Tăng cường phòng, chống bệnh thủy đậu
Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: từ đầu năm 2018 đến nay trên toàn tỉnh đã xuất hiện 02 vụ dịch Thủy đậu tại 2 huyện Nghi Xuân và Thạch Hà, với 69 ca mắc, trong đó 63 ca đã ổn định, không có trường hợp nào diễn biến nặng.
Theo đó, từ ngày 24/3 đến nay tại hai trường Mần non và Tiểu học thuộc xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân đã xuất hiện vụ dịch Thủy đậu, với 43 ca mắc, trong đó có 37 ca đã ổn định. Bên cạnh đó, từ 7/4 đến nay, tại Trường Tiểu học xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà đã xuất hiện dịch thủy đậu với 26 ca mắc, đến nay tất cả đều ổn định.
Sau khi có thông báo của Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp theo dõi, giám sát, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống thông tin đại chúng; phối hợp với các Trường học phun hóa chất tiêu độc khử trùng; cấp gần 1000 viên CloraminB và 05kg bột cloraminB cho các gia đình có bệnh nhân bị thủy đậu; hướng dẫn người dân tẩy rửa dụng cụ cá nhân và thực hiện các biện pháp phòng tránh để hạn chế lây lan sang cộng đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, bệnh Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virut Varicella Zoster gây ra, thường xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Mặc dù Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng nếu người mắc bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não và màng não. Bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Vì thế, khi thấy cơ thể xuất hiện những “nốt rạ” mụn nước, bóng nước toàn thân hoặc rải rác trên cơ thể, thì đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn tư vấn kịp thời; với những người mắc bệnh cần phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ nhà cửa luôn thoáng mát, hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ; cho trẻ nghỉ ở nhà từ 7 đến 10 ngày để chăm sóc và phòng tránh lây lan sang các bạn khác; nhà trường cũng như gia đình hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng; tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài; ăn các thức ăn mềm, bổ sung vitaminC; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Thanh Loan