• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

99% ca tắc động mạch vành được cơ sở y tế Hà Tĩnh tái thông thành công

Mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tái thông động mạch vành cho 300 – 400 ca, tỷ lệ thực hiện thành công đạt 99%, qua đó giảm di chứng, tỷ lệ tử vong cho người bệnh.

Vừa qua, tại Hội thi Thiết kế poster cải thiện chất lượng dịch vụ y tế năm 2024 do Sở Y tế tổ chức, poster “Giải pháp rút ngắn thời gian tái thông động mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim” của nhóm tác giả Phạm Hữu Đà, Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Trần Hoàng Nhân, Lê Chí Hướng, Nguyễn Đình Tuấn đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được trao giải nhất.

6CA.jpg

Đại diện nhóm tác giả poster “Giải pháp rút ngắn thời gian tái thông động mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim” nhận giải nhất hội thi.

Nội dung của poster được ban tổ chức đánh giá cao vì đã được áp dụng hiệu quả trong công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tại BVĐK tỉnh trong suốt thời gian qua.

Theo đó, từ năm 2018, BVĐK tỉnh chính thức triển khai Đơn vị can thiệp tim mạch, mở ra cơ hội điều trị cho những người bị nhồi máu cơ tim cấp (động mạch vành bị tắc) và các bệnh lý về mạch vành. Hoạt động này giúp người bệnh được cấp cứu, điều trị kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên, giảm di chứng, giảm tỷ lệ tử vong. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bác sỹ Phạm Hữu Đà – Trưởng khoa Tim mạch (BVĐK tỉnh) cho biết: “Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng động mạch vành bị tắc, nên việc mở thông động mạch vành một cách nhanh nhất là yêu cầu mang tính cấp thiết để giảm biến chứng và tỷ lệ tử vong. Thời gian tốt nhất để thực hiện tái thông động mạch vành là dưới 90 phút. Nhưng thực tế cho thấy, có rất nhiều người bệnh không đảm bảo được thời gian tái thông này, nhiều trường hợp kéo dài đến trên 120 phút mới triển khai tái thông. Nguyên nhân là do người nhà và người bệnh không hoàn toàn hợp tác, thường có tâm lý trì hoãn để chuyển tuyến. Thế nhưng, đối với nhồi máu cơ tim cấp, việc chuyển lên tuyến trên với thời gian di chuyển từ 4 – 5 tiếng thì nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng nặng là rất lớn”.

posterA.jpg

Những nội dung cơ bản của poster "Giải pháp rút ngắn thời gian tái thông động mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim”.

Một nguyên nhân khác được bác sỹ Đà phân tích, đó là để thực hiện 1 ca can thiệp tim mạch, bệnh nhân cần nguồn chi phí lớn, từ 20 – 30 triệu đồng. Đây cũng là lý do khiến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trì hoãn việc can thiệp.

Vì vậy, làm sao để người bệnh, người nhà nhanh chóng hợp tác triển khai tái thông động mạch vành khi nhập viện, từ đó giảm các di chứng và tỷ lệ tử vong vẫn luôn là điều trăn trở đối với các y bác sỹ tại Khoa Tim mạch.

“Mục tiêu quan trọng nhất khi chúng tôi xây dựng giải pháp cải tiến chất lượng là rút ngắn thời gian triển khai tái thông động mạch vành. Để làm được điều đó, Khoa Tim mạch đã phối hợp với các phòng chuyên môn đẩy mạnh công tác truyền thông. Trong đó, chú trọng việc thông tin cho người dân và các cơ sở y tế tuyến dưới về những triệu chứng phổ biến của nhồi máu cơ tim cấp, để khi phát hiện ca bệnh thì chuyển kịp thời đến BVĐK tỉnh; xây dựng quy trình phối hợp giữa bác sỹ cấp cứu và can thiệp tim mạch. Khoa cũng tổ chức tư vấn, giải thích rõ cho người bệnh, người nhà về sự nguy hiểm của nhồi máu cơ tim cấp và phương pháp can thiệp để có sự hợp tác nhanh chóng”, bác sỹ Phạm Hữu Đà chia sẻ.

can thiepA.jpg

Các bác sỹ BVĐK tỉnh tiến hành can thiệp tim mạch cho một ca bệnh bị tắc động mạch vành.

Bên cạnh đó, thông qua huy động các nguồn xã hội hóa, Khoa Tim mạch cũng thành lập quỹ hỗ trợ cho người bệnh thực hiện can thiệp tim mạch. Khi có bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp mà gia đình chưa có kinh phí, khoa sẽ dùng quỹ để bảo lãnh, sau đó người bệnh sẽ chuyển trả lại cho quỹ. Điều này, giúp cho việc tái thông động mạch vành không bị trì hoãn, từ đó tăng tỷ lệ cứu sống và giảm thiểu di chứng cho bệnh nhân.

Với các giải pháp đồng bộ trên, thời gian qua, các ca nhồi máu cơ tim cấp đã được BVĐK tỉnh can thiệp một cách nhanh chóng. Trung bình mỗi năm Đơn vị can thiệp tim mạch của BVĐK tỉnh thực hiện từ 300 – 400 ca. Tỷ lệ can thiệp thành công luôn đạt mức trên 99%. Từ thời gian tái thông động mạch vành trên 120 phút, đến nay hầu hết các ca bệnh đã được tái thông động mạch vành dưới 90 phút, giảm biến cố về tim mạch từ 5,8% xuống 2,3%; giảm tỷ lệ tử vong từ 2,1% xuống còn 1,5%; giảm thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày xuống từ 3 - 5 ngày.

mach vanhA.jpg

Hiệu quả so sánh trong việc triển khai can thiệp tim mạch đối với các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.

Thời gian qua, BVĐK tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị thông qua việc triển khai nhiều kỹ thuật mới, trong đó có các kỹ thuật liên quan đến tim mạch. Nhờ chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất và con người nên Đơn vị can thiệp tim mạch đã cấp cứu, điều trị thành công cho rất nhiều ca bệnh nhồi máu cơ tim và các bệnh lý liên quan đến tim mạch.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả can thiệp, giảm thiểu các di chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong, chúng tôi rất mong bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tiếp tục có sự tin tưởng hợp tác với y bác sỹ để triển khai một cách nhanh nhất việc can thiệp khi được phát hiện bệnh lý về tim mạch. Tiến sỹ Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh


Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.160
Tháng 07 : 17.357
Năm 2024 : 1.156.664
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.955.178