• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 12/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Chính phủ chỉ đạo 5 nội dung trọng tâm để ngành y tế phát triển trong thời gian tới; Nhiều người nhập viện, trẻ nghỉ học vì bệnh hô hấp cuối năm; Cứu sản phụ đột ngột trụy mạch, huyết áp không đo được, ngừng tim; Bộ Y tế cảnh báo hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Chính phủ chỉ đạo 5 nội dung trọng tâm để ngành y tế phát triển trong thời gian tới

Để ngành y tế phục vụ tốt yêu cầu cũng như nâng cao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian tới, Chính phủ đã nêu ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện.

Tại Báo cáo của Chính phủ gửi các ĐBQH trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV nêu rõ, năm 2022 xuất hiện một số bất cập trong triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh như: Xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế tại một số cơ sở y tế công lập; tình trạng quá tải bệnh viện; một số bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc…

"Với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành. Ban hành nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán BHYT", Báo cáo của Chính phủ nêu.

Chính vì vậy, đến nay tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và yêu cầu khẩn trương xây dựng, triển khai phương án giải quyết những vấn đề tồn đọng của 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.

Thứ nhất, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật Dược, Luật BHYT và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và BHYT một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả .

Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Dược theo hướng khắc phục kịp thời, hiệu quả những hạn chế, bất cập về cấp, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, công nhận các điều kiện, tiêu chuẩn của nước ngoài; quản lý việc kê khai, kê khai lại giá thuốc, mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế, đặc biệt là trong các điều kiện xảy ra tình trạng khẩn cấp.

Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo hướng bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và cung ứng thuốc trong danh mục BHYT, bảo đảm giải quyết ngay các bất cập về giá thuốc, chất lượng thuốc và cung ứng thuốc BHYT.

Thứ hai, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch theo tinh thần bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ tại các cơ sở y tế, thúc đẩy hoạt động mua sắm tập trung ở cả cấp quốc gia và địa phương nhằm tiếp tục hạ giá thuốc, duy trì mức giá thuốc hợp lý. Đồng thời có cơ chế dự trữ, điều phối hợp lý các loại thuốc hiếm; tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, người bệnh tiếp cận các loại biệt dược…

Thứ ba, thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế. Trong đó chú trọng sản xuất các loại thuốc quan trọng, thiết yếu, tăng cường chuyển giao công nghệ, bảo đảm chủ động hơn trong cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, hướng tới bảo đảm cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc thiết yếu của thị trường trong nước…

Thứ tư, tập trung xây dựng cơ sở y tế mới góp phần giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh;

Thứ năm, chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh và phát huy vai trò của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. (Theo báo SKĐS).

 

Nhiều người nhập viện, trẻ nghỉ học vì bệnh hô hấp cuối năm

Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện ghi nhận trẻ em và người lớn mắc các bệnh hô hấp tăng cao, bội nhiễm virus và vi khuẩn. Hầu hết người bệnh đều chưa tiêm vaccine hoặc bỏ quên các mũi tiêm nhắc lại. Ghi nhận tại Hệ thống tiêm chủng VNVC cho thấy, số người dân đến tiêm vaccine cúm, phế cầu… cũng đang tăng mạnh.

Chị Hoài Vân (36 tuổi, Hưng Yên) đưa con gái 6 tuổi đến khám tại bệnh viện do bé sốt đã 2 ngày, uống thuốc không đỡ và có triệu chứng thở rít, khó thở. Sau khi khám và xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm, biến chứng viêm phổi bội nhiễm phế cầu. Chị Vân cho biết, bé đến lịch tiêm nhắc lại vaccine cúm vào tháng 9 nhưng do bé bị ốm tái đi tái lại, vợ chồng chị bận công việc nên “quên béng” việc tiêm cho con.

Thời gian gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận tình trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và cúm A, Covid-19, virus hợp bào hô hấp RSV tại một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có tới 6 bệnh về đường hô hấp, trong đó 23-38% ở trẻ em. Mỗi năm có khoảng 4-5 triệu trẻ em tử vong do các bệnh hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi ở nước đang phát triển.

Hiện nay, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường, cùng với nhu cầu giao thương du lịch cuối năm tăng cao, các chuyên gia dự báo bệnh lây qua đường hô hấp có thể gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.

Thực tế, một số bệnh viện đã ghi nhận trẻ em và người cao tuổi mắc các đường hô hấp gia tăng. Đơn cử tại khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, tỷ lệ nhập viện cao gấp đôi với các tháng trước, nhiều phòng kín giường bệnh, nhiều trẻ viêm phổi nặng, phải thở máy. Đồng thời, loạt trường học ở Hà Nội ghi nhận nhiều học sinh có biểu hiện ho, sốt và phải nghỉ học do cúm A và B. Có lớp vắng tới gần một nửa học sinh vì bị cúm.

Hệ hô hấp của con người gồm tất cả các cơ quan có chức năng hít thở, lọc và trao đổi không khí như mũi, họng, phế quản, phổi… Bệnh đường hô hấp thường xảy ra khi các cơ quan này bị các mầm bệnh như cúm, phế cầu, ho gà, sởi… tấn công gây viêm nhiễm. Bệnh có thể tiến triển gây viêm phổi, tổn thương phổi, suy giảm chức năng hô hấp, thậm chí tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, trong tình hình nhiều dịch bệnh như cúm, phế cầu, ho gà, thủy đậu, sởi… lưu hành cùng lúc, bệnh nhân có nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn, tăng tỷ lệ nhập viện, tử vong, nhất là với trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền. Ngoài ra, việc sử dụng và lạm dụng kháng sinh như hiện nay cũng làm gia tăng tỉ lệ kháng kháng sinh của các vi khuẩn thông thường, gây khó khăn trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn.

Ghi nhận tại Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 150 trung tâm trên toàn quốc, những tuần gần đây, tỷ lệ người dân đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh hô hấp như cúm, phế cầu khuẩn, ho gà, não mô cầu… tăng cao. Trong đó, tỷ lệ tăng cao nhất ở nhóm đối tượng trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền…

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: “Hầu hết các bệnh hô hấp đều có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine, vì vậy trẻ em và người lớn nên chủ động tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi nhắc lại và thực hành các biện pháp phòng bệnh thông thường để ngăn ngừa mầm bệnh”.

Tiêm vaccine cúm đủ mũi, đặc biệt mũi nhắc lại giúp giảm 74% nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt, giảm nguy cơ tử vong hơn 31%, giảm chi phí y tế. Đối với người lớn, vaccine cúm giúp giảm tỷ lệ tử vong 61% ở người lớn tuổi, giảm 50% mẹ bầu nhiễm trùng hô hấp cấp tính. Vaccine phế cầu phòng đến 97% các bệnh do phế cầu, giảm đến 49% mắc bệnh viêm phổi do liên quan virus hô hấp. Vaccine ho gà - bạch hầu - uốn ván giúp tăng cường đề kháng hô hấp, bảo vệ phổi.

Bác sĩ Chính chia sẻ thêm, thông thường, phụ huynh rất quan tâm đến việc tiêm chủng các vaccine như phế cầu, sởi, quai bị, thủy đậu... cho con, song chính bản thân lại thường lơ là bỏ qua các loại vaccine này vì nghĩ không cần thiết. Việc tạo kháng thể chủ động bằng vaccine giúp hệ miễn dịch khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm biến chứng nặng, đồng thời tạo “vỏ kén” bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm. (Theo báo Tiền Phong).

 

Cứu sản phụ đột ngột trụy mạch, huyết áp không đo được, ngừng tim

Khi các bác sĩ vừa mổ bắt bé gái 2,8 kg chào đời thì sản phụ N. đột ngột trụy mạch, huyết áp không đo được và ngừng tim.

Sản phụ H.H.H.N (40 tuổi, ngụ TP.HCM) mang thai lần 3 với tiền căn tăng tiểu cầu nguyên phát, nhập viện khoa Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định khi chuyển dạ ở tuổi thai gần 39 tuần. 

Ngày 11.12, thạc sĩ - bác sĩ Giang Minh Nhật, Trưởng đơn vị Hồi sức tích cực tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ sản khoa chỉ định cho sản phụ N. sinh mổ vì ngôi thai nằm ngang kèm theo tiền sử đã từng mổ lấy thai. 

Ngày 30.11, trước khi mổ lấy thai, sản phụ có sức khỏe và các dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi các bác sĩ vừa mổ bắt bé gái 2,8 kg chào đời thì sản phụ N. đột ngột trụy mạch, huyết áp không đo được và ngừng tim.

Nhận định ngay đây là thuyên tắc ối, ê kíp bác sĩ gây mê hồi sức cùng các bác sĩ sản khoa vừa hồi sức tim phổi, vừa cố gắng hoàn tất cuộc mổ và cầm máu tử cung do băng huyết sau sanh. Bằng kinh nghiệm của cả ê kíp, sản phụ được hồi sức tim phổi thành công. Khi người bệnh có nhịp tim trở lại, các bác sĩ sản khoa khâu vết thương để tránh mất máu. Vì khi thuyên tắc ối xảy ra sẽ hoạt hóa hệ thống làm rối loạn đông máu, máu chảy nhiều gây băng huyết.

Đứng trước quyết định "có nên cắt tử cung để cầm máu"

Lúc này ê kíp phẫu thuật lại đứng trước chọn lựa khó khăn là có nên cắt tử cung để cầm máu hay không. Mặc dù chị đã sinh 2 lần nhưng đứa con đầu mất lúc 9 tuổi do bị u não. Sau đó chị sinh bé thứ 2, nhưng bé cũng đang bị tim bẩm sinh. Bé hiện tại mới mổ, còn chưa nhận định được tình trạng sức khỏe có ổn định hoàn toàn hay không. 

Cân nhắc trước hoàn cảnh gia đình, các bác sĩ quyết định chèn bóng vào tử cung để cầm máu và giữ lại tử cung để chị còn có cơ hội sinh nở sau này. 

Kết quả chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi và các xét nghiệm sinh hóa huyết học sau đó cho thấy sản phụ có thuyên tắc ối. Sản phụ được chuyển vào đơn vị Hồi sức tim mạch để chăm sóc đặc biệt.

Thạc sĩ - bác sĩ Giang Minh Nhật cho biết sau khi được hồi sức tim phổi thành công, huyết áp của sản phụ vẫn còn rất thấp phải duy trì thuốc vận mạch liều cao và băng huyết sau sinh do rối loạn đông máu. Việc điều trị cho sản phụ vừa có thuyên tắc động mạch phổi do ối, vừa có rối loạn đông máu đòi hỏi các bác sĩ phải xác định thận trọng thời điểm nào cần điều chỉnh rối loạn đông máu và thời điểm nào có thể sử dụng kháng đông. Sau 24 giờ hồi sức tim mạch, sản phụ đã dần ổn định huyết áp và rút nội khí quản.

Qua khoảng 10 ngày theo dõi và điều trị tích cực tại bệnh viện, hiện sản phụ N. đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống, nói chuyện bình thường. Hai mẹ con dự kiến sẽ được xuất viện vào chiều nay. (Theo Báo Thanh Niên).

 

Bộ Y tế cảnh báo hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo có nội dung gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, người dân cẩn trọng khi mua và sử dụng.

Cục An toàn thực phẩm cho hay, thời gian qua trên một số website, trang thương mại điện tử quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12 với nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12 trên các đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Các sản phẩm này được quảng cáo có tác dụng bổ thận tráng dương, chữa yếu sinh lý; các bệnh lý về xương khớp…

Các sản phẩm này do Công ty cổ phần dược phẩm Linh Đạt, địa chỉ trụ sở chính: khu đô thị Lạc Hồng Phúc, phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe LEHUTRA-CURCUMIN quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe LEHUTRA-CURCUMIN do Công ty TNHH Dược phẩm LEHUTRA, địa chỉ trụ sở chính: tổ dân phố Trại, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Sau khi nhận được phản ảnh, cả hai công ty này đều khẳng định công ty không thực hiện và công ty không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo các sản phẩm tại website mà Cục An toàn thực phẩm thống kê.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế. (Theo báo Tiền Phong).

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 936
Tháng 05 : 31.731
Năm 2024 : 751.030
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.549.544