Điểm báo, ngày 03/8/2023
soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế phạt công ty TNHH dược phẩm FitoPharma 120 triệu; Mắc sốt xuất huyết nhiều lần làm tăng nguy cơ tử vong; Cảnh báo về loại quả rừng giống quả cherry nhưng chứa độc tính và gây tử vong
Bộ Y tế phạt công ty TNHH dược phẩm FitoPharma 120 triệu
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có quyết định xử phạt Công ty TNHH dược phẩm FitoPharma 120 triệu đồng vì có các vi phạm liên quan đến các thuốc Kim tiền thảo –, Thuốc Diệp hạ châu, Thuốc Hoạt huyết dưỡng não, Thuốc Gừng, Thuốc Xuyên tâm liên.
Theo quyết định do Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Thành Lâm ký ban hành ngày 1/8, Công ty TNHH dược phẩm FitoPharma ((Địa chỉ trụ sở chính: 26Bis/1 Khu phố Trung, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính và bị áp dụng các hình thức xử phạt như sau, cụ thể:
- Với hành vi không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được phê duyệt trước khi lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các thay đổi lớn, thay đổi nhỏ cần được phê duyệt đối với thuốc Xuyên tâm liên, SĐK: VD-24528-16, công ty bị xử phạt 80 triệu đồng.
Hành vi trên vi phạm quy định tại Điểm c khoản 3 Điều 56 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 được sửa đổi bởi sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 13 Điều 2 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021.
- Với hành vi không thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các thay đổi nhỏ thuộc trường hợp yêu cầu thông báo trước khi lưu hành đối với 05 thuốc: Thuốc Kim tiền thảo – f (SĐK: VD-21493- 14), Thuốc Diệp hạ châu (SĐK: VD-23286-15), Thuốc Hoạt huyết dưỡng não (SĐK: VD-22645-15), Thuốc Gừng (SĐK: VD-23926-15), Thuốc Xuyên tâm liên (SĐK: VD-24528-16) công ty bị phạt 40 triệu đồng (Do công ty có tình tiết tăng nặng là vi phạm đối với 05 thuốc. Đây được coi là vi phạm nhiều lần).
Đồng thời, quyết định này được giao cho ông Nguyễn Khắc Hưng, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH dược phẩm FitoPharma chấp hành. Nếu công ty không chấp hành tự nguyện trong thời hạn quy định thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo luật. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống)
Mắc sốt xuất huyết nhiều lần làm tăng nguy cơ tử vong
Theo các chuyên gia, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết có thể thay đổi và thay đổi theo biến đổi khí hậu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, và các véc-tơ có thể thích nghi với môi trường và khí hậu mới.
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước, với nhiều ca tử vong ghi nhận tại các tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên. Hà Nội và TP.HCM, với mật độ dân cư lớn, cũng tiếp tục ghi nhận các ổ dịch sốt xuất huyết gia tăng. Văn phòng UBND TP. Hà Nội ngày 31/7 cho biết, dịch sốt xuất huyết Dengue có xu hướng tăng trong những tuần gần đây khi xuất hiện thêm ổ dịch mới, một số khu vực có ổ dịch cũ diễn biến dịch phức tạp. Trong 4 tuần qua, trên địa bàn thành phố có thêm gần 700 ca mắc sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu, hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, phòng muỗi đốt.
Theo các chuyên gia, đô thị hóa có liên quan đến việc lây truyền bệnh sốt xuất huyết thông qua nhiều yếu tố xã hội và môi trường như mật độ dân số, sự di chuyển của con người, khả năng tiếp cận nguồn nước đáng tin cậy, thực hành lưu trữ nước... Phòng, chống dịch sốt xuất hiệu quả trong cộng đồng phụ thuộc vào kiến thức, thái độ và thực hành của người dân đối với bệnh, cũng như việc thực hiện các hoạt động kiểm soát véc-tơ truyền bệnh bền vững thường quy trong cộng đồng.
TS.BS. Phạm Thị Bích Đào, Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, BV Đại học Y Hà Nội, cho rằng nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết có thể thay đổi và thay đổi theo biến đổi khí hậu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, và các véc-tơ có thể thích nghi với môi trường và khí hậu mới.
"Trường hợp nhiễm lần 2,3 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng. Nếu bệnh nhân bị sốt xuất huyết không được điều trị đúng thuốc, theo dõi và phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến nặng sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, có nguy cơ tử vong ca", TS.BS. Phạm Thị Bích Đào khuyến cáo.
TS.BS. Phạm Thị Bích Đào đồng thời nêu các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết:
- Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc sốt xuất huyết;
- Xuất huyết nặng: Chảy máu cam (chảy máu mũi) nặng, rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch;
Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn;
- Suy tạng nặng: Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L; Suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu (không có nước tiểu), ure, creatinin tăng cao;
- Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não);
- Viêm cơ tim, suy tim.
Theo TS.BS. Phạm Thị Bích Đào, virus DENV gây sốt xuất huyết được truyền sang người qua vết cắn của muỗi cái bị nhiễm bệnh, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Các loài khác trong chi Aedes cũng có thể đóng vai trò là véc-tơ, nhưng sự đóng góp của chúng chỉ là thứ yếu so với Aedes aegypti.
Sau khi hút máu người bị nhiễm DENV, virus này sẽ nhân lên trong ruột giữa của muỗi trước khi lây lan sang các mô thứ cấp, bao gồm cả tuyến nước bọt. Thời gian từ khi ăn virus đến khi lây truyền thực sự sang vật chủ mới được gọi là thời kỳ ủ bệnh bên ngoài (EIP). EIP mất khoảng 8-12 ngày khi nhiệt độ xung quanh nằm trong khoảng 25-28°C.
Các biến thể trong thời kỳ ủ bệnh bên ngoài không chỉ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường; một số yếu tố như mức độ dao động nhiệt độ hàng ngày, kiểu gen virus và nồng độ virus ban đầu cũng có thể làm thay đổi thời gian muỗi truyền virus. Sau khi lây nhiễm, muỗi có thể truyền virus trong suốt quãng đời còn lại của nó…. (Theo VOV.VN)
Cảnh báo về loại quả rừng giống quả cherry nhưng chứa độc tính và gây tử vong
Vài năm gần đây đã xảy ra những vụ ngộ độc thương tâm, nhiều trẻ em nguy kịch, suy đa tạng và có một số trẻ không may tử vong do ăn loại quả rừng có tên là hồng châu.
1. Những vụ ngộ độc thương tâm do trẻ ăn quả hồng châu
Trong 2 ngày liên tiếp, ngày 31/7 và 1/8/2023, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (Hà Giang) tiếp nhận 11 trẻ em từ 3 - 12 tuổi bị ngộ độc do ăn quả hồng châu.
Ba cháu nhỏ là Sùng Thị M., 9 tuổi; Sùng Thị S., 8 tuổi; Sùng Thị M., 7 tuổi, đều trú tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng, trong lúc đi cắt cỏ cho bò đã rủ nhau hái quả hồng châu ăn. Đến 22 giờ ngày 31/7, các cháu xuất hiện triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nôn mửa và được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.
Tiếp đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn tiếp nhận thêm 8 bệnh nhi gồm: Lầu Thị M., 11 tuổi; Lầu Thị Ch., 10 tuổi; Lầu Mí N., 7 tuổi; Giàng Thị M., 12 tuổi; Giàng Mí S., 10 tuổi; Giàng Thị Ch., 8 tuổi; Giàng Thị L., 4 tuổi; Giàng Thị C., 3 tuổi, trú tại thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo. Qua quá trình điều trị tích cực, thải độc, gây nôn, truyền dịch…, một số cháu đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên có một số cháu ngộ độc nặng được chỉ định chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống, TTƯT. BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, từ chiều ngày 1/8 đến rạng sáng ngày 2/8, có 7 trẻ bị ngộ độc nặng chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Trong đó có trường hợp cháu Sùng Thị M, 9 tuổi, tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng mặc dù được các bác sĩ cấp cứu điều trị tích cực nhưng do bị ngộ độc quá nặng đã tử vong.
Trong số 6 bệnh nhi tiếp tục được tích cực điều trị nhưng có 3 bệnh nhi tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã kịp thời hội chẩn với Bệnh viện Nhi Trung ương và Trung tâm Chống độc Bạch Mai, sau đó chuyển các bệnh nhi về Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đang điều trị cho 3 cháu Giàng Thị M. (12 tuổi, ở thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo); Lầu Mí N. (7 tuổi, ở thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo) và Sùng Thị M. (7 tuổi, ở thôn Chua Só, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn). 3 cháu đều trong tình trạng ngộ độc rất nặng, gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, nguy cơ tử vong rất cao, bệnh viện đã khẩn trương tổ chức hội chẩn theo đúng phác đồ để nhanh chóng thải độc cho các bệnh nhân. Tình trạng của các cháu hiện tương đối ổn định, về mặt triệu chứng lâm sàng: bệnh nhi hết đau đầu, hết buồn nôn và đau bụng… Xét nghiệm các chỉ số sinh hóa gan, thận… tương đối ổn.
Trước đó, chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 23/7/2021 đến 6/8/2021), trên địa bàn các huyện Mèo Vạc, Yên Minh và Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc do trẻ ăn quả hồng châu có chứa độc tố tự nhiên, đáng tiếc có 3 trẻ tử vong do ngộ độc quá nặng. Hai năm trước, tháng 7/2019 cũng xảy ra vụ ngộ độc do trẻ ăn hồng châu tại thôn Há Súng, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn khiến 1 cháu tử vong.
Ngày 3/10/2021, trên đường đi học về, 17 em học sinh ở xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) thấy ven đường trên đồi có nhiều quả hồng châu chín đã rủ nhau hái ăn. Sau khi ăn, các em phải nhập viện cấp cứu, không may đã có 1 em tử vong do diễn biến quá nặng.
2. Nhận biết cây, quả hồng châu
Cây hồng châu có tên khoa học (Capparis versicolor Griff), họ Màn màn (Capparaceae). Loại quả này còn có tên gọi theo địa phương khác là: cây rom, cây mề gà, cây khua mật, cây móc quạ, chi pản sloa. Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to dài gần bằng 2 ngón tay người lớn, màu của lá xanh đậm.
Quả hồng châu tròn to bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp vỏ màu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹt. Quả chín vào thời gian tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.
Độc tố của quả hồng châu là alkaloid, chứa chính trong nhân hạt. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch.
Alkaloid là một loại độc tố nguy hiểm, là những hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazơ, thường gặp ở trong nhiều loài thực vật ; đôi khi còn tìm thấy trong một vài loài động vật. Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid đủ chất độc gây chết người.
3. Tuyệt đối không ăn các loại quả rừng lạ
Tình trạng ngộ độc quả hồng châu đã xảy ra nhiều vụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang và một số tỉnh miền núi. Có nhiều trường hợp đã tử vong do ngộ độc loại quả rừng này, do đó BS. Nguyễn Quốc Dũng khuyến cáo, chính quyền địa phương, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tuyệt đối không ăn các loại quả, cây rừng không biết rõ. Điều quan trọng nữa là người dân không được chủ quan, cần lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc và đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Cần lưu ý là không chỉ trẻ em vùng cao mới có nguy cơ ngộ độc quả hồng châu, những người lớn cũng có thể sơ ý ăn phải, đặc biệt là hiện nay nhiều người từ miền xuôi lên miền núi du lịch có thể do tò mò ăn thử loại quả chứa độc nguy hiểm này. Do đó, việc cảnh báo, chỉ dẫn về những loại cây có độc tố như quả hồng châu là một việc làm quan trọng. Ngoài ra nên vận động nhân dân nhận biết, rà soát và chặt bỏ cây hồng châu như chính quyền huyện Văn Bàn (Lào Cai) từng làm là một trong những cách phòng ngừa những vụ ngộ độc thương tâm do ăn quả hồng châu. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống)
Thu Hòa Tổng hợp