Phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Vào mùa hè, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vậy cần làm gì để chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng?
Những thói quen gây ngộ độc thực phẩm
Trong khâu bảo quản, chế biến thực phẩm hàng ngày có nhiều thói quen chúng ta vẫn hay mắc phải gây ra ngộ độc thực phẩm. Một số thói quen đó là:
- Bảo quản thực phẩm không đúng cách, để thực phẩm quá lâu ngoài không khí.
- Chế biến, nấu đi nấu lại nhiều lần đồ ăn đặc biệt là những đồ ăn chế biến sẵn (giò, chả, đồ ăn nhiều gia vị…)
- Ăn đồ ăn đã hết hạn sử dụng hoặc sử dụng đồ ăn đã có dấu hiệu hư hỏng như chảy nước, nấm mốc, màu sắc biến đổi…
Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ an toàn, còn hạn sử dụng, không bị ôi thiu hay biến đổi về chất lượng… người dân cần lưu ý cách chế biến và bảo quản thực phẩm.
Dưới đây là một số lưu ý để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:
- Ăn chín uống sôi: Đồ ăn phải được nấu chin, chỉ nên ăn ở những nơi đảm bảo được vệ sinh, tránh những nơi bụi bẩn, ẩm thấp, không sạch sẽ.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách: Thực phẩm cần được bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ phù hợp với thời gian cho phép. Vào mùa hè, không nên để thực phẩm ở ngoài quá 1 giờ, và nếu thời tiết mát mẻ không nên để quá 2 giờ tránh để thực phẩm bị ôi thiu, hư hỏng.
- Khi chế biến thức ăn cần phải vệ sinh tay sạch sẽ trước, trong và sau khi tiếp xúc với thực phẩm để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống. Người dân cần rửa, làm sạch nguyên liệu trước khi nấu. Ngoài ra cần vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ dùng để nấu ăn bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm.
Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý không nên chọn các loại thực phẩm có dấu hiệu bất thường dễ gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm như: các loại nấm lạ, nấm rừng, cá nóc, khoai tây mọc mầm…
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Khi cơ thể nạp vào các thực phẩm đồ ăn, thức uống bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, thực phẩm chứa quá liều lượng phụ gia… sẽ bị trúng độc, ngộ độc. Một số trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể tự hồi phục lại bình thường sau vài ngày. Tuy nhiên những trường hợp nặng có thể dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí là tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Tùy vào nguyên nhân gây ngộ độc người bệnh sẽ có những dấu hiệu khác nhau và có những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý khác hoặc người bệnh dễ bỏ qua. Thông thường sau khi tiêu thụ thực phẩm vài giờ hoặc muộn trong vài ngày, người bệnh sẽ có các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như:
- Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật gây ra: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mất nước (khô môi, khát) hoặc nhiễm trùng (sốt, vã mồ hôi liên tục)
- Ngộ độc thực phẩm do đồ ăn thức uống nhiễm hóa chất: Các biểu hiện phức tạp ở cả hệ tiêu hóa và các cơ quan khác khiến người bệnh đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, trụy mạch…
- Ngộ độc do thực phẩm chức các độc tố tự nhiên: Thường gặp ở các trường hợp ăn cá nóc, sắn, cóc, măng… nếu không sơ chế và chế biến đúng cách sẽ gây ra các triệu chứng bất thường.
Do vậy, sau khi ăn đồ ăn, thức uống và cơ thể xuất hiện các bất thường dưới đây, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời:
- Hệ tiêu hóa: Có máu và chất nhầy lẫn trong phân. Ngoài đau bụng dữ dội, người bệnh còn đau ở các vị trí như họng, cổ, ngực…
- Tim mạch: Có dấu hiệu tụt huyết áp, khó thở, đau ngực, rối loạn nhịp tim…
- Thần kinh: Có biểu hiện nhìn mờ, nhìn đôi, khó nói hoặc nói ngọng, co giật, liệt cơ, đau đầu…
Với những người có sức đề kháng giảm như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền, người dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch như xương khớp, ung thư, dị ứng… sẽ có những biểu hiện nghiêm trọng hơn.