Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2018
Sáng ngày 11-01, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác Y tế dự phòng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tham dự có các lãnh đạo và các trưởng khoa, phòng 13 Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị, thành phố. Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Xuân Dâng, Phó Giám đốc Sở Y tế dự và chỉ đạo hội nghị.
Hà Tĩnh hiện tại có mạng lưới Y tế dự phòng đồng bộ, phủ kín từ tuyến tỉnh đến cơ sở, tại tuyến tỉnh có 01 Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh với 53 cán bộ, 9 khoa, phòng, tuyến huyện có 13 Trung tâm Y tế dự phòng, 262 xã, phường thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe cộng đồng, 2.481 cộng tác viên tại các thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Năm 2017, trên toàn tỉnh xảy ra 04 ổ dịch sốt xuất huyết, với 194 ca mắc, trong đó tập trung tại xã Thịnh Lộc, Lộc Hà, với 48 ca mắc; xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, với 13 ca mắc; xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, với 17 ca mắc; xã Kỳ Long, Thị xã Kỳ Anh, với 13 ca mắc. Bên cạnh đó cũng đã xảy ra dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm, có 350 con gà chết tại xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh; 240 con vịt chết tại Phường Đại Nài, Thành phố Hà Tĩnh.
Trong năm mặc dù một số dịch bệnh đã xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng công tác phòng chống dịch đã được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên, kịp thời, chủ động. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đã triển khai mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở nên các ca bệnh đều đã được điều trị khỏi, không có trường hợp tử vong, dịch đã sớm dập tắt và không lan rộng. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp không để dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm lây sang người. Hoạt động tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả cao, trong năm đã triển khai phần mềm nhắn tin nhắc nhở phụ huynh lịch tiêm chủng cho trẻ; số trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ ước đạt 98%; tỷ lệ tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24h ước đạt 91%; tỷ lệ phụ nữ có thai tiêm uốn ván ước đạt 97,7%. Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát bệnh không lây nhiễm trên toàn tỉnh, cụ thể: kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; tổ chức 20 lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã, y tế thôn; tổ chức khám sàng lọc cho gần 5.000 đối tượng có yếu tố nguy cơ cao về bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại 13 xã điểm; cấp phát 100 ngàn tờ rơi, 13 pano, 200 băng rôn cho các xã điểm; cấp 40 máy đo đường huyết cho các huyện, thị và các xã điểm. Đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng cộng đồng, cấp phát và tổ chức cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi uống VitaminA đạt 98%; bà mẹ sau sinh trong vòng 01 tháng uống VitaminA đạt 94%. Bên cạnh đó, các hoạt động sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường, y tế trường học, hoạt động xét nghiệm, kiểm dịch y tế, tư vấn và điều trị dự phòng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… được triển khai có hiệu quả.
Năm 2018, với mục tiêu phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật; giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng cồng; góp phần phát triển thể chất, tinh thần, nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện chất lượng giống nòi. Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỷ thuật về y tế dự phòng cho tuyến dưới. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong năm 2018, giảm 10% tỷ lệ mắc/100.000 dân; 70% người trưởng thành tại các xã được tiếp cận thông tin cơ bản về ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính(COPD); 70% số người bị tăng huyết áp, đái tháo đường trên toàn tỉnh được phát hiện, 50% số người phát hiện được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn tại huyện và các xã…
Tại hội nghị nhiều đại biểu đã nêu ra một số tồn tại hạn chế trong năm qua: thiếu kinh phí, hóa chất, phương tiện phòng chống dịch; công tác quản lý chất thải y tế tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện và các Trạm Y tế còn gặp nhiều khó khăn; công tác phát hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn… Các đại biểu cũng đã bàn các giải pháp để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, TTND, bác sĩ Trần Xuân Dâng, Phó Giám đốc Sở Y tế ghi nhận những kết quả đã làm được trong công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua, và chia sẽ những khó khăn của các Trung tâm. Thời gian tới đề nghị các Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện rà soát lại các sổ ghi chép tại Trạm Y tế xã, loại bỏ những sổ ghi chép không cần thiết, nhằm giảm bớt việc ghi chép vào sổ, để cán bộ y tế Trạm có thời gian tập trung làm chuyên môn, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; chỉ đạo các Trạm Y tế hướng dẫn người dân đăng ký vào phần mềm nhắn tin, nhắc nhở lịch tiêm chủng cho trẻ. Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tuyên truyền người dân vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có trách nhiệm hướng dẫn, thu gom, xử lý các chất thải thông thường và chất thải nguy hại tại các Trạm Y tế xã; đảm bảo trực tết, theo dõi, giám sát dịch, tai nạn thương tích trong dịp tết.
Thay mặt lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm đã cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo Sở Y tế trong thời gian qua. Năm 2018, Trung tâm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động, nhằm hướng tới sự hài lòng của nhân dân. Thời gian tới mong muốn lãnh đạo ngành tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ hệ Y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện để công tác phòng chống dịch bệnh trên toàn tỉnh được tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa.
Thanh Loan