai trò quan trọng của người điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Ngày 26/10/1990 Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức đại hội thành lập tại Hội trường Ba Đình theo Quyết định số 375/HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Từ đây, đội ngũ Y tá- điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên y học (gọi chung là điều dưỡng) có một tổ chức Hội nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, hoạt động trên phạm vi cả nước nhằm mục đích: “Đoàn kết, xây dựng phát triển nghề điều dưỡng vì sức khỏe cộng đồng, vì sự tiến bộ của người điều dưỡng”. Bà Vi Thị Nguyệt Hồ là Chủ tịch sáng lập Hội.

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ, Chủ tịch sáng lập Hội Điều dưỡng Việt Nam

Với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của đông đảo đội ngũ Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật viên. Hội Điều dưỡng Việt Nam đã góp phần làm đổi mới quan niệm về nghề điều dưỡng và người điều dưỡng. Sự thay đổi nhận thức là kết quả của một quá trình phấn đấu kiên trì của những người lãnh đạo Hội. Và hơn tất cả, đó là sự tự khẳng định của những người điều dưỡng bằng chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh của chính mình.

Từ khi thành lập đến nay, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã trải qua 07 kỳ đại hội. Ngày 26-27/10/2017, tại thành phố Đà Nẵng, Đại hội đại biểu Hội Điều dưỡng Việt Nam lần thứ VII đã thành công tốt đẹp. Ông Phạm Đức Mục tái cử là Chủ tịch Hội. Mục tiêu chung của nhiệm kì 2017-2022 là “Hội Điều dưỡng Việt Nam trở thành tổ chức chuyên nghiệp trong việc vận động xây dựng chính sách nghề nghiệp, đào tạo nâng cao năng lực hội viên và đại diện cho tiếng nói của điều dưỡng Việt Nam. Tăng cường giáo dục y đức, đạo đức truyền thống tạo sự chuyển biến căn bản về văn hóa nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của Hội viên Điều dưỡng”.

          Hiện nay, Hội Điều dưỡng Việt Nam có 68 hội thành viên tập thể, trong đó có 61 tỉnh/thành Hội, 01 Hội ngành Giao thông vận tải và 08 chi hội trực thuộc với gần 100.000 Hội viên chiếm hơn 80% so với tổng 127.000 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên trong toàn quốc. Hội là thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam. Với sự đoàn kết, quyết tâm, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Điều dưỡng Việt Nam không ngừng củng cố và phát triển mạng lưới Hội ở các cấp, tư vấn và tham gia xây dựng chính sách cho Điều dưỡng, tăng cường năng lực đào tạo liên tục, năng lực nghiên cứu và xuất bản đồng thời nâng cao y đức, văn hóa phục vụ. Sự hoạt động của Hội đã góp phần động viên đội ngũ điều dưỡng thêm yêu nghề nghiệp và thúc đẩy công tác chăm sóc tại các cơ sở khám bệnh, làm chuyển đổi bộ mặt chăm sóc điều dưỡng.

Hoạt động của Hội điều dưỡng luôn gắn liền với các phong trào của ngành y tế như: Chăm sóc người bệnh toàn diện, các hội thi Điều dưỡng giỏi- thanh lịch, Giao tiếp tốt, Tiêm an toàn.. v.v.. đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu chung của ngành y tế. Trong hoạt động của hội Điều dưỡng đã nổi bật lên nhiều cá nhân, tập thể điển hình như Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thụy Điển -Uông Bí, Quảng Ninh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, hơn 350 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên được nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, có nhiều người được tặng Huân chương Lao động và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đây là động lực tinh thần lớn lao để đội ngũ điều dưỡng không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao chất lượng chăm sóc, vì sự hài lòng của người dân.

Trong quá trình phát triển của ngành Điều dưỡng Việt Nam từ khi đất nước được thống nhất đến nay, chúng ta đã được nhiều tổ chức điều dưỡng quốc tế giúp đỡ cả về tinh thần, vật chất và hỗ trợ nâng cao năng lực. Trong các tổ chức đó phải kể đến đội ngũ điều dưỡng của Thụy Điển đã liên tục đầu tư cho việc đào tạo hệ thống điều dưỡng. Nhiều chuyên gia điều dưỡng Thụy Điển đã để lại những kỷ niệm tốt đẹp cho anh chị em điều dưỡng Việt Nam cùng nhiều chuyên gia điều dưỡng khác của tổ chức Care International, tổ chức khoa học Mỹ - Việt... Với hỗ trợ của chương trình DoD PEPFAR (Mỹ), dự án JICA (Nhật bản), Hội Điều dưỡng Việt Nam đã phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Khoa học Công nghệ Bộ Y tế đào tạo và xây dựng các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của điều dưỡng cũng như Bộ tiêu chuẩn chất lượng chăm sóc... Sự giúp đỡ quý báu của các bạn điều dưỡng quốc tế đã  giúp chúng ta hiểu rõ nghề nghiệp của mình và phấn đấu cho sự nghiệp điều dưỡng Việt Nam phát triển.

Những thành tựu của ngành Điều dưỡng Việt Nam hiện nay chính là sự kết tinh truyền thống và kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại cho những thế hệ điều dưỡng hôm nay và mai sau. Đó cũng là sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia điều dưỡng quốc tế. Thế hệ điều dưỡng chúng ta quyết phát huy truyền thống của dân tộc, của ngành Điều dưỡng Việt Nam không ngừng học tập, rèn luyện để tiến bộ, góp phần xây dựng và phát triển ngành ngày càng mạnh mẽ.

Thạc sỹ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Hà Tĩnh

 

Trong phong trào chung của điều dưỡng cả nước Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh được thành lập ngày 12/6/1992; trong quá trình hoạt động, Hội luôn xác định mục tiêu “vì người bệnh, vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển nghề điều dưỡng và sự tiến bộ của hội viên” là giá trị cốt lõi, là kim chỉ nam trong hoạt động. Thực hiện tốt vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm, giáo dục bồi dưỡng hội viên trở thành những điều dưỡng có năng lực chuyên môn, thái độ phục vụ tốt. Trong quá trình xây dựng và phát triển Hội luôn được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo ngành Y tế Hà Tĩnh và lãnh đạo các đơn vị trong Ngành qua các thời kỳ. Hiện nay, Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện các hoạt động nhiệm kỳ VI (2017- 2022). Sau Đại hội khóa VI, với sức mạnh đoàn kết, tinh thần trách nhiệm của cán bộ Hội và toàn thể Hội viên cùng với sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo các cấp, Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh sẽ vững mạnh và ngày càng phát triển.

2. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TÁC ĐIỀU DƯỠNG HÀ TĨNH TRONG THỜI GIAN TỚI

2.1.Tăng cường truyền thông giáo dục; duy trì thực hiện tốt Chuẩn Đạo đức Điều dưỡng viên Việt Nam thông qua đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân. Phấn đấu nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, với phương châm “Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - An toàn người bệnh”.

2.2. Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức hệ thống điều dưỡng trưởng, đảm bảo hoạt động hiệu quả thông qua việc tăng cường năng lực, xây dựng, hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá chất lượng chăm sóc người bệnh phù hợp và duy trì thực hiện các tiêu chí đánh giá trong cơ sở y tế.

2.3. Đẩy mạnh triển khai thực hiện tiêu chí quản lý chất lượng lĩnh vực Điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh, cơ sở y tế xanh sạch đẹp, quy tắc 5S

2.4. Tăng cường chất lượng đào tạo liên tục và nghiên cứu khoa học

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng là dịp để đội ngũ điều dưỡng Hà Tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại những việc đã làm được, khắc phục nhưng tồn tại yếu kém của mình để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân. Chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm của lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Hội cấp trên, Lãnh đạo các đơn vị cùng với sự nỗ lực vươn lên của mỗi hội viên, công tác điều dưỡng Hà Tĩnh sẽ phát triển mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ của người dân tỉnh nhà./.

 

Ths. Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Điều Dưỡng Hà Tĩnh


Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.578
Tháng 05 : 18.981
Năm 2024 : 738.280
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.536.794