Nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá cho người dân
Trong những năm qua, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm từ 13 đến 17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019; ở nhóm 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (2014) xuống còn 1,9% (2022). Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh, thành phố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 38,9% (năm 2023).
Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Tĩnh do ông Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Cà Mau.
Với việc thực thi các giải pháp bảo đảm môi trường không khói thuốc mà tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỉ lệ hút thuốc lá làm giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm chi phí điều trị cho các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/ năm. Chi phí này lớn hơn rất nhiều so với kinh phí do Quỹ hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong toàn quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Thư ký chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá tại Hà Tĩnh cho biết: “ Tại Hà Tĩnh, cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn. Truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nâng cao năng lực về PCTH thuốc lá để tổ chức thực hiện môi trường không khói thuốc, tư vấn cai nghiện thuốc lá, giảng dạy về PCTH thuốc lá, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật PCTH thuốc lá. Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả...”
Tính đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được các mục tiêu chính: 100% lãnh đạo cơ quan và các đợn vi trực thuộc hiểu biết về quy định của Luật PCTH của thuốc lá; 100% cán bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 100% cán bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra; 100% cán bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc hiểu biết về quy định của luật PCTH của thuốc lá; 100% lãnh đạo tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương hiểu biết về quy định của Luật PCTH của thuốc lá; 97% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 96% người dân tại cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra; 70% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTH của thuốc lá; tổ chức 80 buổi truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về PCTH thuốc lá; 100% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc trong nhà; 255 trường mẫu giáo thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 221 trường tiểu học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 147 trường trung học cơ sở thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 45 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 65 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khu vực trong nhà của nhà hàng; 4 trường cao đẳng và đại học trong thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các đại biểu là cán bộ, công chức làm công tác tuyên truyền của phòng văn hóa và thông tin, trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thông cấp huyện, công chức văn hóa – xã hội các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, qua triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nhân lực cho công tác triển khai thực hiện Luật PCTH của thuốc lá tại một số đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa thực sự hiệu quả. Cán bộ làm công tác PCTHTL chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu cán bộ có trình độ chuyên sâu về PCTH của thuốc lá. Thái độ và nhận thức về tác hại của thuốc lá của một bộ phận người dân còn hạn chế. Việc thực thi cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng (bến tàu, bến xe…) còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện quy định cấm hút thuốc lá còn mỏng. Quy định xử phạt các vi phạm liên quan đến PCTH của thuốc lá mới dừng lại ở việc nhắc nhở, việc thực hiện xử phạt hành chính gặp rất nhiều khó khăn. Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bày bán ở khắp mọi nơi. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha); đặc biệt tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng trong nhóm trẻ. Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện quy định cấm hút thuốc lá còn mỏng. Công tác tư vấn cai nghiện chủ yếu được lồng ghép trong hoạt động khám chữa bệnh, chưa có cơ sở chuyên sâu tư vấn cai nghiện thuốc lá....
Vì vậy, để công tác phòng chống tác hại thuốc lá đạt hiệu quả, cần rất nhiều sự nỗ lực của các ngành chức năng và sự tự giác của người dân trong thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Thanh Loan