• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhân rộng mô hình quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp tại Trạm Y tế xã

Để giảm gánh nặng về bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh tăng huyết áp (THA) nói riêng, thời gian qua ngành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện Đề tài Nghiên cứu dịch tễ học bệnh THA và đề xuất mô hình quản lý bệnh nhân THA tại tỉnh Hà Tĩnh. Từ tháng 6/2016 đến nay, ngành Y tế đã triển khai thí điểm mô hình quản lý và điều trị bệnh THA tại 4 Trạm Y tế xã, phường:

Để giảm gánh nặng về bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh tăng huyết áp (THA) nói riêng, thời gian qua ngành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện Đề tài Nghiên cứu dịch tễ học bệnh THA và đề xuất mô hình quản lý bệnh nhân THA tại tỉnh Hà Tĩnh. Từ tháng 6/2016 đến nay, ngành Y tế đã triển khai thí điểm mô hình quản lý và điều trị bệnh THA tại 4 Trạm Y tế xã, phường: Thạch Quý (Thành Phố Hà Tĩnh), Hương Vĩnh (Hương Khê), Kỳ Ninh (Thị xã Kỳ Anh), Trung Lễ (Đức Thọ). Sau gần 2 năm triển khai mô hình điểm về quản lý, điều trị THA tại Trạm y tế đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân.

Cán bộ TYT xã Hương Vĩnh, Hương Khê cấp thuốc chữa bệnh tăng huyết áp cho bệnh nhân

Bệnh nhân Nguyễn Thị Danh, 53 tuổi, thôn Vĩnh Giang, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê chia sẻ: "cách đây 6 năm, qua lần khám tại Trạm Y tế thì phát hiện bản thân bị bệnh THA, được bác sĩ tư vấn đi bệnh viện khám và lấy thuốc uống, nhưng vì lý do công việc và đường đi xa, những ngày thời tiết bình thường thì không sao, nhưng khi trời mưa lạnh hay nắng to thì tôi không đi khám bệnh theo lịch hẹn của bác sĩ được. Từ khi có mô hình quản lý, điều trị bệnh THA tại Trạm Y tế, tôi thấy rất thuận lợi, nhiều lúc quên chưa đến khám thì được bác sĩ điện thoại nhắc nhở. Được theo dõi, uống thuốc đều nên huyết áp ổn định, sức khỏe có khá hơn".

Còn theo bệnh nhân Đặng Thị Tình, 62 tuổi, tổ dân phố 9, phường Thạch Quý, Thành phố Hà Tĩnh: "tôi ít khi đi khám, đặc biệt là ít kiểm tra huyết áp nên không biết tình trạng huyết áp cao, cách đây 3 năm tôi bị nhập viện cấp cứu do huyết áp tăng đột ngột 222. Sau lần đó tôi nhập sổ điều trị tại Đơn vị tư vấn khám chữa bệnh ngoại trú tiểu đường và tăng huyết áp tại Bệnh viện Thành phố Hà Tĩnh. Nhưng ở đây bệnh nhân đông nên mỗi lần đến lịch hẹn khám của bác sĩ, tôi phải dậy sớm rất vất vả. Từ khi Trạm Y tế triển khai Mô hình quản lý và điều trị THA, theo sổ hẹn của bác sĩ, tháng nào tôi cũng ra tái khám và được cấp thuốc. Các bác sĩ ở đây khám và tư vấn rất tận tình, thậm chí nắm rõ được thói quen, sở thích của tôi rồi khuyên nên ăn gì, nên kiêng gì để sức khỏe không bị ảnh hưởng. Thích nhất là gần nhà, tôi tự đi bộ được không phiền hà đến con cháu".

Bác sĩ Trạm Y tê phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân

Trước khi triển khai mô hình điểm về quản lý, điều trị THA tại 4 Trạm y tế xã, phường, ngành Y tế đã chỉ đạo các Trạm y tế xã, phường tổ chức khám sàng lọc THA cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Kết quả đã khám sàng lọc được 5.829 người, phát hiện 1.172 người THA, đưa vào quản lý và điều trị tại Trạm Y tế và Bệnh viện 486 người THA. Theo bác sĩ Trần Hậu Cư, Trưởng Trạm Y tế Phường Thạch Quý: Mô hình điều trị và quản lý bệnh nhân THA tại Trạm Y tế mặc dù mới được triển khai nhưng đã đem lại nhiều lợi ích đó là: người dân được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, phòng ngừa được các biến chứng do tăng huyết áp; được khám, tư vấn, chăm sóc điều trị gần nhà, tiết kiệm được thời gian, kinh phí cho bệnh nhân; được cán bộ y tế quan tâm, nhắc nhở lịch khám và nếu bệnh nhân ốm không đến Trạm Y tế được thì Trạm Y tế cử cán bộ đến nhà khám, tư vấn và cấp thuốc THA cho bệnh nhân. Đến nay, Trạm chúng tôi quản lý và điều trị cho gần 100 bệnh nhân THA.

Bác sĩ Phan Trường Sơn, Trưởng Trạm Y tế xã Hương Vĩnh cho biết: Hương Vĩnh là xã cách xa trung tâm huyện 8km, phần đa người cao tuổi trong xã bị THA, do đó việc theo dõi, quản lý, tuân thủ điều trị gặp nhiều khó khăn, tình trạng bệnh tim mạch nguyên nhân do THA ngày càng gia tăng. Sau khi mô hình này về tại trạm, chúng tôi có điều kiện để theo dõi, chăm sóc cho bệnh nhân và hầu hết bệnh nhân cũng rất đồng tình, phấn khởi. Hiện tại trạm đang quản lý và điều trị cho 139 bệnh nhân THA.

và tư vấn hướng dẫn cách dùng thuốc và chế độ ăn uống cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Chiến, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế: Mục tiêu của mô hình này là xác định tỷ lệ THA ở người từ 18 tuổi trở lên và các yếu tố liên quan THA trên địa bàn; tìm hiểu kiến thức và thực hành của người dân về phòng chống bệnh THA; đưa vào quản lý và điều trị bệnh THA nhằm hạn chế những biến chứng. Vì thế sau khi khám sàng lọc, xác định được những bệnh nhân THA, nếu không có biến chứng, không có bệnh khác kèm theo, huyết áp độ I, II thì hướng dẫn bệnh nhân quản lý và điều trị tại Trạm Y tế. Nhưng nếu bệnh nhân THA nặng có biến chứng và bệnh khác kèm theo thì hướng dẫn bệnh nhân nhập viện điều trị. Sau khi bệnh nhân ổn định, huyết áp độ I, II thì bệnh viện giới thiệu bệnh nhân về Trạm Y tế xã quản lý và điều trị. Đối với Trạm Y tế thực hiện mô hình quản lý và điều trị bệnh nhân THA phải phối hợp với Bệnh viện huyện để lấy thuốc và phát thuốc cho bệnh nhân THA theo phác đồ của Bộ Y tế; tư vấn chế độ ăn uống, lao động, rèn luyện; khám, cấp thuốc định kỳ nhằm kiểm soát chỉ số huyết áp; nếu bệnh không giảm thì chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên khám.

Bác sĩ Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Ngành Y tế đã và đang hướng đến dự phòng các bệnh tật tại cộng đồng, nhất là nhóm bệnh không lây nhiễm. Trong số bệnh không lây nhiễm thì bệnh THA và tiểu đường đang là vấn đề nổi cộm. Trong khi đó các bệnh này có thể dự phòng được. Qua triển khai thí điểm mô hình quản lý và điều trị bệnh THA tại 4 Trạm Y tế xã, phường, chúng tôi thấy rất hiệu quả, do đó, thời gian tới ngành Y tế sẽ nhân rộng mô hình này tại các Trạm Y tế xã, phường khác, nhằm hạn chế nhóm bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, đặc biệt là bệnh THA.

Mô hình quản lý và điều trị bệnh THA tại Trạm Y tế xã, phường thời gian qua đã hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm tải cho tuyến trên; giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc; không phải tốn kém chi phí đi lại, vẫn tiếp tục lao động, dễ dàng tiếp cận dịch vụ và theo dõi thường xuyên. Vì thế, việc nhân rộng mô hình này là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân./.

Thanh Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 237
Tháng 05 : 24.097
Năm 2024 : 743.396
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.541.910