• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bệnh tả lợn Châu phi và cách chọn thịt lợn sạch, an toàn

Hiện tại dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 18 tỉnh, thành trong cả nước. Dù lợn bị bệnh tả châu Phi không lây sang người, song các chuyên gia cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như..

Hiện tại dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 18 tỉnh, thành trong cả nước. Dù lợn bị bệnh tả châu Phi không lây sang người, song các chuyên gia cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như: Bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lơn, lở mồm long móng… Để người dân có nhận thức đúng mực về căn bệnh này và biết cách chọn thịt lợn an toàn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trường Sinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa bác sĩ Nguyễn Trường Sinh, bác sĩ có thể cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh như thế nào và mức độ nguy hiểm của bệnh này đối với sức khỏe con người?

Bác sĩ Nguyễn Trường Sinh- Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh :

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh nên gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ lợn chết cao lên đến 100%.

Bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh nhưng không lây sang người. Vì vậy, nếu người dân lỡ ăn phải thịt lợn bệnh thì cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy dịch bệnh này không gây bệnh trên người, nhưng khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng. Những bệnh này nguy hiểm đối với sức khỏe con người, bởi dù được điều trị khỏi vẫn có thể để lại biến chứng, thậm chí tử vong.

Tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn bán trú

Phóng viên: Cùng với các ban ngành liên quan, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã triển khai các biện pháp gì để phòng chống dịch tả lợn dù tại Hà Tĩnh chưa xuất hiện dịch?

Bác sĩ Nguyễn Trường Sinh- Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh: Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện nhiều tại các tỉnh, thành trên cả nước, mặc dù tỉnh Hà Tĩnh chưa xuất hiện dịch nhưng  Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở Công thương… có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền phòng chống bệnh tả lợn trong chăn nuôi, trong sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn. Đặc biệt ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các bếp ăn tập thể trên địa bàn về cách lựa chọn, sử dụng thịt lợn, các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn, đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú của các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt công tác giám sát để chất lượng thịt lợn khi đến với người tiêu dùng luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Phóng viên: Trước tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi, Chi cục ATTP tỉnh có khuyến cáo gì giúp người tiêu dùng chọn lựa được thịt lợn an toàn?

Bác sĩ Nguyễn Trường Sinh- Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh : Trước tình hình dịch tả lợn hiện nay, chất lượng thịt lợn được bán trên thị trường đang là mối lo ngại của người dân, thậm chí nhiều người ngần ngại không ăn thịt lợn. Tuy nhiên bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà cần có hiểu biết đúng mực về bệnh tả lợn châu Phi để từ đó lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Với thịt lợn bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi, có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng: Trên da và tai lợn có những đốm xuất huyết lấm tấm. Sau tai lợn có màu tím xanh. Khi lợn bị giết mổ thì toàn bộ nội tạng bị xuất huyết. Miếng thịt nhiễm tả lợn châu Phi có màu lạ như nâu, đỏ thâm, tím tái hay xám, xanh nhạt. Mặt khác, thịt lợn bệnh cũng không có độ đàn hồi. Ấn tay vào miếng thịt thấy bị rỉ nước, chảy nhớt. Khi mua chúng ta cần chú ý chọn lựa những miếng thịt có màu hồng sáng, bì mềm mại, thớ thịt săn và đàn hồi tốt, khi ấn tay vào không để lại vết lõm dính. Đặc biệt, thịt lợn tươi là có màu sắc đỏ hoặc đỏ sẫm, màng ngoài thịt khô nhưng khi dùng dao cắt thịt có màu sắc bình thường sáng. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như siêu thị, cửa hàng bán thịt sạch, các sạp trong chợ truyền thống, những người bán thịt lợn lâu năm đã có quan hệ, uy tín với người mua.

Virus tả lợn Châu Phi tồn tại được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong huyết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày.Vì vậy người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh hoặc thịt tái, sống.

Virus dịch tả lợn có khả năng chịu được nhiệt độ, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao. Loại virus này có thể tồn tại được trong thời gian từ ba đến sáu tháng và chỉ có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút, vì vậy cần phải nấu chín kỹ càng trước khi ăn.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ngoài phương pháp chọn lựa thịt an toàn, thịt lợn mua về nên rửa qua nước muối pha loãng, cần rửa dụng cụ (dao, thớt) truớc và sau khi chế biến thức ăn. Thực phẩm, thịt sống, chín không để lẫn lộn. Thức ăn nấu xong nên ăn ngay, tránh để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Phóng viên: Xin được cảm ơn bác sĩ!

Thực hiện: Đoàn Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.803
Tháng 04 : 198.629
Năm 2024 : 695.848
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.494.362