• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hưởng ứng Tuần lễ “Nuôi con bằng sữa mẹ” (1-7/8): Cho trẻ bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh rất quan trọng để cứu sống trẻ

Đây là thông điệp truyền thông của tuần lễ “Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” năm 2018, diễn ra từ 1/8-7/8 tại các quốc gia trên toàn thế giới.

Đây là thông điệp truyền thông của tuần lễ “Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” năm 2018, diễn ra từ 1/8-7/8 tại các quốc gia trên toàn thế giới. Các hoạt động hưởng ứng tuần lễ nhằm khuyến khích các nhà hoạch định chính sách, các nhân viên y tế, cha mẹ, người chăm sóc trẻ tiếp tục nỗ lực và có những hành động mạnh mẽ nhằm đảm bảo trẻ nhỏ được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu ngay sau sinh và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời.

Cán bộ Trung tâm CSSKSS Hà Tĩnh phát tờ rơi tuyên truyền lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ sau sinh tại khoa sản, BVĐK tỉnh

Theo Thông cáo báo chí của UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới: Cứ 5 trẻ mới sinh thì có 3 trẻ không được bú sữa mẹ ngay từ giờ đầu tiên sau khi sinh. Điều này khiến trẻ có nguy cơ tử vong và bệnh tật cao hơn và trẻ cũng ít có cơ hội được tiếp tục bú mẹ hơn. Hầu hết những trẻ này được sinh ra ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Các nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ nhỏ được bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau khi sinh có nhiều khả năng sống sót hơn. Sự chậm trễ, thậm chí chỉ vài giờ sau khi sinh mới cho trẻ bú có thể gây ra những hậu quả đe dọa tính mạng của trẻ. Tiếp xúc da kề da cùng với việc trẻ bú sẽ kích thích người mẹ tăng tiết sữa, bao gồm sữa non, đây còn được gọi là ‘vắc xin đầu tiên’ của trẻ, rất giàu chất dinh dưỡng và kháng thể. Trẻ nhỏ được bắt đầu bú mẹ muộn hơn, trong vòng từ 2 - 23 giờ sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao hơn 33% so với những trẻ được bắt đầu bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Với những trẻ được bắt đầu cho  bú mẹ muộn sau một ngày, hoặc lâu hơn nữa thì nguy cơ cao gấp 2 lần.

Hiện nay, mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ nhỏ bị lỡ mất những lợi ích của việc cho con bú sớm vì những lý do có thể thay đổi được, như: các bà mẹ không được hỗ trợ đầy đủ để cho con bú ngay từ những phút quan trọng sau khi sinh, không được sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế tại cơ sở y tế.

Các chuyên gia y tế cho biết: Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ có được sự khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc sống. Vì vậy, chúng ta phải khẩn trương nhân rộng những hỗ trợ cho các bà mẹ - có thể là từ các thành viên trong gia đình, các nhân viên y tế, các nhà tuyển dụng và các chính phủ, để họ có thể mang lại cho con mình sự khởi đầu mà trẻ xứng đáng có được. Để thực hiện được điều đó các quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chính sách và chương trình giúp tất cả các bà mẹ cho con bú ngay trong giờ đầu tiên sau khi sinh và tiếp tục cho con bú tới khi nào họ muốn.

Bác sỹ Bùi Quốc Hùng – GĐ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Thời điểm cho con bú: Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng một giờ đầu người mẹ nên cho trẻ bú, bú càng sớm càng tốt. Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ (Prolactin, Oxytoxin), bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa sớm, trẻ được bú sữa non – sữa non có nhiều chất dinh dưỡng quý, có nhiều kháng thể sẽ phòng bệnh được tốt. Động tác bú có tác dụng co hồi tử cung, cầm máu cho người mẹ sau đẻ và giúp mẹ bài tiết sữa sớm.

Không nên cho trẻ ăn những thức ăn hay đồ uống khác, đặc biệt là sữa ngoài (sữa bột) và không cho trẻ bú bình trước khi cho trẻ bú mẹ và khi sữa chưa về. Số lần trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tuỳ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Ban đêm vẫn cho trẻ bú nếu trẻ khóc đòi ăn. Ở những bà mẹ ít sữa, nên cho trẻ bú nhiều lần để kích thích bài tiết sữa tốt hơn. Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của trẻ bú đủ. Nếu trẻ đi tiểu dưới 6 lần trong ngày cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc người mẹ cần xem lại kỹ thuật cho con bú có đúng hay không.

Tư thế cho con bú: Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi cho bú, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn. Thời gian cho bú tuỳ theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú xong một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.

Thời gian trẻ cai sữa: Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non  yếu không mút được vú mẹ, hoặc trường hợp mẹ bị ốm nặng, bị mắc một số bệnh không cho trẻ bú được, cần vắt sữa cho trẻ ăn bằng cốc. Nên cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc có thể lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.

Thu Hòa


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.964
Tháng 12 : 169.793
Năm 2024 : 2.970.381
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.768.895