Hà Tĩnh nỗ lực đẩy lùi bệnh lao
Việt Nam hiện vẫn là nước đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Lao là bệnh truyền nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng đối với thể chất, tinh thần, kinh tế của người bệnh mà còn là mối nguy hiểm của cộng đồng. Vì vậy, thời gian qua Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cùng các đơn vị tuyến cơ sở không ngừng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện, điều trị cho người bệnh lao; triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống lao trên toàn tỉnh.
Đầu năm 2024, bệnh nhân Hoàng Trung H, 54 tuổi, trú tại tổ dân phố Hồng Hải, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh cảm thấy mệt mỏi, ho kéo dài có đờm nhiều, sốt về chiều và đổ mồ hôi. Khi đến cơ sở y tế thăm khám thì bị chẩn đoán mắc lao phổi. Bệnh nhân chia sẻ: “ Tôi được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tuân thủ điều trị và được các y, bác sĩ khoa Nội I- Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh hướng dẫn săn sóc tận tình, bệnh của tôi đã ổn định, cổ họng không còn đờm nhiều như trước”.
Ông Võ Nguyên Ng, 56 tuổi, trú tại Tổ 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà cho biết: “Tôi bị tức ngực, khó thở, mất giọng nói một thời gian dài vì bệnh lao. Sau một thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, sức khỏe ổn định được chuyển điều trị tại nhà. Hiện hàng tháng tôi đều đến Trung tâm y tế Thạch Hà để khám, kiểm tra và lấy thuốc theo đúng chỉ định. Tôi đã lấy lại giọng nói và cân nặng ổn định”.
Đây là 2 trong số hơn 700 bệnh nhân lao các thể trên địa bàn tỉnh hiện đang được quản lý, theo dõi, điều trị hiệu quả.
Bác sĩ CKI Trương Nhất Tâm- Trưởng khoa Truyền nhiễm kiêm Tổ trưởng Tổ chống Lao, TTYT Thạch Hà chia sẻ: “Năm 2023 huyện Thạch Hà có 15 bệnh nhân mắc lao các thể. Các bệnh nhân sau khi điều trị tại bệnh viện Phổi đã được chuyển về quản lý, điều trị tại địa phương trong vòng 6 tháng. Tại đây, cán bộ y tế thực hiện khám, hướng dẫn việc dùng thuốc, giám sát việc dùng thuốc tại nhà của bệnh nhân, thăm hỏi tình hình sức khoẻ và các triệu chứng khi uống thuốc, giải thích, động viên bệnh nhân điều trị đúng phác đồ. Nhờ vậy đa số bệnh nhân đều tuân thủ điều trị tốt, không có trường hợp nào bỏ trị”.
“Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Để thanh toán bệnh lao, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ là yếu tố then chốt. Bởi vậy, công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh, chủ động đi khám khi có các triệu chứng của bệnh nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng một vai trò rất quan trọng. Đáng mừng là những năm gần đây nhờ được tuyên truyền nên nhiều bệnh nhân tại Hà Tĩnh khi thấy biểu hiện khác thường đều đi khám, phát hiện điều trị kịp thời nên bệnh không tiến triển nặng”, bác sĩ CKI Dương Đình Đồng-Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh chia sẻ.
Là bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tuyến tỉnh, bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã và đang thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu để nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt là cơ sở duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện được Xét nghiệm Gene Xpert để chẩn đoán lao nhanh, đồng thời có thể xác định tình trạng kháng thuốc. Cuối 2023, bệnh viện đưa vào thực hiện xét nghiệm Gene Xpert Ultra với mẫu bệnh phẩm là dịch tỵ hầu, phân nhằm phát hiện sớm lao trẻ em. Với sự hỗ trợ của nguồn Quỹ toàn cầu, bệnh viện đã được cấp 01 hệ thống xe chụp X-quang kỹ thuật số lưu động, góp phần chủ động triển khai các hoạt động khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao tuyến dưới.
“Cùng với chăm sóc, điều trị cho người bệnh, Bệnh viện chúng tôi còn gánh vác trọng trách thực hiện Chương trình phòng, chống lao trên phạm vi toàn tỉnh. Để thực hiện thành công các mục tiêu duy trì tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao trên 90%, duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc dưới 3% đối với các trường hợp nhiễm lao mới, chúng tôi đã tăng cường hoạt động phối hợp lao – HIV, hoạt động y tế công tư trong phòng, chống lao; triển khai việc giám sát hỗ trợ mạng lưới y tế cơ sở; cung ứng kịp thời thuốc và vật tư chương trình chống lao cho các đơn vị y tế”, Bác sĩ CK II Nguyễn Đức Quảng- Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cho biết.
Đến nay, hoạt động phòng chống lao tại Hà Tĩnh đã được triển khai tích cực trên toàn tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh thu dung và điều trị 723 bệnh nhân lao các thể, tương đương 54/100 000 dân; tỷ lệ điều trị thành công là 98,6%; tỷ lệ được xét nghiệm HIV đạt trên 90%, tỷ lệ bệnh nhân lao tử vong cũng rất thấp 0,4%. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân mới dưới 5%. Các chỉ số trên đạt chỉ tiêu CTCLQG đề ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống lao toàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn khi sự phối hợp thực hiện hoạt động của một số đơn vị tuyến dưới chưa thực sự hiệu quả, việc tập huấn triển khai khám chữa bệnh để phát hiện sớm bệnh lao chưa được triển khai…
“Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”- Chủ đề của Việt Nam hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao (24/3/2024) một lần nữa khẳng định nỗ lực quyết tâm ở mức cao nhất của Việt Nam cũng như của ngành y tế Hà Tĩnh để thực hiện tốt nhất sứ mệnh phòng chống lao được giao. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống lao, ngành y tế rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong đầu tư nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, máy móc chuyên sâu, chất lượng; trong phối hợp phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh lao, qua đó thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Phòng chống lao quốc gia.
Đoàn Loan