• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần trong giới trẻ

Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, số lượng bệnh nhân còn trẻ tuổi mắc chứng stress, trầm cảm, lo âu, thậm chí mắc bệnh rối loạn cảm xúc, tâm thần… đến khám, điều trị ngày càng gia tăng. Cũng theo thống kê của bệnh viện, trong các bệnh nhân trên, tỷ lệ bệnh nhân nam hút thuốc lá chiếm gần 100%, đặc biệt tỷ lệ nghiện hút thuốc lá tăng cao đối với bệnh nhân tái nhập viện điều trị từ đợt 2 trở lên.

Bệnh nhân N.Q.B ( thành phố Hà Tĩnh) đến tái khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện tâm thần Hà Tĩnh vì có các triệu chứng mất ngủ, buồn chán, lo lắng. Trước đó, bệnh nhân đã từng điều trị tại bệnh viện vì co thắt dạ dày, bồn chồn và thường xuyên đau đầu. Trong quá trình nhập viện điều trị , các bác sĩ tại đây nắm được thông tin người bệnh có hiện tượng nghiện hút thuốc lá khi mỗi ngày có thể hút hết 2 gói thuốc. Bệnh nhân B cho biết: “ Trước đây tôi cũng có hút thuốc lá nhưng đã cai được thuốc. Thời gian này mỗi khi khó ngủ, tôi lại thấy rất thèm hút thuốc, mỗi ngày chỉ vài điếu thôi, nhưng giờ tăng lên gần 2 gói mỗi ngày, không thể nào cai được thuốc lá”.

Không giống như bệnh nhân N.Q.B,  một bệnh nhân nam 17 tuổi, được mẹ đưa đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh khi thấy con chểnh mảng học hành, thường xuyên cáu gắt, không chịu nói chuyện với ai và có thói quen thường xuyên hút thuốc lá điện tử đã gần 2 năm nay. Qua thăm khám, các bác sĩ tại bệnh viện nhận định bệnh nhân này mắc những rối loạn tâm thần liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh thăm khám cho một bệnh nhân có dấu hiệu nghiện thuốc lá khi đang điều trị chứng bệnh trầm cảm

 

Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng khoa Khám bệnh - cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh; Trầm cảm là một dạng bệnh ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Nguyên nhân gây bệnh có thể do áp lực công việc, trở ngại trong các mối quan hệ…Ngoài ra, một thủ phạm giấu mặt làm tăng khả năng trầm cảm chính là thuốc lá. Thuốc lá từ lâu đã được coi là một trong những yếu tố gây trầm cảm, người có khuynh hướng mắc bệnh trầm cảm thường có thói quen hút thuốc lá nhiều hơn những người bình thường. Theo thời gian, trầm cảm có thể tỉ lệ thuận với mức gia tăng hút thuốc. Ngoài ra, thuốc lá thường được cho là có thể tạo kích thích và chống trầm cảm ngắn hạn nên nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm thường thích hút thuốc lá. Chất nicotin trong thuốc lá mặc dù có thể tạo ra khoái cảm tức thời, nhưng lại gây tổn thương lâu dài, làm ảnh hưởng đến khả năng sản sinh ra các “hoóc-môn vui vẻ” của đại não. Chính vì vậy, riêng tại Khoa cấp tính nam- bệnh viện Tâm Thần Hà Tĩnh, gần 100% bệnh nhân nam đang điều trị tại đây đều có hút thuốc lá, số lượng người nghiện hút thuốc lá tăng cao ở những bệnh nhân phải điều trị chứng bệnh trầm cảm kéo dài.

Hiện nay, sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh ở thanh thiếu niên cả ở Việt Nam và trên thế giới. Theo một nghiên cứu tại Việt Nam năm 2020, có 8,35% học sinh học từ lớp 8 đến lớp 12 có sử dụng thuốc lá điện tử, tăng gấp 40 lần so với năm 2005. Thuốc lá điện tử được sử dụng thông qua một thiết bị chạy bằng pin làm nóng chất lỏng để tạo ra trạng thái khí-sương mù- khói, có thể hít vào tạo ra cảm giá bắt chước hút thuốc lá. Các chất lỏng có thể là hỗn hợp các dung môi khác nhau với thành phần chính phổ biến nhất là nicotin kèm theo các chất tạo hương vị. Các nhà khoa học đã chứng minh việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến giảm lòng tự trọng, làm gia tăng các triệu chứng lo âu và làm giảm khả năng thích nghi với stress. Những cảm xúc tiêu cực, ý nghĩ tự sát cũng đã được báo cáo trên những người sử dụng thuốc lá điện tử. Hút thuốc lá điện tử gia tăng các rối loạn hành vi như rối loạn tăng động - giảm chú ý; nghiện cờ bạc; các hành vi bốc đồng và xung động; các hành vi phạm pháp.

Cũng theo bác sĩ Mạnh, đối với lứa tuổi học sinh còn trên ghế nhà trường, bên cạnh những tác hại kể trên thì việc sử dụng thuốc lá điện tử còn kéo theo nhiều tác hại khác. Việc hút thuốc lá điện tử tác động trực tiếp và dài hạn đến khu vực não bộ, đặc biệt là khu vực vỏ não trước trán - khu vực phát triển mạnh ở thời kỳ học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các vùng não này xử lý quá trình nhận thức và cảm xúc, động lực, khả năng lập kế hoạch, sự tập trung chú ý. Chính vì vậy, các em học sinh có thói quen hút thuốc lá điện tử khi đến khám tại bệnh viện thường có biểu hiện giảm chú ý và tập trung, khả năng đưa ra quyết định kém, thay đổi tính cách và có nhiều hành động thất thường, suy giảm nghiêm trọng khả năng học tập.

Những tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh là vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, ngay từ bây giờ các phụ huynh hay bắt đầu những cuộc nói chuyện với con mình càng sớm càng tốt về vấn đề này. Hãy ngồi xuống và chia sẻ những điều mình biết về thuốc lá điện tử và những nguy hiểm đối với sức khỏe mà chúng gây ra; Hãy cho con của mình biết là chúng ta hiểu những áp lực của trẻ phải đối mặt và lắng nghe chúng, không phán xét. Nếu con của bạn đã nghiện nicotin/ thuốc lá điện tử, hãy đưa con đến các bác sỹ chuyên điều trị về sức khỏe tâm thần để được giúp đỡ trong thời gian sớm nhất.

         Đoàn Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.812
Tháng 04 : 195.100
Năm 2024 : 692.319
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.490.833