Chống cúm gia cầm: Giám sát chặt các ca mắc viêm phổi nặng nghi do vi rút
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong những tuần gần đây Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người. Ghi nhận mắc cúm A(H5N1) trên gia cầm tại Lào, cúm A(H5N6) trên gia cầm tại Philippine.
Tại Việt Nam ghi nhận ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Bạc Liêu. Các chủng vi rút cúm gia cầm như cúm A(H7N9), cúm A(H5N2), cúm A(H5N8) chưa có ở Việt Nam nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Mặc dù, hiện nay không ghi nhận các trường hợp mắc cúm gia cầm ở người, nhưng luôn có nguy cơ cao lây lan từ gia cầm sang người nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, ngày 06/9/2017 Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số 1062/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương chỉ đạo triển khai đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ảnh minh họa.
Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm.
Phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra việc nhập khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu qua biên giới nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường các hoạt động quản lý buôn bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong.
Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống khi có dịch xảy ra.
Tăng cường tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại địa phương.
Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và việc khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Theo: Báo SKĐS