Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo: Tiêm phòng vắc-xin, huyết thanh là biện pháp duy nhất trong chữa bệnh dại
Số trường hợp tử vong do bệnh dại trong cả nước đang ở mức cao với khoảng 100 người/năm. Tại Hà Tĩnh, từ năm 2013 đến nay đã có 9 trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn.
Bệnh dại là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương, do virus dại gây ra. Các trường hợp tử vong vì bệnh dại đều do không được tiêm vắc-xin, huyết thanh đầy đủ ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Bà Hồ Phúc Thị Bảy được cán bộ CDC Hà Tĩnh tiêm phòng dại mũi thứ 4.
Bà Hồ Phúc Thị Bảy, 72 tuổi, ở xóm Đình Hàn, xã Thạch Sơn (Thạch Hà) được người nhà đưa đến tiêm phòng dại mũi 4 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh.
Bà Bảy chia sẻ, ngày 10/9, khi đi qua nhà hàng xóm, bà không may bị chó đuổi cắn. Ngay sau đó, bà đã được rửa vết cắn bằng xà phòng cẩn thận. Tuy nhiên, để phòng bệnh dại, bà đã kịp thời đến Trung tâm để tiêm vắc-xin.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 50.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại. Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do bệnh dại cũng ghi nhận ở mức cao với khoảng 100 người/năm. Tại Hà Tĩnh, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn đã có 9 trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn. |
Virus dại xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn hoặc vết liếm trên da, niêm mạc đã bị tổn thương, vết thương hở (Ảnh Internet).
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2019, Hà Tĩnh có 2.050 người được tiêm vắc-xin phòng dại; năm 2020 là 1.985 người và trong 9 tháng đầu năm 2021 là 1.254 người.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: Virus dại thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Virus xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn hoặc vết liếm trên da, niêm mạc đã bị tổn thương, vết thương hở. Thời gian ủ bệnh có thể thay đổi từ 12 ngày đến 1 năm, nhưng thông thường từ 2 - 3 tháng, kể từ ngày bị virus xâm nhập.
Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài thường tùy thuộc vào vị trí vết cắn trên cơ thể và số lượng virus xâm nhập qua vết thương. Cần lưu ý là vết thương lớn, ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi… tức là càng gần khu vực thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Bệnh dại khởi phát với các triệu chứng ban đầu như: sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu... Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động, gió và nước. Ngoài ra bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp và tử vong.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung khuyến cáo: Khi bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là phải xử lý vết thương bằng việc rửa nước xà phòng đậm đặc. Nếu không có xà phòng thì có thể dùng các chất tẩy rửa sẵn có như nước rửa chén bát. Tiến hành rửa dưới vòi nước 15 phút là tốt nhất để nhanh chóng loại trừ virus khỏi vết cắn. Việc làm này cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc kéo dài thời gian ủ bệnh. Sau đó, đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Tuyệt đối không nặn máu, không khâu kín vết thương, không bôi, đắp bất cứ thứ gì lên vết cắn; không được phòng bệnh bằng việc dùng thuốc nam, các loại thuốc lá…
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh trao đổi về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Hiện nay, một số người dân dù bị động vật cắn nhưng vẫn chủ quan, không đi tiêm phòng khi bị phơi nhiễm vì cho rằng chó nhà nuôi đã được tiêm phòng và tiêm vắc-xin dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí nhớ người bệnh. Điều này hoàn toàn sai lầm bởi vì vắc-xin phòng dại đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm chứng rất an toàn, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành toàn quốc.
Do vậy, khi chó, mèo cào, cắn bị trầy xước hoặc liếm vào chỗ da đã bị tổn thương thì người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, tiêm vắc-xin phòng dại và hoàn toàn yên tâm với chất lượng và độ an toàn của vắc-xin đối với sức khỏe.
Theo Bác sỹ Nguyễn Chí Trung, biện pháp duy nhất để cứu người bị súc vật dại cắn là tiêm vắc-xin và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Bệnh dại không thể cứu được khi đã phát bệnh và tỷ lệ tử vong là 100%.
Nhật Thắng