Viêm gan Vi rút
Viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm thường gặp gây viêm và tổn thương tế bào gan do các virus viêm gan gây nên, nhất là ở các nước đang phát triển. Cho đến nay, bằng phương tiện xét nghiệm tiên tiến người ta đã tìm ra nhiều loại vi rút viêm gan khác nhau như A, B, C, D, E...
Bệnh lây theo đường tiêu hoá (viêm gan A và E), đường máu (viêm gan B, C, D) và đường tình dục (chủ yếu viêm gan B).
Virút gây viêm gan B, C, D có thể gây nên viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan.
1. CÁC VIRUS VIÊM GAN
Virus viêm gan A (HAV): Lây truyền qua đường tiêu hoá. Bệnh nhân mắc HAV không chuyển sang mạn tính và rất ít khi gây tử vong. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, nhất là ở các nước đang phát triển, khoảng 80 - 90% người lớn đã bị nhiễm virút HAV.
Virus viêm gan B (HBV): lây truyền qua các đường: lây truyền từ mẹ sang con. Nếu người mẹ có HBeAg (+) (đây là biểu hiện đang có sự nhân lê của vi rút HBV), thì có khả năng lây truyền cho con trên 80%. Lây qua truyền máu và sản phẩm của máu. Lây qua tiêm chích ma tuý và các tiêm truyền không an toàn khác. Lây qua đường tình dục.
HBV là nguyên nhân chính gây viêm gan cấp và mạn tính, xơ gan và ung thư gan trên thế giới.
Virus viêm gan C (HCV):
Vi rút này lây chủ yếu qua truyền máu và chế phẩm của máu, tiêm chích ma tuý, lọc thận chu kỳ. Ở Việt Nam, miền Bắc có tỷ lệ nhiễm HCV thấp (1-2%) nhưng miền Nam có tỷ lệ cao, có những nơi đến 10%.
Nhiễm virút HCV có nguy cơ chuyển thành mạn tính rất cao 80%,dần dần tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
Virus viêm gan D (HDV): Nhiễm virút HDV có 2 dạng: đồng nhiễm và bội nhiễm với virút HBV.
Virus viêm gan E (HEV): Virút lây qua đường tiêu hoá. Tỷ lệ nhiễm virút HEV cao ở tuổi từ 15 - 40 tuổi. Tỷ lệ tử vong khoảng từ 0,5 - 3% nhưng tỷ lệ tử vong sẽ rất cao ở phụ nữ có thai (từ 15 - 20%). Chỉ gây ra viêm gan cấp không gây ra viêm gan mạn tính.
2. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG VIÊM GAN VIRUS CẤP TÍNH
Thời kỳ ủ bệnh: Tùy thuộc vào từng loại vi rút, trung bình từ 30-60 ngày
Thời kỳ khởi phát: Triệu chứng ban đầu của viêm gan virút thường không đặc hiệu. Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau hạ sườn phải. Triệu chứng này kéo dài 3 - 10 ngày, sau đó xuất hiện nước tiểu vàng sẫm và vàng mắt. Một số bệnh nhân có triệu chứng giả cúm: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ hoặc phát ban, đau khớp.
Thời kỳ toàn phát : Bệnh nhân xuất hiện vàng mắt. Thăm khám thấy củng mạc mắt vàng, vàng niêm mạc dưới lưỡi. Nước tiểu sẫm màu, số lượng giảm. Khi hoàng đảm xuất hiện bệnh nhân thấy có cảm giác muốn ăn, triệu chứng mệt mỏi, uể oải vẫn còn và kéo dài. Một số trường hợp có thể dẫn đến viêm gan nặng và hôn mê gan trong vòng vài ngày và vài tuần. Thông thường giai đoạn này kéo dài trong vòng 1 tháng, sau đó các triệu chứng giảm dần và bệnh nhân xuất hiện cơn đái nhiều, bệnh thuyên giảm.
Thời kỳ hồi phục: Trong thời kỳ này các triệu chứng giảm dần. Dấu hiệu hoàng đảm giảm, bệnh nhân cảm giác ăn ngon, nước tiểu trong.
3. ĐIỀU TRỊ :
- Viêm gan cấp: Viêm gan virút cấp do tất cả các loại virút viêm gan gây nên không có điều trị đặc hiệu. Người bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, tránh làm việc quá sức và dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
- Viêm gan mạn: Việc điều trị nhằm bình thường hóa men gan; Cải thiện mô học của tế bào gan; Hạn chế quá trình dẫn đến xơ gan và ung thư gan; Ức chế sự nhân lên của vi rút tiến tới loại bỏ vị rút ra khỏi cơ thể người bệnh.
4. PHÒNG BỆNH:
Với virút viêm gan A: Tiêm phòng vắc xin có khả năng phòng tới 80 - 90%. Hiện nay, vacxin viêm gan A đã phát triển và có khả năng phòng bệnh cao tới 99% ở người lớn. Ngoài ra, mọi người cũng cần thực hiện vệ sinh ăn uống, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt.
Với virút viêm gan E: Hiện nay chưa có vacxin phòng virút viêm gan E. Do đó, vệ sinh ăn uống là biện pháp cần thiết nhất.
Với vi rút viêm gan B và viêm gan D:
- Tiêm phòng vacxin: Vacxin viêm gan B, hiện nay người ta đã sản xuất được vacxin viêm gan B theo phương pháp tái tổ hợp cho phép đạt hiệu quả bảo vệ và tính an toàn cao. Cần tiêm phòng cho tất cả các trường hợp nếu có thể.
Tuy nhiên, cần chú ý các trường hợp: Trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg (+), nhất là có HBeAg (+) thì cần tiêm vacxin viêm gan B và cần phải tiêm g globulin miễn dịch trong vòng 24 giờ sau sinh.
Cán bộ y tế. Người thường xuyên tiếp xúc với người bị nhiễm viêm gan B. Bệnh nhân suy thận có nguy cơ phải chạy thận nhân tạo.
- Kiểm tra máu và chế phẩm máu trước khi sử dụng.
- Dùng kim bơm tiêm một lần.
- Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục với người mang HbsAg( Kháng nguyên bề mặt của vi rút viêm gan B)
Với virút viêm gan C: Hiện nay chưa có vacxin vì vậy để phòng tránh cần kiểm tra máu và chế phẩm máu trước khi sử dụng; Dùng bơm kim tiêm một lần; Không chích ma tuý.
Bs. Nguyễn Xuân Bảo – Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh