Nhức mỏi mắt có thể gây suy giảm thị lực
Mắt nhức mỏi xảy ra khi mắt phải làm việc với cường độ cao hoặc là dấu hiệu của một số bệnh về mắt. Đây là tình trạng khá phổ biến khi đọc sách quá lâu, lái xe đường dài, nhìn lâu vào màn hình máy vi tính... Nếu không được khắc phục sẽ làm cho mắt yếu đi, suy giảm thị lực.
1. Nguyên nhân khiến mắt bị nhức mỏi
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mắt nhức mỏi. Tình trạng mắt nhức mỏi trong thời gian dài sẽ khiến đôi mắt đứng trước nguy cơ suy giảm thị lực.
- Hội chứng thị giác màn hình: Là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhức mỏi mắt. Do mắt bị tác động bởi ánh sáng nguy hiểm phát ra từ các thiết bị màn hình như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi,… hoặc ánh sáng nguy hiểm từ đèn LED, đèn huỳnh quang gây tổn thương các tế bào võng mạc, làm chết tế bào thị giác, gây rối loạn điều tiết mắt, suy giảm thị lực.
- Đục thủy tinh thể: Là tình trạng thủy tinh thể bị mờ đục (nhìn bên ngoài thấy tròng trắng mắt bị đục) do tác động của các chất có hại bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài làm cấu trúc của thủy tinh thể bị biến tính gây biến đổi tỉ lệ và cấu trúc các phân tử protein, khiến thủy tinh thể không còn mềm dẻo và giảm khả năng điều tiết linh hoạt làm thị lực suy yếu, đau nhức mắt đột ngột, mắt mờ.
- Khô mắt: Làm việc trong môi trường máy điều hòa hay thời tiết nóng bức, không khí ô nhiễm khói bụi, tia cực tím trong ánh sáng mặt trời, hóa chất độc hại, đeo kính áp tròng… là những yếu tố khiến mắt bị khô và nhức mỏi.
- Các bệnh về mắt: Thoái hóa điểm vàng, Viêm kết mạc, Viêm bờ mi.
- Chấn thương: Bỏng giác mạc có thể gây ra tình trạng đau nhức mắt nghiêm trọng. Những vết bỏng này thường là hậu quả của việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất hoặc các nguồn sáng cường độ cao.
- Dị vật vào mắt.
Mắt nhức mỏi trong thời gian dài sẽ khiến đôi mắt đứng trước nguy cơ suy giảm thị lực. Ảnh minh họa.
- Đau nhức mắt không chỉ là những cảm giác khó chịu thông thường, mà đôi khi còn có thể liên quan đến một số bệnh lý khác: Chứng đau nửa đầu, Viêm xoang, Viêm dây thần kinh thị giác, Glôcôm (cườm nước).
- Ngoài các nguyên nhân kể trên, đau đầu nhức mắt cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề như viêm mạch máu, chấn thương xuyên thấu ở mắt do tai nạn…
2. Biểu hiện thế nào?
Một số triệu chứng nhức mỏi mắt bao gồm:
Mắt khô hoặc chảy nước; nhạy cảm với ánh sáng;
Cảm giác mắt đau hoặc kích thích;
Khó tập trung; mệt mỏi;
Mắt mờ hoặc nhìn thấy hai hình.
Khi có cảm giác mỏi mắt và khó chịu người bệnh nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để tìm ra nguyên nhân và được chỉ định cách điều trị phù hợp nhất, đặc biệt là khi kèm theo triệu chứng đau đầu.
3. Điều trị nhức mỏi mắt hiệu quả
- Nếu do dị vật cần loại bỏ dị vật cần phải rửa thật kỹ mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để đẩy trôi dị vật hoặc chất kích ứng ra ngoài.
- Sử dụng thuốc: Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp, có thể là thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng dùng đường uống, tra mắt hoặc nhỏ mắt. Có thể kết hợp thêm thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau nhức.
- Phẫu thuật: Một số trường hợp tổn thương do dị vật hoặc vết bỏng phải cần đến phẫu thuật để điều trị. đối với những người mắc bệnh tăng nhãn áp, có thể cần sử dụng biện pháp phẫu thuật laser để cải thiện hệ thống dẫn lưu nước trong mắt.
Ngoài ra có thể làm giảm triệu chứng bằng cách:
- Thư giãn, nghỉ ngơi. Tránh xa các thiết bị điện tử. Hãy để cơ thể và đôi mắt thư giãn và tránh ánh sáng trong ít nhất một ngày. Cần tạm ngưng đeo kính áp tròng.
- Có thể chườm ấm bằng khăn ấm lên mắt có thể làm giảm các biểu hiện sưng, đỏ, đau nhức.
Nên bổ sung omega 3 có nhiều trong cá hồi để phòng bệnh.
4. Biện pháp chăm sóc giúp giảm đau nhức
Đôi mắt thường xuyên phải chịu tổn thương do các tác động bên ngoài. Để giúp cho đôi mắt luôn sáng khỏe thì cần phải chủ động chăm sóc mỗi ngày:
Cần cung cấp dưỡng chất cần thiết cho đôi mắt nhờ những thực phẩm chứa omega 3, vitamin A, vitamin C...
Nên khám mắt định kỳ để tầm soát bệnh về mắt
Hạn chế dùng các thiết bị điện tử, nếu làm việc với máy tính cần phải cho mắt nghỉ ngơi.
Bảo vệ mắt khỏi những tác nhân gây nguy hiểm cho mắt. Khi đi ngoài trời nắng phải đeo kính râm.
Hạn chế những tổn thương trực tiếp lên mắt
Tập thể dục cho mắt để giúp tầm nhìn được tốt hơn.
Nhức mắt là một bệnh không nguy hiểm nếu xác định được nguyên nhân và điều trị thích hợp. Vì vậy, khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở mắt, cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị tránh ảnh hưởng đến thị lực.