Tăng cường công tác giám sát, báo cáo phản ứng sau tiêm chủng
Sở Y tế Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa trong tỉnh về việc tăng cường công tác giám sát, báo cáo phản ứng sau tiêm chủng.
Theo Sở Y tế, việc sử dụng vắc xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất. Hiện nay đã có khoảng 30 loại bệnh truyền nhiễm có thể phòng bệnh bằng vắc xin. Các vắc xin dùng trong tiêm chủng được phép lưu hành tại Việt Nam đều đạt yêu cầu về tính an toàn và công hiệu. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng vắc xin vẫn có thể xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Việc giám sát phản ứng sau tiêm chủng để phát hiện sớm và xử trí các tai biến xảy ra sẽ góp phần làm giảm diễn biến nặng các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, giúp cho người dân yên tâm và tin tưởng vào việc tiêm chủng phòng bệnh.
Để tăng cường công tác an toàn tiêm chủng và giám sát các phản ứng sau tiêm chủng, Sở Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh tư vấn đầy đủ cho gia đình hoặc người được tiêm chủng tác dụng, lợi ích và những rủi ro gặp phải khi tiêm chủng. Thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm chủng để phân nhóm đối tượng tiêm chủng theo hướng dẫn Quyết định số 1575/QĐ-BYT ngày 27/3/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết khác để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng theo quy định tại Thông tư số 51/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế. Theo dõi, giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng thường xuyên, liên tục trong quá trình tiêm chủng. Trường hợp ghi nhận tai biến nặng sau tiêm chủng cần báo cáo đột xuất theo mẫu quy định của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn phụ trách bảo đảm an toàn theo các Thông tư hướng dẫn về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế. Kiểm tra, giám sát các hoạt động tiêm chủng trên địa bàn quản lý (bao gồm các cơ sở tiêm chủng dịch vụ). Tổng hợp, báo cáo về công tác tiêm chủng trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân hiểu biết về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, các tác dụng phụ có thể gặp và cách theo dõi sau tiêm cho trẻ…
Các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế có giường bệnh triển khai tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh (phòng Viêm gan B) và BCG (phòng bệnh Lao) trong vòng 24h sau sinh, đảm bảo an toàn, đúng quy định. Củng cố/kiện toàn đội cấp cứu nội viện và ngoại viện, đảm bảo ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động phụ trách 3 - 4 điểm tiêm chủng; kích hoạt hệ thống báo động đỏ, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra trong tiêm chủng. Khi tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời gian tiếp nhận người bị tai biến. Phối hợp điều tra, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng theo quy định của Thông tư số 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tham gia công tác giám sát phát hiện sớm, điều tra phản ứng sau tiêm chủng và có phương án xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục về các lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh và những rủi ro có thể gặp phải để người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng. Báo cáo các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng theo mẫu quy định của Bộ Y tế.
Thu Hòa