• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Các phương pháp điều trị viêm tắc tuyến lệ

Viêm tắc tuyến lệ nếu không được điều trị kịp thời có thể làm cho mắt dễ bị kích ứng, có nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ và các bộ phận liên quan, ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tắc tuyến lệ xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hay toàn bộ, khi đó nước mắt bị ứ đọng, chảy tràn ra ngoài mi mắt mà dân gian gọi là "chảy nước mắt sống". 

Về nguyên tắc điều trị viêm tắc tuyến lệ (tắc lệ đạo) bao gồm: Tái tạo sự lưu thông nước mắt, phòng chống tình trạng nhiễm khuẩn và khắc phục những hậu quả do quá trình ứ đọng nước mắt, viêm nhiễm kéo dài hoặc do các biến chứng gây ra.

Sau dây là những phương pháp được sử dụng để điều trị viêm tắc tuyến lệ:

1. Thuốc nhỏ mắt tại chỗ và đường toàn thân

1.1. Nước muối sinh lý 0,9%

Tác dụng: Nước muối sinh lý giúp vệ sinh mắt sạch sẽ, rửa trôi ghèn (gỉ mắt), bụi bặm, tránh nguy cơ phát triển các loại vi sinh vật gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, nấm.

Các phương pháp điều trị viêm tắc tuyến lệ- Ảnh 2.

Tắc tuyến lệ xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hay toàn bộ.

1.2. Nước mắt nhân tạo

Tác dụng: Mặc dù viêm tắc lệ đạo gây hiện tượng ứ đọng nước mắt và chảy nước mắt sống. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp do quá trình viêm nhiễm kéo dài làm cho nước mắt giảm chất lượng. Vì vậy việc sử dụng nước mắt nhân tạo là cần thiết với mục đích hỗ trợ dinh dưỡng và bảo vệ bề mặt nhãn cầu. Một số loại nước mắt nhân tạo có thể được sử dụng rộng rãi như: Salein, refresh, hyaluaronat…

Lưu ý: Trong trường hợp nhiễm khuẩn và bệnh lý khác tại mắt thì phải có sự chỉ định của bác sĩ.

1.3. Thuốc kháng sinh nhỏ mắt

Tác dụng: Được sử dụng khi có tình trạng trùng như đổ ghèn nhiều, viêm kết giác mạc, viêm túi lệ và hệ thống lệ đạo.

Lưu ý: Thuốc kháng sinh được dùng theo chỉ định của bác sĩ, không tự tiện mua thuốc kháng sinh nhỏ mắt sẽ gây nhờn thuốc, kháng thuốc. Không dùng thuốc của người này nhỏ cho người khác, vì có thể gây lây nhiễm chéo. Kháng sinh nhỏ mắt có thể dùng dạng nước hoặc dạng mỡ.

Một số kháng sinh nhỏ mắt thông thường như: Tobramycin, oflovid, kháng sinh nhóm quinolone.

1.4. Thuốc kháng sinh toàn thân

Tác dụng: Chỉ sử dụng khi có tình trạng viêm nhiễm mạn tính hoặc cấp tính như áp xe túi lệ, viêm tổ chức hốc mắt, viêm mô tế bào, đe dọa nhiễn trùng lan tỏa đến các cơ quan lân cận hoặc nhiễm trùng huyết.

Lưu ý: Việc lựa chọn kháng sinh, liều lượng và đường dùng do bác sĩ quyết định.

Các phương pháp điều trị viêm tắc tuyến lệ- Ảnh 3.

Cần được thăm khám kịp thời để điều trị viêm tắc tuyến lệ, tránh biến chứng có thể xảy ra.

2. Dụng cụ đặc biệt dùng trong điều trị tắc tuyến lệ

2.1. Ống silicon tạo hình lệ quản

Ống silicon tạo hình lệ quản một sợi dây cấu tạo bằng silicon được sử dụng để luồn trong lòng hệ thống lệ đạo giúp dẫn lưu nước mắt. 

Dây silicon được chỉ định trong những trường hợp sau: Chấn thương đứt lệ quản, phẫu thuật tiếp khẩu túi lệ mũi theo đường mở da và đường nội soi, các phẫu thuật khác cần định hình lại hệ thống lưu thông của lệ đạo. Trung bình thời gian lưu ống silicon là 3 tháng.

2.2. Ống silicon nong lệ quản

Phương pháp này sử dụng các ống nhỏ silicone hoặc polyurethane để mở các tắc nghẽn do viêm hoặc mô sẹo và các nguyên nhân khác làm thu hẹp lòng lệ đạo. Bác sĩ sẽ luồn ống vào lệ đạo xuống tận ống lệ mũi, bơm hơi vào để phần bóng ở đầu ống phình ra nong chỗ hẹp, sau đó sẽ thổi phồng quả bóng nhỏ nhiều lần để giúp ống dẫn lệ được giãn ra.

Trong những trường hợp cung cấp các ống silicon còn hạn chế, những phẫu thuật viên có kinh nghiệm còn sử dụng các sợi chỉ nylon để thay thế với mục đích tương tự. Tuy nhiên hiệu quả của việc thay thế này chưa được nghiên cứu đầy đủ.

3. Các thủ thuật hỗ trợ lưu thông nước mắt

3.1. Mát-xa góc lệ

Mát-xa góc lệ là một thủ thuật khá đơn giản, có thể thực hiện bởi chính bệnh nhân (người lớn) hoặc cha mẹ, người chăm sóc (trẻ em). Kỹ thuật dùng một đầu ngón tay nhẹ nhàng day ấn vùng góc trong khóe mắt, sau đó vuốt thẳng dọc theo mũi xuống dưới. Mục đích giúp cho lệ đạo lưu thông được tốt hơn. 

Lưu ý không làm quá mạnh sẽ gây đau và làm tổn thương các thành bên trong. Cắt ngắn móng tay và rửa sạch tay trước khi thực hiện. Phương pháp này khá hiệu quả đối với viêm tắc lệ đạo sơ sinh mức độ nhẹ, còn đối với người lớn thì hiệu quả hạn chế hơn.

Thuốc kháng sinh được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Không tự tiện mua thuốc kháng sinh nhỏ mắt sẽ gây nhờn thuốc, kháng thuốc. Không dùng thuốc của người này nhỏ cho người khác, vì có thể gây lây nhiễm chéo.

3.2. Thủ thuật bơm rửa lệ đạo

Thủ thuật bơm rửa lệ đạo được thực hiện bởi bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa mắt. Người thực hiện sẽ dùng xi-lanh với kim cong hoặc kim thẳng bơm nước với áp lực mạnh vào hệ thống lệ đạo thông qua lỗ lệ để đẩy các chất làm bít tắc xuống mũi hoặc trào ngược ra lệ quản đối diện. Phương pháp này hiệu quả đối với các trường hợp mới bị viêm tắc hoặc viêm tắc chưa hoàn toàn (bán tắc).

3.3. Phương pháp thông lệ quản

Phương pháp thông lệ quản được thực hiện bởi bác sĩ hoặc điều dưỡng chuyên khoa mắt đã được đào tạo chuyên sâu. Sau khi nong điểm lệ người thực hiện sẽ dùng dụng cụ que nong đẩy dọc theo chiều đi của nước mắt qua túi lệ và ống lệ tỵ xuống tới ngách mũi. Sau đó bơm nước và bệnh nhân xác nhận khi nước đã xuống mũi. Thủ thuật này có thể thực hiện cho cả trẻ em và người lớn.

4. Các phương pháp phẫu thuật điều trị tắc tuyến lệ

Khi các can thiệp bằng thuốc và thủ thuật thất bại, bác sĩ sẽ xem xét, đánh giá vị trí và mức độ tắc nghẽn để chỉ định phương pháp can thiệp phẫu thuật phù hợp.

Các chỉ định phẫu thuật chính bao gồm:

- Trong trường hợp lỗ lệ bị chít hẹp nhưng hệ thống dẫn lưu nước mắt vẫn hoạt động tốt thì sẽ tiến hành mở rộng lỗ lệ để thu dung nước mắt.

- Trong trường hợp lòng lệ quản trên, lệ quản dưới, lệ quản chung bị chít hẹp, sẽ tiến hành cắt chỗ hẹp và tạo hình lại lệ quản bằng ống siliccon.

- Trong trường hợp chấn thương đứt lệ quản, phải phẫu thuật nối lại lệ quản đứt. Nếu việc chít hẹp do các nguyên nhân chèn ép từ bên ngoài như u, di lệch do chấn thương… thì phải phẫu thuật giải quyết nguyên nhân chèn ép từ bên ngoài.

- Đối với vị trí bị hẹp hoặc tắc ở ống lệ tỵ thì phải tiến hành phẫu thuật tiếp khẩu túi lệ mũi. Mục đích phẫu thuật này là tạo một đường lưu thông mới, dẫn nước mắt từ túi lệ đổ thẳng vào ngách mũi mà không đi qua ống lệ mũi. 

Có 2 phương pháp phẫu thuật tiếp khẩu là phẫu thuật mở qua da và phẫu thuật nội soi qua đường mũi. Để sự thông nối được ổn định, trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ đặt một ống silicon trong lòng hệ thống dẫn lưu để định hình đường thoát lưu mới.

Các phương pháp điều trị viêm tắc tuyến lệ- Ảnh 4.

Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp phẫu thuật điều trị tắc tuyến lệ phù hợp.

5. Lưu ý khi trị viêm tắc tuyến lệ 

Đối với viêm tắc tuyến lệ bẩm sinh:

- Không có biện pháp phòng ngừa viêm tắc tuyến lệ bẩm sinh.

- Khi trẻ sinh ra có dấu hiệu nghi ngờ như có ghèn, chảy nước mắt 1 hoặc 2 bên mắt, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định chẩn đoán và có hướng dẫn phù hợp.

- Không tự ý nhỏ sữa, nhỏ nước chanh vào mắt trẻ, có thể làm bệnh nặng thêm hoặc dẫn đến các biến chứng.

Đối với người lớn:

- Sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh mắt thường xuyên, tránh các bệnh lý viêm nhiễm tại mắt. Sử dụng các biện pháp an toàn trong lao động và sinh hoạt, tránh các chấn thương cho mắt, nhất là chấn thương trên đường lệ đạo. Không dùng các vật dụng để se lỗ ghèn, tạo cảm giác thư giãn khi đi mát xa, cắt tóc gội đầu, dễ gây viêm nhiễm mạn tính, làm chít hẹp lòng lệ quản.

- Khi bị các bệnh lý vùng mũi xoang như polyp, u bướu, viêm mũi xoang mạn cần điều trị bác sĩ chuyên khoa dứt điểm, tránh để bệnh tiến triển ảnh hưởng đến hệ thống lưu thông nước mắt.

- Khi bị các bệnh lý viêm nhiễm tại mắt cần đi khám và điều trị dứt điểm, không để tình trạng kéo dài, tự ý nhỏ thuốc của người khác, điều trị theo truyền miệng dân gian… có thể dẫn đến bệnh lý viêm tắc tuyến lệ.

- Khi phát hiện các dấu hiệu viêm tắc tuyến lệ như chảy nước mắt sống, chảy ghèn, mắt kèm nhèm, nước mắt có mùi hôi... cần đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng gây khó khăn cho quá trình điều trị sau này.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.548
Tháng 07 : 18.745
Năm 2024 : 1.158.052
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.956.566