Bộ Y tế cảnh báo: Nhiều trẻ nhỏ, bà bầu không có miễn dịch phòng bệnh sởi
Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi và Rubella, để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh Sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.
Ngày 13/4, Bộ Y tế cho biết, những nghiên cứu gần đây cho thấy, miễn dịch bảo vệ bệnh sởi ở các bà mẹ mang thai là thấp và có một tỷ lệ lớn trẻ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ các bà mẹ này không có miễn dịch, hoặc miễn dịch từ mẹ truyền sang con không đủ bảo vệ trẻ phòng bệnh sởi.
Gần 87% trẻ nghiên cứu không được bảo vệ phòng bệnh sởi
Theo Bộ Y tế, nghiên cứu tồn lưu miễn dịch với vi rút sởi ở trẻ 2-9 tháng tuổi tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương năm 2015 cho thấy: Tỷ lệ trẻ 2-9 tháng tuổi có kháng thể kháng sởi (kháng thể IgG) đủ bảo vệ chỉ đạt 13,1%. Tỷ lệ trẻ không được bảo vệ phòng bệnh sởi chiếm 86,9%. Tỷ lệ trẻ có kháng thể bảo vệ cao nhất ở nhóm trẻ 2 tháng tuổi (35,1%), tiếp theo là nhóm 3-5 tháng tuổi (21,3%), thấp nhất ở nhóm 6-9 tháng tuổi (0,5%). Trẻ lớn tuổi nhất còn kháng thể bảo vệ là 6,7 tháng tuổi. Tất cả (100%) trẻ từ 7-9 tháng tuổi không còn kháng thể bảo vệ.
Nhóm trẻ có mẹ đã từng mắc sởi có tỷ lệ bảo vệ 22,8% cao gấp 2,5 lần so với nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi và chưa từng tiêm vắc xin sởi. Nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi nhưng đã từng tiêm vắc xin sởi có tỷ lệ bảo vệ 11,5% cao gấp 1,1 lần so với nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi và chưa từng tiêm vắc xin nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá tình trạng kháng thể IgG kháng sởi ở cặp mẹ con khám thai và sinh tại huyện Đông Anh, Hà Nội năm 2016 đưa ra kết quả: Có 71,7% bà mẹ mang thai có kháng thể IgG kháng sởi dương tính; 28,3% âm tính với xét nghiệm IgG kháng sởi. Tỷ lệ dương tính với kháng thể kháng sởi cao nhất ở phụ nữ ≥ 30 tuổi (90,5%) và nhóm 25-29 tuổi (74,2%) gấp 9,5 lần và 2,9 lần so với nhóm 18-19 tuổi (50%).
Tuổi bà mẹ càng lớn thì tỷ lệ trẻ sơ sinh được bảo vệ càng cao. Tỷ lệ này ở trẻ sinh ra từ nhóm bà mẹ ≥30 tuổi cao hơn 8,1 lần so với ở trẻ sinh ra từ nhóm các bà mẹ 18-19 tuổi.
Vắc xin sởi do Việt Nam sản xuất an toàn cho trẻ 6-8 tháng tuổi
Bộ Y tế cho biết, đề tài thử nghiệm lâm sàng “Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin sởi MVVAC do POLYVAC sản xuất trên trẻ từ 6-8 tháng tuổi” tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương từ tháng 6-7/2017 nêu rõ: Vắc xin sởi MVVAC do POLYVAC sản xuất đạt yêu cầu an toàn trên trẻ 6-8 tháng tuổi. Không ghi nhận bất cứ trường hợp biến cố nghiêm trọng nào về sức khỏe ở nhóm trẻ 6-8 tháng tuổi trong thời gian nghiên cứu. Các phản ứng sau tiêm chủng thông thường đều ở mức độ nhẹ và vừa và trong tỷ lệ cho phép.
Vắc xin sởi MVVAC do POLYVAC sản xuất đạt yêu cầu tính sinh miễn dịch trên trẻ 6-8 tháng tuổi: Tỷ lệ trẻ được bảo vệ phòng sởi trước tiêm ở mức rất thấp 7,6%, sau khi tiêm vắc xin sởi MVVAC tỷ lệ này tăng lên 88,3%. Có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ trẻ được bảo vệ trước và sau tiêm.
Do tình hình dịch bệnh sởi có nhiều diễn biến phức tạp, đồng thời kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai đang ở mức thấp; Bộ Y tế khuyên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi và Rubella, để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh Sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.
Vắc xin Sởi - Rubella MRVAC do Việt Nam sản xuất sẽ đưa vào sử dụng trên quy mô toàn quốc, cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Bộ Y tế cho biết, trong tháng 2/2018, vắc xin MRVAC được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 4 tỉnh Nam Định, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bà Rịa -Vũng Tàu, trong buổi tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18-24 tháng. Công tác tư vấn về sử dụng vắc xin MRVAC đã được thực hiện theo hướng dẫn của Dự án TCMR, được các bậc cha mẹ đồng ý chấp thuận tiêm vắc xin MRVAC cho trẻ. Theo báo cáo của 4 tỉnh, đã có 7.787 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vắc xin MRVAC. Không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin MRVAC tại 4 tỉnh. Kết quả thu được cho thấy tính an toàn của vắc xin MRVAC tương tự như vắc xin Sởi - Rubella do Ấn Độ sản xuất đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016. Từ tháng 4/2018, vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Đến nay đã có 19 tỉnh/TP triển khai, gồm Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắc Nông, BR-VT, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Bình Phước. Theo báo cáo của các tỉnh, đã có trên 50.000 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vắc xin MRVAC, không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nào. Theo Bộ Y tế, việc sử dụng vắc xin sởi-rubella sản xuất trong nước sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn cung ứng vắc xin, đảm bảo không thiếu vắc xin sởi-rubella sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng và tiêm chủng chống dịch. |
Theo Báo SKĐS