• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cần siết chặt quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ liên quan thuốc lá

Hiện nay các quy định liên quan quảng cáo, khuyến mại, tài trợ liên quan thuốc lá tại nước ta khá đầy đủ, như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; Luật Quảng cáo quy định: “Cấm quảng cáo thuốc lá”; Luật Thương mại quy định: Cấm khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá để khuyến mại dưới mọi hình thức;  Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ cũng có quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo.

Trong thực tế hiện nay, qua báo cáo của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố cho thấy không còn hiện tượng quảng cáo sản phẩm thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên việc vi phạm quảng cáo, khuyến mãi tại điểm bán còn xảy ra khá phổ biến.

Quảng cáo thuốc lá điện tử công khai trên các trang mạng xã hội

Các nghiên cứu về các hình thức vi phạm quy định cấm quảng cáo tại các điểm bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam do Trường đại học Y tế Công cộng thực hiện những năm gần đây cho thấy tỷ lệ vi phạm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá tại các điểm bán lẻ thuốc lá trên toàn quốc khá cao. 82,5% điểm bán vi phạm quy định về trưng bày quá 1 bao hoặc 1 tút, 1 hộp của 1 nhãn hiệu thuốc lá, trong đó cao nhất là các điểm bán lẻ thuốc lá ở thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với hơn 90%. Vẫn còn hiện tượng công ty thuốc lá tài trợ cho các hoạt động nhân đạo và một số các cơ quan báo chí vẫn đưa tin, đưa bài về hoạt động tài trợ, nhân đạo của công ty thuốc lá nhằm mục đích quảng cáo.

Theo báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), hiện tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 38,9% (năm 2023). Riêng nhóm tuổi từ 13-17 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm 50%, từ 5,36% (năm 2013) xuống còn 2,78% (năm 2019); tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nhóm tuổi từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% xuống 1,9%... Kết quả này bảo đảm hiệu quả bền vững của hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, thư ký chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá tại Hà Tĩnh cho biết:Kinh nghiệm của các nước cho thấy vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nên phòng, chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài, cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả, ... với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và tiết kiệm chi phí điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra. Tuy nhiên, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ (thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, bán hàng qua mạng xã hội, sử dụng nhiều hương vị, thiết kế sành điệu, bắt mắt...) đã khiến trẻ em bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.

Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2 đến 3,5 lần so những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Đáng chú ý, Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so nam giới. Tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới trẻ hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu tăng từ 1,1% năm 2015 lên 1,7% năm 2020. Theo báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nữ giới tuổi 11-18, là 4,3% năm 2023.

Từ thực tế đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Bên cạnh xử lý nghiêm các vi phạm liên quan quảng cáo, khuyến mại, tài trợ liên quan thuốc lá đã có trong các quy định của pháp luật cũng cần cập nhật những hình thức quảng cáo mới, "lách luật"... đang được áp dụng cho các dạng thuốc lá mới.

Thanh Nhàn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.294
Tháng 11 : 62.077
Năm 2024 : 2.643.579
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.442.093