• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 13/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Đề xuất sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như ung thư, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Quy định mới về trách nhiệm kê khai giá thuốc của cơ sở kinh doanh dược; Tạm đình chỉ một bác sĩ trục lợi bảo hiểm y tế hàng trăm triệu đồng; Giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới các bệnh truyền nhiễm; Phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u tinh hoàn khổng lồ nặng hơn 4kg.

Đề xuất sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như ung thư, sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Các chuyên gia sản khoa nhấn mạnh sàng lọc trước sinh có ý nghĩa rất lớn bởi hiện chúng ta không đủ nguồn lực để làm chẩn đoán trước sinh cho tất cả các phụ nữ có thai.

Theo Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ phát hiện trẻ bị dị tật không phải là nhỏ. Việc sàng lọc trước và sơ sinh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết hiện nay, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao. Về quy mô dân số, năm 2022, dân số trung bình khoảng 8,4 triệu người chiếm khoảng 8.4% dân số cả nước, toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ -TFR: 2,1 con).

Về cơ cấu dân số, Hà Nội đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh: tỉ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) năm 2022 là 110,8/100, dự kiến 2023 là 112/100. Tỉ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm, dự kiến, năm 2023 tỉ lệ sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 83%, tỉ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88%.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, đem lại hiệu quả rất lớn, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong, giúp trẻ sinh ra đời phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, phòng ngừa các hậu quả nặng nề của bệnh và cải thiện tương lai phát triển của trẻ.

Đối với xã hội, phương pháp này giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Theo chuyên gia, sàng lọc trước sinh là việc sử dụng những biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở giai đoạn bào thai như hội chứng Down (tam bội thể 21), hội chứng Edwards (tam bội thể 18), hội chứng Patau (tam bội thể 13) và dị tật ống thần kinh..., từ đó tham vấn cho gia đình chọn hướng xử trí kịp thời và thích hợp.

PGS.TS Trần Danh Cường - Trưởng bộ môn Sản, Trường Đại học Y Hà Nội sàng lọc trước sinh có ý nghĩa rất lớn bởi hiện chúng ta không đủ nguồn lực để làm chẩn đoán trước sinh cho tất cả các phụ nữ có thai, vì vậy cần phải sử dụng các biện pháp sàng lọc để xác định những nguy cơ của phụ nữ trong thai kỳ, đặc biệt là những bất thường về nhiễm sắc thể mà ở đây cần quan tâm nhất là hội chứng down - tức là hội chứng lệch bội nhiễm sắc thể 21.

Những phương pháp sàng lọc hiện nay chủ yếu nhằm phát hiện ra những thai nhi có nguy cơ bị lệch bội nhiễm sắc thể 21 để tiến hành các biện pháp chẩn đoán như sinh thiết qua nhau thai, lấy nước ối bằng phương pháp dịch ối để làm xét nghiệm nhiễm sắc đồ, qua đó khẳng định chẩn đoán.

Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, sản phụ nên đi khám sàng lọc khi mang thai ở tuần thứ 11 - 14, tốt nhất là từ tuần thứ 12 - 13. Sàng lọc trong giai đoạn này bao gồm siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy vào thời điểm thai nhi 11 - 13 tuần 6 ngày và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down cũng như một số bệnh lý khác.

Ngoài ra, thai phụ nên thực hiện một số xét nghiệm cần thiết vào lúc tuổi thai từ 14 - 21 tuần; siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 - 24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương...

Nhằm đồng bộ về chính sách với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vào năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT của người dân trong Luật BHYT sửa đổi.

Cụ thể, đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C… Cùng đó, chi trả các dịch vụ khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh, điều trị dự phòng, khám sức khỏe định kỳ...

Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế: "Chúng tôi đang cố gắng có đánh giá về tác động, hiệu quả khi đưa các bệnh này vào. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch…" (Theo Báo SKĐS).

 

Quy định mới về trách nhiệm kê khai giá thuốc của cơ sở kinh doanh dược

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2023/NĐ-CP ngày 11/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Nghị định nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc có quyền có văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược thực hiện kê khai giá báo cáo về mức giá kê khai, kê khai lại phù hợp với mặt bằng giá kê khai của mặt hàng tương tự trên thị trường, phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dược về giá thuốc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc có quyền chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc trong các trường hợp: không thực hiện kê khai, kê khai lại; kê khai không đầy đủ giá thuốc theo quy định hoặc không điều chỉnh giá nhưng không báo cáo theo văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc đối với hồ sơ kê khai, kê khai lại của doanh nghiệp; báo cáo không trung thực các yếu tố hình thành giá hoặc bán thuốc cao hơn giá đã kê khai hoặc kê khai lại đang có hiệu lực.

Đồng thời, xem xét áp dụng các biện pháp trong trường hợp cơ sở kinh doanh dược đã vi phạm từ 2 lần trở lên trong thời gian 1 năm: tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc; tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc chưa có Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam; tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp, gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Thời hạn tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm này từ 3 tháng đến 12 tháng kể từ ngày ban hành văn bản thông báo hành vi vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo Nghị định, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về tiếp nhận hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc quy định tại Điều 131 Nghị định này; rà soát hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc do các cơ sở kinh doanh dược kê khai theo đúng Biểu mẫu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 130 Nghị định này và bảo mật mức giá kê khai, kê khai lại của tổ chức, cá nhân trong thời gian mức giá kê khai, kê khai lại chưa có hiệu lực thực hiện theo quy định của pháp luật".

Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có quyền mua, bán thuốc theo giá đã kê khai, kê khai lại kể từ ngày cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc nộp đủ hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc theo quy định và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận. Trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công thuốc có điều chỉnh giảm giá kê khai so với kê khai liền kề thì cơ sở được quyền mua, bán ngay theo mức giá điều chỉnh giảm đồng thời với việc thực hiện kê khai giảm giá phù hợp với biến động giảm của yếu tố hình thành giá.

Cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc, thông báo mức giá theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc; chấp hành báo cáo về mức giá kê khai, kê khai lại theo yêu cầu của quản lý nhà nước về giá thuốc để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra; chấp hành việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu cơ sở kinh doanh dược báo cáo về mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai, kê khai lại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ sở phải có văn bản phản hồi báo cáo về mức giá kê khai phù hợp với mặt bằng giá kê khai của mặt hàng tương tự trên thị trường hoặc phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá hoặc điều chỉnh giá kê khai, kê khai lại phù hợp theo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc. Sau thời hạn trên, nếu cơ sở kinh doanh dược không có văn bản phản hồi thì hồ sơ kê khai, kê khai lại đã nộp không còn giá trị.

Cơ sở kinh doanh dược chấp hành các hình thức xử lý về kê khai giá thuốc theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2023. (Theo báo Nhân dân).

 

Tạm đình chỉ một bác sĩ trục lợi bảo hiểm y tế hàng trăm triệu đồng

Bác sĩ L.V.N vừa bị tạm đình chỉ việc khám bệnh, phải bồi hoàn hàng trăm triệu đồng cho Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng vì liên tục vi phạm quy trình khám chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.

Ngày 12/12, bác sĩ Lê Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cho biết đã tạm đình chỉ việc khám bệnh, kê đơn thuốc đối với bác sĩ L.V.N (33 tuổi, khoa Khám bệnh) để xác minh làm rõ những vi phạm trong thời gian qua.

9 tháng đầu năm nay, hàng chục trường hợp không đến bệnh viện khám chữa bệnh nhưng bác sĩ N. vẫn nhờ cán bộ điều dưỡng đăng ký giùm thủ tục khám bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT). Sau đó, bác sĩ N. vừa kê đơn thuốc vừa thủ vai bệnh nhân để ký vào hồ sơ, xác nhận chi phí, nhận thuốc…

Từ phản ánh của người trong bệnh viện và qua công tác giám định (theo dõi dữ liệu liên thông với bệnh viện), Phòng Giám định BHYT (Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng) phát hiện hàng chục vụ vi phạm của bác sĩ N.

Bước đầu bác sĩ N. thừa nhận đã ký thay hồ sơ, nhận thuốc BHYT cho hơn 50 bệnh nhân, vi phạm Quy trình khám chữa bệnh do Bộ Y tế quy định và nguyên tắc kê đơn thuốc BHYT, lạm dụng sự tín nhiệm của đồng nghiệp, gây ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại cho bệnh viện.

Đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng đã xác minh được 19 trường hợp trong số hơn 50 bệnh nhân nói trên và từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh với số tiền hơn 350 triệu đồng.

Đới hơn 30 trường hợp còn lại do bác sĩ N. kê đơn, ký thay và lãnh thuốc với chi phí khám chữa bệnh hơn 520 triệu đồng, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xác minh làm rõ, tạm thời ngưng thanh toán.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cho hay, đã phát hiện các vi phạm của bác sĩ N. từ ngày 18-19/10. Sau khi phát hiện, bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ N. tường trình; kế đến, điều bác sĩ này đến làm việc tại Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, không cho khám chữa bệnh, không được kê đơn thuốc.

Theo Giám đốc bệnh viện, đến ngày 12/12, bác sĩ N. đã nộp số tiền hơn 350 triệu đồng để khắc phục hậu quả (vì hành vi vi phạm của bác sĩ N. mà Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng từ chối thanh toán số tiền khám chữa bệnh BHYT này cho bệnh viện).

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Lâm Đồng cũng cho biết, trước mắt sẽ dừng thanh toán hơn 30 đơn thuốc còn lại của bác sĩ N. để tiếp tục xác minh làm rõ động cơ vì bác sĩ này đã làm sai quy trình, có dấu hiệu bất thường. (Theo Báo Thanh Niên).

 

Giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới các bệnh truyền nhiễm

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Viện: Vệ sinh dịch tễ trung ương; Pasteur Nha Trang; Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Pasteur thành phố Hồ Chí Minh về việc chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh trong nước.

Thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1) tại một số quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh có vắc xin dự phòng vẫn ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Theo Bộ Y tế, hiện nay là giai đoạn chuyển mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Để chủ động giám sát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các Viện: Vệ sinh dịch tễ trung ương; Pasteur Nha Trang; Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên, liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, chủ động công tác giám sát; hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

“Các đơn vị phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây từ động vật sang người… Từ đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng với mọi tình huống xảy ra của dịch bệnh”, Bộ Y tế yêu cầu.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp với sự kiện y tế công cộng (PHEOC); chủ động theo dõi thông tin dịch bệnh trong nước và quốc tế, có đánh giá, phân tích và đề xuất các biện pháp kịp thời, phù hợp.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người trong bối cảnh bệnh này đang có diễn biến phức tạp tại Campuchia và có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm. (Theo báo Hà Nội mới).

 

Phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u tinh hoàn khổng lồ nặng hơn 4kg

Đây là khối u lớn nhất được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang từ trước đến nay. Trong 1 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã cẩn trọng cắt bỏ tinh hoàn, bóc tách thành công khối u khổng lồ nặng 4kg.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, chiều ngày 11/12, kíp mổ khoa Ngoại Thận - Tiết niệu phối hợp với kíp Gây mê hồi sức khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u tinh hoàn khổng lồ nặng hơn 4kg cho nam bệnh nhân 64 tuổi, trú tại phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Bệnh nhân cho biết, cách đây nhiều năm đã tự phát hiện 2 bên tinh hoàn không đều nhau (bên to bên nhỏ), khoảng 4 tháng gần đây thấy 1 bên bìu to rất nhanh, nhưng không gây đau đớn gì nên không đi khám.

Gần đây, khối bìu quá to, gây đau tức, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày nên bệnh nhân mới đi khám. Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán u tinh hoàn trái, có chỉ định cắt u tinh hoàn trái.

Bác sĩ Chuyên khoa I Hà Anh Tuấn, Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Đây là khối u lớn nhất được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang từ trước đến nay. Trong 1 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã cẩn trọng cắt bỏ tinh hoàn, bóc tách thành công khối u khổng lồ nặng 4200 gram.

Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đặc biệt ở vùng bìu, bẹn, dương vật… người bệnh nên đến các cơ sở y tế có đội ngũ y bác sỹ chuyên sâu về Nam khoa để thăm khám và điều trị sớm, tránh tâm lý e ngại mà để lâu, bệnh tiến triển, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư tinh hoàn bao gồm:

Người bệnh sờ hoặc cảm thấy có một khối u không đau trong tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn (xoắn) có thể là triệu chứng xuất hiện. Khi điều tra thêm, khối lượng có thể được phát hiện. Tinh hoàn bị ảnh hưởng cảm thấy cứng hơn và cứng hơn bên còn lại. Hình thành cục máu đông trong mạch máu có thể đến phổi gây đau ngực và khó thở. Nhiễm trùng tinh hoàn có thể xảy ra gây đau.

Đau âm ỉ ở bìu hoặc háng.

Giãn tĩnh mạch tinh (mạch máu sưng lên) xuất hiện dưới dạng tĩnh mạch mở rộng, màu xanh đậm.

Tràn dịch màng tinh hoàn (xung quanh tinh hoàn) gây sưng. (Theo báo SKĐS)

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.643
Tháng 05 : 33.438
Năm 2024 : 752.737
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.551.251