• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 04/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi sau 1 tuần, chuyên gia khuyến cáo gì?; Kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh Mpox nội địa đầu tiên được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh; Cứu sống bệnh nhi 7 tuổi chức năng thận chỉ còn 37%; Hà Nội yêu cầu triển khai các biện pháp chống lây nhiễm đau mắt đỏ tại nhà trẻ, trường học...; Bấm liên tiếp 4-5 lỗ tai khiến tai đầy mủ, hoại tử sụn.

Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi sau 1 tuần, chuyên gia khuyến cáo gì?

Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng tại thành phố Hà Nội đã tăng gấp đôi với khoảng 140 ca/tuần. Dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục tăng.

Gia tăng ca nhiễm tay chân miệng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Thế nhưng, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc đã tăng gấp đôi với khoảng 140 ca/tuần.

Riêng trong tuần (từ ngày 22 đến 29/9), thành phố có 141 ca mắc tay chân miệng và 3 ổ dịch (gồm 2 ổ dịch tại Ba Vì và 1 ổ dịch tại Sóc Sơn). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Sóc Sơn (24 ca), Hoàng Mai (17 ca), Mê Linh (14 ca), Nam Từ Liêm (13 ca), Đông Anh (10 ca), Đống Đa (8 ca), Thanh Xuân (8 ca).

Như vậy, trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 1.798 ca mắc tay chân miệng (tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 43 ổ dịch tay chân miệng trong 9 tháng và còn 3 ổ dịch đang hoạt động.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng đã tăng so với các tuần trước, tuy nhiên hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp. Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè sẽ khiến số ca tay chân miệng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng được phát hiện và điều trị sớm, từ khi bệnh ở mức độ nhẹ, cấp độ 1 hoặc 2. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh không được điều trị đúng cách, tay chân miệng chuyển biến sang cấp độ 3 và gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng.

Một số biến chứng do bệnh tay chân miệng gây ra gồm: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi,… thậm chí gây tử vong.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh tay chân miệng hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị. Do đó, khi mắc bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị dựa vào các triệu chứng đã xuất hiện, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, đồng thời, ngăn ngừa xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Hơn nữa, bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng trong điều trị bệnh này. Nếu có, thuốc chỉ được sử dụng khi có bội nhiễm do vi khuẩn. Tay chân miệng ở mức độ nhẹ, bệnh có thể được chữa khỏi sau 7-10 ngày với sự hỗ trợ của các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước,… theo chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt có thể chăm sóc trẻ tại nhà.

Dựa vào mức độ tổn thương do tay chân miệng gây ra, bệnh được chia làm 4 cấp độ chân tay miệng:

Tay chân miệng độ 1: Bệnh diễn ra ở mức độ nhẹ, có thể được chữa khỏi hoàn toàn qua chăm sóc và điều trị tại nhà.

Tay chân miệng độ 2: Bệnh bắt đầu gây ra những tổn thương nặng hơn với các triệu chứng liên quan đến thần kinh và tim mạch.

Tay chân miệng độ 3: Bệnh gây biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch và hô hấp.

Tay chân miệng độ 4: Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốc.

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có các biểu hiện sau cần kịp thời nhập viện điều trị: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…; giật mình nhiều (từ trên 2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường (ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè...); run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Lưu ý chăm sóc trẻ tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, bố mẹ cần chú ý 4 yếu tố dưới đây:

Cách ly trẻ mắc bệnh: Khi phát hiện trẻ bị tay chân mẹ nên thông báo với trường học và cho trẻ tạm thời không đến trường trong khoảng 10-14 ngày. Đồng thời, trẻ cần phải cách ly với các trẻ khác và người thân trong nhà. Khi chăm trẻ, bố mẹ cần đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp: Trẻ bị tay chân miệng thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đau và khó chịu khi nuốt. Do đó, bố mẹ nên lựa chọn cho trẻ những món ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu. Bố mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày ra thành nhiều bữa ăn nhỏ để trẻ ăn đủ no và đủ chất, không ép buộc trẻ ăn, tạo ác cảm cho trẻ.

Bên cạnh đó, mẹ nên tránh cho trẻ ngậm vú nhựa hoặc các dụng cụ sắc bén vì chúng có thể gây tổn thương trẻ, khiến bệnh dai dẳng, khó hết. Thức ăn quá nóng, hoặc chua cay sẽ khiến trẻ cảm thấy đau, rát và khó chịu hơn nên bố mẹ cũng lưu ý không nên cho trẻ ăn những món ăn này. Trẻ bị tay chân miệng cần bổ sung đủ nước, ăn đủ chất và không nên kiêng quá nhiều.

Giữ vệ sinh: Để bệnh nhanh khỏi, việc giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống và các vật dụng sinh hoạt của trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bố mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn. Xử lý phân, rác thải và vệ sinh đồ dùng cá nhân của trẻ đúng cách.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: Trẻ sốt cao kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, khó chịu khiến nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng nhưng bố mẹ lưu ý tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc cho trẻ uống khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc kê toa với liều lượng phù hợp nhất, an toàn cho trẻ (Theo báo nhandan.vn).

 

Kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh Mpox nội địa đầu tiên được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 3/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận được kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh Mpox nội địa đầu tiên được phát hiện tại thành phố từ Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford.

Đây là kết quả giải mã gene của bệnh nhân nam, 25 tuổi, Đồng Nai, nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vào ngày 22/9, bệnh phẩm là phết bóng nước được lấy mẫu vào ngày 28/9.

Nhóm nghiên cứu đã giải mã bộ gene bằng quy trình metagenomics, định danh bằng phần mềm Nextclade và phân tích cây phát sinh loài bằng phần mềm Augur (v21.0.1). Kết quả cho thấy tác nhân gây bệnh là virus monkeypox thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb. Như vậy, kiểu gene này giống với các chủng virus monkeypox mới được phát hiện gần đây tại các quốc gia như: Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.

Với kết quả giải mã gene này, có thể kết luận chủng virus monkeypox này khác với chủng virus với kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10/2022 từ Dubai trước đây.

Kết quả giải mã gene cho thấy sự đa dạng về di truyền của virus monkeypox. Việc tiến hành phân tích thêm bộ gene các ca bệnh mới sẽ giúp tìm hiểu về nguồn gốc, sự lưu hành của virus gây bệnh, giúp cung cấp những thông tin bổ ích và kịp thời cho chương trình phòng, chống dịch Mpox.

Trước đó, ngày 26/9, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên là nam bệnh nhân 25 tuổi, ngụ Đồng Nai. Bệnh nhân này có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ tại Bình Dương.

Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 4 ca bệnh đậu mùa khỉ trong tổng số 5 trường hợp của cả nước (Theo báo nhandan.vn)

 

Cứu sống bệnh nhi 7 tuổi chức năng thận chỉ còn 37%

Chức năng thận của bé trai 7 tuổi chỉ còn 37% dẫn tới hẹp khít động mạch thận phải gây tăng huyết áp. Bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật ghép thận tự thân gấp để bảo toàn thận phải.

Ngày 4/10, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, vừa qua, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phẫu thuật ghép thận tự thân thành công cho bệnh nhi Hoàng Thanh T., 7 tuổi bị tăng huyết áp do hẹp động mạch thận.

Được biết, từ tháng 12/2022, bệnh nhi T. bắt đầu xuất hiện những cơn đau đầu, sau khi thăm khám được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, chỉ số huyết áp cao nhất ghi nhận là 170/80 mmHg. Kết quả xạ hình thận cho thấy chức năng thận còn 37%. Bệnh nhi đã được thực hiện nong động mạch thận lần 1 nhưng thất bại và được điều trị nội khoa.

Tới tháng 5/2023, bệnh nhi được giới thiệu đến khám tại khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra cho bé. Kết quả cho thấy bệnh nhi bị hẹp khít động mạch thận bên phải trên siêu âm.

Theo TS.BS Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Nhi đồng 1, hẹp khít động mạch thận chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cao huyết áp kéo dài ở trẻ. Bệnh nhi cần phải can thiệp kịp thời tránh hậu quả hư hoàn toàn thận phải.

Bs Nguyễn Ngọc Tường Vy, phòng KHTH Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngày 31/5, bệnh nhân được tiến hành chụp mạch máu thận và sẽ can thiệp nong mạch máu trong lúc chụp nếu thuận lợi. Tuy nhiên, việc can thiệp diễn ra khó khăn do động mạch thận phải hẹp khít.

Ngay sau đó, các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, ngoại thận - tiết niệu của bệnh viện đã hội chẩn cùng PGS.TS.BS Thái Minh Sâm - Bệnh viện Chợ Rẫy và quyết định ghép thận tự thân để bảo tồn thận phải cho bệnh nhi.

Ngày 4/8, ca phẫu thuật được thực hiện nhờ sự kết hợp của nhiều chuyên gia tới từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng 1. Ca mổ đã thành công sau hơn 4 giờ thực hiện.

BS Nguyễn Ngọc Tường Vy cho hay, sau phẫu thuật thận được cấp máu đầy đủ, bệnh nhi được săn sóc tích cực tại khoa Hồi sức Ngoại và khoa Ngoại thận - tiết niệu, huyết áp bệnh nhân đã quay về bình thường và ổn định. Sau 10 ngày phẫu thuật trẻ đã được xuất viện.

Theo Trưởng khoa Ngoại thận - tiết niệu, đây là 1 trong những trường hợp ghép thận tự thân đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và là bước tiến mới của bệnh viện trong việc phát triển đơn vị ghép thận (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Hà Nội yêu cầu triển khai các biện pháp chống lây nhiễm đau mắt đỏ tại nhà trẻ, trường học...

Trước tình hình dịch đau mắt đỏ có nhiều diễn biến phức tạp trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn về tăng cường phòng, chống đau mắt đỏ. Trong đó, Hà Nội yêu cầu triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học…

Công văn của UBND TP. Hà Nội nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, đồng thời để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, Hà Nội giao Sở Y tế tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh, như: Chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Hà Nội cũng giao Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để; các trường mầm non, mẫu giáo cần bảo đảm vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân, bảo đảm mỗi trẻ có khăn mặt riêng, rửa tay bằng nước sạch, tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Về nhiệm vụ trên, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn; chỉ đạo các phòng: Y tế, GD&ĐT và các lực lượng địa phương phối hợp với cơ quan y tế tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, thông tin cho cơ quan y tế, hướng dẫn xử lý, phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia phòng, chống dịch và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống đau mắt đỏ. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Các đơn vị phải chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Bấm liên tiếp 4-5 lỗ tai khiến tai đầy mủ, hoại tử sụn

Ngày 4/10, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, gần đây các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai do xỏ khuyên, bấm lỗ tai.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân Phan Thị K.L, 18 tuổi (ở Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng 2 tai sưng đau với 4-5 lỗ xỏ khuyên mỗi bên tai, tai phải sưng đau nhiều hơn, chảy mủ vàng.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm sụn vành tai 2 bên, áp xe sụn vành tai phải và sau đó tiến hành chích rạch dẫn lưu mủ, nạo sạch tổ chức viêm.

Một trường hợp khác, bệnh nhân Phí Đình M.T, 23 tuổi (ở Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện với tình trạng đau nhức, sưng nóng đỏ ở vành tai phải, có lỗ rò mủ.

Được biết, trước đó 2 tuần, bệnh nhân có đi xỏ khuyên tai bên phải. Sau khoảng 4 ngày thì T. có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau vành tai phải. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại cơ sở y tế khác nhưng không đỡ, tình trạng sưng và đau nhức vẫn còn và kèm theo mủ.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán là áp xe sụn vành tai phải do xỏ khuyên tai. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chích rạch dẫn lưu áp xe, nạo vét sụn hoại tử rồi khâu cố định băng ép bằng gạc tẩm mỡ kháng sinh cho bệnh nhân.

Hiện tại, tình trạng vành tai phải của T. đã ổn định, không còn mủ, còn sưng mô ít, vành tai bên tổn thương có biểu hiện biến dạng co rúm nhẹ so với bên lành.

 

Nguy cơ mắc bệnh lây truyền nếu bấm lỗ tai không an toàn

BSNT. Phạm Anh Tuấn – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: "Biến chứng thường gặp nhất sau khi bấm lỗ, xỏ khuyên tai là viêm sụn vành tai. Đây là một biến chứng nguy hiểm với những bạn trẻ thích xỏ lỗ trên vành tai do khuyên khi xỏ vào lớp sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng và khó điều trị hơn nhiễm trùng ở các mô mềm như dái tai. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu (viêm gan siêu vi B, HIV…) cũng có thể xảy ra khi dụng cụ bấm lỗ tai không được xử lý theo đúng quy định".

Cũng theo BS. Anh Tuấn, điều trị viêm sụn, áp xe vành tai rất phức tạp do vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Một số trường hợp không tới bệnh viện kịp thời, sụn vành tai đã bị tiêu một phần, sau điều trị, tình trạng viêm cải thiện hoàn toàn nhưng để lại di chứng nặng nề là vành tai bị biến dạng, nhăn nhúm, co rút phải phẫu thuật tạo hình lại vành tai.

Xỏ lỗ tai, bấm lỗ tai là hình thức làm đẹp khá phổ biến, ngoài vị trí "truyền thống" ở dái tai, các bạn trẻ ngày nay còn có sở thích xỏ lỗ tai ở nhiều vị trí khác trên vành tai tạo sự khác biệt hoặc để thể hiện cá tính riêng của mình.

Tuy nhiên, BS. Tuấn khuyến cáo, khi người dân có nhu cầu bấm lỗ tai cần lựa chọn cơ sở uy tín, đồng thời cần tìm hiểu kỹ về cách chăm sóc, giữ vệ sinh sau khi thực hiện thủ thuật. Cần cân nhắc khi xỏ lỗ tai ở nhiều vị trí, đặc biệt là vị trí khuyên đi qua sụn vành tai do dễ gây nguy cơ viêm sụn và các biến chứng do viêm sụn. 

Thực tế đã có nhiều trường hợp biến chứng do sử dụng dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn hoặc khu vực xỏ khuyên không được vệ sinh đúng cách, đặc biệt với những trường hợp lỗ xỏ ở sụn tai khó lành có thể gây nhiễm trùng và nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Khi có các biểu hiện bất thường như sưng tấy lâu ngày, mưng mủ tại vị trí xỏ khuyên, nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc sau này. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.562
Tháng 12 : 172.391
Năm 2024 : 2.972.979
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.771.493