• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 11/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế gia hạn gần 12.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội; Nguy cơ biến chứng nặng cho trẻ khi mẹ mổ đẻ chủ động; Bác sĩ đi xin tiền mong cứu mẹ con sản phụ; Nghĩ béo bụng, người phụ nữ bàng hoàng khi bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u buồng trứng nặng 15kg; Bộ Y tế: "Bóng cười" gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sức khoẻ.

Bộ Y tế gia hạn gần 12.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội

Thực hiện Nghị quyết 80 của Quốc hội, thời gian qua Cục Quản lý Dược và Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế đã nỗ lực tổ chức các đợt công bố gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Tính đến nay đã có gần 12.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn.

Đa dạng sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn

TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo nguồn cung thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, Cục Quản lý Dược đã có nhiều đợt ký quyết định công bố thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nước ngoài có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến thời điểm này, đã có gần 12.000 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết 80 của Quốc hội, thời gian qua Cục Quản lý Dược và Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế đã nỗ lực tổ chức các đợt công bố gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Được biết các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết, về việc rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản hoặc văn bản các cấp có thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 80, Bộ đã thực hiện rà soát 6 Nghị quyết của Quốc hội; 10 Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; 1 Nghị định của Chính phủ; 4 Thông tư của Bộ Y tế và 5 Nghị quyết của Chính phủ.

Về giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định.

Trừ các trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược. Thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược.

Bộ Y tế đề xuất sửa đổi sửa đổi gì về quy định cấp giấy đăng ký và gia hạn thuốc giấy đăng ký lưu hành thuốc?

Liên quan đến vấn đề cấp giấy đăng ký và gia hạn thuốc giấy đăng ký lưu hành thuốc, tại dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội vào năm 2024, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 56 như sau:

Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc bao gồm:

Thứ nhất, hồ sơ hành chính bao gồm đơn đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập văn phòng đại diện còn thời hạn hiệu lực đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của nước ngoài hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược còn thời hạn hiệu lực đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Việt Nam; bản gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc nhập khẩu còn thời hạn hiệu lực; mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thông tin về thuốc và các tài liệu khác về kinh doanh và lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Trường hợp để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm có thể được thay thế bằng tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh thuốc được phép lưu hành hợp pháp.

Thứ hai, hồ sơ kỹ thuật chứng minh thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 54 của Luật này; đối với thuốc mới, sinh phẩm tham chiếu, vaccine, thuốc cổ truyền có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành phải có thêm hồ sơ lâm sàng chứng minh đạt an toàn, hiệu quả; đối với sinh phẩm tương tự phải có thêm hồ sơ chứng minh tương tự về chất lượng, an toàn, hiệu quả so với một sinh phẩm tham chiếu; đối với thuốc có yêu cầu thử tương đương sinh học phải có thêm báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh học của thuốc;

Tính đến nay đã có gần 12.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn theo Nghị quyết 80.

Đối với thuốc mới sản xuất trong nước, trừ vaccine, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa có cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng, chỉ định với thuốc đã được cấp phép lưu hành tại một trong các cơ quan quản lý dược tham chiếu, khi nộp hồ sơ đề nghị đăng ký lưu hành cho phép được miễn nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng, an toàn, hiệu quả của thuốc sau khi cấp phép;

Đối với thuốc nhập khẩu là thuốc mới sử dụng cho công tác phòng, chống dịch đã được cơ quan quản lý dược tham chiếu cấp phép lưu hành, khi đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho phép cấp giấy đăng ký lưu hành trên cơ sở tham chiếu, công nhận kết quả cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý dược tham chiếu mà không phải đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất và không phải thẩm định hồ sơ kỹ thuật (chất lượng, tiền lâm sàng, lâm sàng) trong hồ sơ đăng ký thuốc. (Theo báo SKĐS).

 

Nguy cơ biến chứng nặng cho trẻ khi mẹ mổ đẻ chủ động

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mổ lấy thai chủ động khi không có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.

Chỉ trong gần một tuần của tháng 11, Trung tâm sơ sinh Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) đã tiếp nhận 6 trẻ gặp các biến chứng nặng phải thở máy, có trẻ cần duy trì thuốc trợ tim, vận mạch. Có 2 trường hợp trẻ tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Đáng chú ý, các bệnh nhi (BN) đều được sinh mổ chủ động khi mẹ chưa có cơn co.

Trong đó, có trường hợp nhập viện mới 1 ngày tuổi là bé trai Đ.T.D ở Thái Bình. Do lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên sản phụ quyết định sinh mổ chủ động khi thai nhi được 37 tuần. Sau sinh, trẻ được hỗ trợ thở áp lực dương liên tục qua mũi. Tuy nhiên, suy hô hấp tiến triển, trẻ được chuyển đến BV Nhi T.Ư trong tình trạng tổn thương phổi nặng, suy tuần hoàn. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ (BS) Trung tâm sơ sinh đã tiến hành hỗ trợ thở máy cho trẻ. Sau 7 ngày điều trị tích cực, may mắn tình trạng của bé Đ.T.D đã cải thiện và ổn định.

Trường hợp khác không may mắn là bé trai ở Nam Định, cũng nhập viện khi được 1 ngày tuổi. Bé được đẻ mổ chủ động tại BV địa phương khi thai kỳ ở tuần thứ 36, lúc này mẹ chưa có cơn chuyển dạ. Trẻ sau sinh có suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển đến BV Nhi T.Ư trong tình trạng tím tái, ô xy giảm thấp, suy tuần hoàn.

Tại BV Nhi T.Ư, các BS ngay lập tức tiến hành cho trẻ thở máy tần số cao, duy trì thuốc trợ tim, vận mạch, thuốc giãn mạch phổi. Mặc dù đã được hồi sức tích cực nhưng tình trạng không cải thiện, trẻ đã tử vong sau 3 ngày.

Th.S-BS Nguyễn Thị Hồng Loan, Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm sơ sinh, BV Nhi T.Ư, lưu ý trẻ được sinh ra do mổ đẻ chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ: từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí cần đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mổ lấy thai chủ động khi không có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.

Trong thời kỳ bào thai, phổi bị dịch lấp đầy nên quá trình trao đổi khí phụ thuộc vào bánh nhau. Khi bánh nhau ngừng hoạt động chức năng, phổi phải đảm nhiệm vai trò này. Quá trình chuyển dạ kích thích tăng sản xuất adrenalin của thai nhi và tăng giải phóng hormone thyrotropin của mẹ. Quá trình này có tác dụng làm tế bào phổi giảm tiết dịch và bắt đầu hấp thu dịch phổi ở trong phế nang, là bước chuẩn bị để phổi bắt đầu thực hiện chức năng hô hấp. Ở trẻ đẻ mổ chủ động sẽ không có quá trình này, dẫn đến phổi trẻ khi sinh ra chứa nhiều dịch hơn, dễ bị mắc các vấn đề về hô hấp sau sinh.

BS Hồng Loan chia sẻ: "Để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra do mổ đẻ chủ động, bố mẹ không nên lựa chọn phương thức đẻ này khi không có chỉ định mổ đẻ bắt buộc. Nếu có lo lắng, hãy trao đổi với BS sản khoa để được hỗ trợ, chuẩn bị cho quá trình sinh an toàn và tốt nhất" (Theo báo Thanh niên).

 

Bác sĩ đi xin tiền mong cứu mẹ con sản phụ

Bệnh nhân là sản phụ Nguyễn Thị Thúy Nhung (34 tuổi, ngụ thôn Dương Đàn, xã Tam Dân, H.Phú Ninh, Quảng Nam), gia cảnh khó khăn, đang lâm vào tình trạng ngặt nghèo.

"Hoàn cảnh bệnh nhân (BN) quá khó khăn, trong khi cô ấy đang có đứa con 23 tuần tuổi trong bụng, nên dù phải đi xin tiền mỗi nơi một chút, tôi vẫn muốn dùng ecmo (kỹ thuật thực hiện ô xy hóa qua màng ngoài cơ thể) để tăng khả năng cứu sống cả hai mẹ con", bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ), Bệnh viện Đà Nẵng, chia sẻ.

Trước đó, chị Nhung bị viêm phổi cấp nhưng chỉ điều trị tại nhà trong tình trạng sốt cao, ho, khó thở… Đến khi chị được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng thì bệnh đã chuyển nặng, dẫn đến suy hô hấp độ 3, nhiễm trùng huyết, suy kiệt, tràn dịch màng phổi hai bên. BN được theo dõi hồi sức đặc biệt vì có thai gần 23 tuần tuổi. Rất nhanh sau đó, BN suy hô hấp nặng, tiên lượng nặng và được chuyển sang Khoa HSTC-CĐ đặt nội khí quản thở máy, chỉ định kháng sinh liều cao, lọc máu liên tục, nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch.

Các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng chỉ định phương pháp ecmo để phổi có thời gian phục hồi, tăng khả năng cứu sống cả hai mẹ con chị Nhung. Bác sĩ Hiếu cho biết vì hoàn cảnh BN quá khó khăn nên việc điều trị bằng kháng sinh liều cao và lọc máu liên tục với chi phí hơn 20 triệu đồng/ngày (do không có bảo hiểm y tế) trong hơn một tuần qua đã vượt quá khả năng của gia đình. Chính vì vậy, áp dụng phương pháp ecmo lên đến vài trăm triệu đồng nằm ngoài tầm với của người bệnh.

Thai nhi là động lực để bác sĩ nỗ lực đến cùng

Dù người mẹ gần như đã đặt chân vào cửa tử, nhưng hình ảnh siêu âm thai gần 23 tuần tuổi vẫn phát triển rất tốt trong buồng tử cung đã là động lực để các bác sĩ nỗ lực đến cùng mong cứu sống hai mẹ con. "Không chỉ vậy, cô ấy cần phải sống vì 2 đứa trẻ đang ở nhà chờ mẹ về nữa", bác sĩ Hiếu nói.

Trong khi tính mạng của con gái và cháu ngoại đang nguy kịch, bên ngoài cánh cửa Khoa HSTC-CĐ, bà Dương Thị Thu (61 tuổi), mẹ chị Nhung, khóc trong bất lực vì chi phí điều trị quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của bà. Ngược xuôi chạy vạy, vay mượn được hơn 60 triệu đồng để tạm ứng viện phí cho con, bà Thu cho biết phần còn lại hơn 300 triệu đồng chỉ biết nhờ các bác sĩ "đi xin" giúp. Thương con ốm đau, tình cảnh hôn nhân thì khúc mắc đổ vỡ, hiện tại bà Thu phải bỏ công việc bán vé số để chăm con gái, trong lòng vẫn canh cánh lo cho cháu ngoại ở quê không ai chăm sóc, và cả người chồng bị bệnh ung thư cùng mẹ chồng năm nay đã 95 tuổi…

"Hoàn cảnh của BN rất éo le, gia cảnh lại quá khó khăn, nhưng đứa bé trong bụng có sức sống mãnh liệt quá, nên dù biết tốn kém chúng tôi vẫn có gắng xoay xở hết mức để cứu cho được cả mẹ lẫn con… rồi từ từ tính tiếp. Rất mong mẹ con sản phụ nhận được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng nói chung và bạn đọc báo nói riêng để vượt qua cửa tử", bác sĩ Hiếu bày tỏ (Tháo báo Tiền phong).

 

Nghĩ béo bụng, người phụ nữ bàng hoàng khi bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u buồng trứng nặng 15kg

Bệnh viện Nam Thăng Long cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u buồng trứng nặng đến 15kg cho nữ bệnh nhân P.T.H (36 tuổi, Hà Nội).

Cụ thể, ekip thực hiện ca phẫu thuật này do BS CK1 Đặng Thế Cường – Trưởng khoa Sản – Bệnh viện Nam Thăng Long cùng các bác sĩ phối hợp thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u. Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, các phẫu thuật viên đã hút ra 13 lít dịch từ khối u và không để dịch tràn ra ô bụng.

Sau khi thực hiện hút dịch làm xẹp, các bác sĩ đã thực hiện việc bóc tách khối u khỏi tổ chức xung quanh và cắt bỏ hoàn toàn, ước lượng tổng trọng cả dịch và khối u nặng lên đến 15kg. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân mất máu ít nên sức khỏe chuyển biến tích cực, phục hồi tốt ngay sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo. Sau khi bóc tách khối u, các bác sĩ cũng tiến hành làm sinh thiết và cho kết quả lành tính.

Chia sẻ với chúng tôi, BSCK1 Đặng Thế Cường cho hay, u nang buồng trứng có thể điều trị và không gây hậu quả lớn nếu được phát hiện và có phác đồ điều trị phù hợp. Với những u lớn nếu không phát hiện, phẫu thuật sớm sẽ ngày càng phát triển, làm cho bệnh nhân nặng nề ổ bụng, u chèn ép vào các tạng lân cận như bàng quang, trực tràng, ruột già gây hiện tượng tiểu rắt, tiểu nhiều lần và táo bón dai dẳng, ăn uống kém, chèn ép động mạch chủ, tĩnh mạch, tăng áp lực ổ bụng gây khó thở, đau…

BS CK1 Đặng Thế Cường cho rằng, chị em phụ nữ nên dành thời gian đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu có dấu hiệu bất thường vùng ổ bụng, bụng to bất thường cần đến bệnh viện ngay để thăm khám, tư vấn và điều trị.

Đối với trường hợp bệnh nhân P.T.H mà các bác sĩ BV Nam Thăng Long vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u buồng trứng nặng 15kg, cách đây 2 năm bệnh nhân cũng đã phát hiện khối u buồng trứng. Tuy nhiên, bệnh nhân không khám sức khỏe định kỳ, không thăm khám về tình trạng khối u, chỉ khi phát hiện bụng to, bệnh nhân nghĩ rằng do tăng cân, béo bụng nên khối u lớn dần lên.

Thời gian gần đây khối u to lên nhiều và gây đau nhức, khó thở nên bệnh nhân mới tới bệnh viện thăm khám. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng chẩn đoán, siêu âm, chụp CT cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh khối u buồng trứng dạng nang dịch kích thước lớn chiếm toàn bộ ổ bụng. (Theo báo SKĐS).

 

Bộ Y tế: "Bóng cười" gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sức khoẻ.

Việc sử dụng khí N2O ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội; Bộ Y tế đã có những thông tin cụ thể về khí N2O hay còn gọi là "bóng cười"

Khí Nitơ Oxit (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd), công thức hóa học là N2O, là hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, sử dụng trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...); trong y học (để gây mê, an thần, giảm đau trong lĩnh vực nha khoa, sản khoa, thể thao…) và trong thực phẩm (là một phụ gia được phép sử dụng theo danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex).

Tại Việt Nam, riêng đối với lĩnh vực thực phẩm Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, trong đó N2O là một phụ gia thực phẩm có chức năng làm chất khí đẩy, chất tạo bọt, chất khí bao gói, chất chống oxy hóa được phép sử dụng trong một số loại thực phẩm như sữa lên men, cream, quả tươi gọt vỏ hoặc cắt miếng, mì ống, mì sợi…(quy định này phù hợp với quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex).

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm nói chung và khí N2O nói riêng phải thực hiện tự công bố sản phẩm tại cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương và phải đảm bảo yêu cầu đối với phụ gia thực phẩm: được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn; không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hiện nay, theo báo cáo của các cơ quan chức năng: việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O trong vui chơi, giải trí (sử dụng bóng cười) khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái. Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội; Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O đúng theo quy định của pháp luật; Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O; Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O; Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định, nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm, không được lạm dụng, sử dụng sai mục đích; phải tuân thủ khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm (bảo đảm truy xuất được người bán và người mua). Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. (Theo Báo Tiền phong)./.

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 776
Tháng 05 : 31.571
Năm 2024 : 750.870
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.549.384