• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thuốc trị rối loạn lưỡng cực: Dùng thế nào mới có hiệu quả?

Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn tâm thần bao gồm các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm xuất hiện xen kẽ nhau trên cùng một bệnh nhân, giữa các giai đoạn bệnh nhân bình phục gần như hoàn toàn. Trong quá trình dùng thuốc trị bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ các nguyên tắc dùng thuốc để đạt hiệu quả điều trị.

Các đặc điểm của bệnh rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực gặp phổ biến ở cả nam và nữ với tỷ lệ suốt cuộc đời là 1% dân số.

Trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân vui vẻ quá mức, nói rất nhanh, rất nhiều, tăng tự tin và tự cao cho mình giàu sang, tài giỏi. Bệnh nhân hoạt động rất nhiều, ngủ rất ít (chỉ 1-2 giờ mỗi ngày) nhưng không hề mệt mỏi, họ tuy chú ý kém, nhưng trí nhớ lại rất tốt. Những người này thường tiêu rất nhiều tiền, đầu tư vào các công việc mà họ không hiểu biết nên dẫn đến thiệt hại về tài chính ghê gớm. Các trường hợp nặng, bệnh nhân còn cho rằng có một người nào đó (đã chết) nhập vào mình. Giai đoạn hưng cảm thường kéo dài trung bình 3 tháng rồi tự hết, bệnh nhân bình phục hoàn toàn nên cho rằng bệnh của mình đã khỏi.

Khoảng thời gian ổn định của bệnh nhân thường kéo dài trên, dưới 1 năm rồi bệnh nhân lại tái phát, thường là có giai đoạn trầm cảm.

Trong giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân buồn, bi quan, chán nản quá mức, họ mất hết các hứng thú và sở thích cũ; bị mất ngủ nặng (thời lượng ngủ ngắn, giấc ngủ nông và đầy mộng mị) và tỏ ra rất mệt mỏi (nhất và vào buổi sáng); chán ăn, ăn ít nên sút cân nhiều (có thể đến vài kg trong 1 tháng); luôn lo lắng quá mức, cho mình bị bệnh nặng không thể chữa được; suy nghĩ rất chậm chạp, mất khả năng lao động và luôn cho rằng mình nên chết đi thì mọi người sẽ tốt hơn.

Giai đoạn trầm cảm thường kéo dài khoảng 9 tháng rồi tự hết, bệnh nhân lại hồi phục gần như hoàn toàn. Thời gian ổn định của bệnh nhân kéo dài khoảng 1 năm, sau đó bệnh nhân lại tái phát (thường tái phát giai đoạn hưng cảm). Các quãng thời gian hưng cảm, ổn định, trầm cảm, ổn định, hưng cảm… kế tiếp nhau, kéo dài suốt đời. Do vậy, bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực cũng sẽ phải điều trị củng cố bằng thuốc suốt đời.

Bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Dùng thuốc như thế nào?

Để điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, dùng thuốc chỉnh khí sắc (valproate natri) và thuốc an thần mới (olanzapine, quatiapine), áp dụng cho tất cả các giai đoạn của bệnh (hưng cảm, trầm cảm, ổn định).

Thuốc chỉnh khí sắc và thuốc an thần mới đều có tác dụng cắt cơn hưng cảm hoặc trầm cảm và chống tái phát. Khi phối hợp hai loại thuốc này với nhau thì hiệu quả điều trị sẽ tăng lên so với dùng đơn độc một thuốc. Bệnh nhân sẽ chóng cắt cơn hưng cảm (hoặc trầm cảm) và đẩy lùi nguy cơ tái phát bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý mấy vấn đề sau: Phải uống thuốc đủ liều, thường xuyên và kéo dài suốt đời; các biện pháp điều trị khác không thay thế được thuốc; thuốc an thần kinh mới và chỉnh khí sắc cũng có một số tác dụng phụ nhất định, vì vậy cần phải thông báo cho bác sĩ biết các dấu hiệu bất thường. Ví dụ:

Thuốc chỉnh khí sắc có thể gây dị ứng, tăng men gan, ảnh hưởng đến thai nhi (nhất là 3 tháng đầu thai kì), rụng tóc, tăng cân…

Thuốc an thần gây ăn ngon miệng, ăn nhiều, tăng cân, tăng đường huyết, ngủ nhiều.

Với các trường hợp dị ứng thuốc, tăng men gan, có thai… nên ngừng và thay thuốc chỉnh khí sắc bằng thuốc khác, cùng loại.

Còn với trường hợp ăn nhiều, tăng cân thì bệnh nhân nên đi bộ, ăn thức ăn nghèo năng lượng…

Với trường hợp bệnh nhân ngủ nhiều thì có thể uống cà phê, nước chè vào buổi sáng.

Do bệnh nhân phải uống thuốc điều trị củng cố suốt đời nên người nhà bệnh nhân phải thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân việc uống thuốc, nhất là khi bệnh đã ổn định được một thời gian dài. Khi đó, họ thường cho rằng bệnh của mình đã khỏi hẳn nên không cần uống thuốc nữa.

Khi uống thuốc dài ngày, cơ thể sẽ “quen” dần với thuốc, vì vậy liều thuốc chỉ có thể giữ nguyên hoặc tăng lên, chứ không thể giảm xuống được. Do vậy, bênh nhân không được phép tự ý giảm liều khi thấy bệnh đã ổn. Gia đình bệnh nhân cần kiểm tra thường xuyên xem bệnh nhân có uống thuốc đầy đủ hay không.

Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn tâm thần, bệnh nhân có thể ổn định hoàn toàn trong nhiều năm khi chịu khó uống thuốc củng cố hàng ngày theo đơn của bác sĩ. Bệnh nhân hãy chấp nhận việc uống thuốc suốt đời cũng giống như các bệnh mạn tính khác (tăng huyết áp, đái tháo đường).


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.767
Tháng 07 : 17.964
Năm 2024 : 1.157.271
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.955.785