Vì sao ngày càng có nhiều người bị đái tháo đường?
Ngày càng có nhiều người mắc đái tháo đường, tiểu đường. Vì sao bị đái tháo đường, đái tháo đường có nguy hiểm không?
Gia tăng số người mắc đái tháo đường
Càng ngày càng có nhiều người béo phì, thừa cân do vậy tỷ lệ người mắc đái tháo đường gia tăng. Trong tương lai, số lượng bệnh nhân mắc đái tháo đường sẽ tăng dần vì đó là xu hướng tất yếu. Theo xu hướng phát triển, ngày càng có nhiều người béo phì, thừa cân đặc biệt là giới trẻ do lối sống thiếu khoa học, lười vận động. Những người có nguy cơ mắc đái tháo đường là những người có chỉ số BMI từ 23 trở lên (hơi thừa cân, béo phì).
Ngoài ra, còn có một số đối tượng nguy cơ cao bao gồm:
- Có bố, mẹ mắc đái tháo đường thường con cũng sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường. Các trường hợp thế hệ cận kề (bố hoặc mẹ) sẽ làm gia tăng tỷ lệ đái tháo đường ở con lên tới 15-20%. Trong trường hợp cả bố và mẹ đều mắc đái tháo đường có thể làm tăng 40-50% nguy cơ mắc bệnh ở con cái. Tuy nhiên không phải trường hợp nào bố, mẹ mắc đái tháo đường con cũng mắc đái tháo đường.
- Người có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa như: mỡ máu, tăng huyết áp…
- Với phụ nữ mang thai đã có tiền sử đái tháo đường thai kỳ trong quá trình mang thai cần lưu ý tầm soát và thăm khám kỹ hơn. Những người đang mắc đái tháo đường sau đó mang thai hoặc đang mang thai mắc đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Do vậy, những đối tượng có nguy cơ mắc đái tháo đường cần tầm soát định kỳ đái tháo đường để phát hiện bệnh sớm.
Đái tháo đường có nguy hiểm không?
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính diễn biến âm thầm, khi người bệnh có các biểu hiện, triệu chứng thì bệnh thường ở giai đoạn nặng. Kèm theo đó, người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết không tốt có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng đái tháo đường thường gặp là:
- Trường hợp nhẹ: chuột rút, chân tay tê bì, nhìn mờ…
- Biến chứng nặng: suy tim, suy thận
- Một số trường hợp nặng hơn nữa là biến chứng nhiễm trùng hoặc biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Điều đáng nói, người bệnh đái tháo đường thường có tâm lý chủ quan, không thăm khám định kỳ hoặc thấy bệnh có dấu hiệu ổn định là tự ý ngừng thuốc, mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để sử dụng. Người bệnh đái tháo đường cần biết, đây là bệnh lý mạn tính, không thể điều trị khỏi và cần chung sống với bệnh cả đời. Tuy nhiên, người bệnh chỉ cần tuân thủ điều trị của bác sĩ thì bệnh có thể ổn định suốt đời. Việc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để chữa đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng như suy tim, suy thận, khiến sức khỏe của người bệnh ảnh hưởng nặng nề.