• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phát triển y tế cơ sở vì lợi ích của người dân

Y tế cơ sở bao gồm các bệnh viện/ tủng tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện khu vực và các trạm y tế xã. Đây được xem là nền tảng, là xương sống và cũng là “người gác cổng” của ngành y tế trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Chính vì thế, thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tập trung các nguồn lực, đặc biệt tranh thủ một số cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh để tạo lực đẩy phát triển hệ thống y tế cơ sở đáp ứng sự hài lòng, tin cậy của người dân.

Nâng tầm vị thế, đáp ứng hài lòng của người dân.

Bác sỹ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Hương Sơn

 

Hiện nay, hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) tuyến huyện gồm 06 bệnh viện đa khoa, 07 trung tâm y tế đa chức năng và bệnh viện đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Để nâng tầm vị thế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, thời gian qua Hà Tĩnh đã triển khai hiệu quả các nghị quyết như Nghị quyết số 20-NQ/TW, số 21-NQ/TW của BCHTW Đảng, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 71/2022/NQ-HĐND, số 46/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh... Vì thế, chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, thu hút nhiều bệnh nhân đến KCB, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên và đáp ứng với sự hài lòng của người bệnh.

Bệnh nhân Nguyễn Hồng Kỳ, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà bộc bạch: “Tôi có nhiều bệnh nền, nên phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng tháng. Đến với bệnh viện đa khoa Lộc Hà hay Thành phố tôi đều thấy hài lòng về thái độ phục vụ thân thiện, nhẹ nhàng của nhân viên y tế. Nhất là mấy năm gần đây trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế được nâng lên. Tôi rất hài lòng về chuyên môn và tinh thần phục vụ tại y tế cơ sở”.

Cán bộ Trạm Y tế Sơn Kim 1, Hương Sơn chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân

 

Hiện nay, các đơn vị KCB tuyến huyện có tổng số cán bộ trên 2300 người, trong đó 592 bác sĩ; số giường bệnh kế hoạch là 3.934. Tất cả các đơn vị KCB tuyến huyện đã được đầu tư khá đồng bộ thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị như: máy Siêu âm 4D, 5D, X-quang kỹ thuật số, thiết bị phẫu thuật Phaco, máy nội soi ngược dòng tán sỏi thận bằng Lase; hệ thống phẫu thuật nội soi tiêu hóa; máy nội soi tai mũi họng; máy xét nghiệm, huyết học tự động, hệ thống máy tiệt khuẩn... 100% đơn vị KCB tuyến huyện đã triển khai thường quy phẫu thuật nội soi tiêu hóa, phẫu thuật phaco. Nhiều bệnh viện đã triển khai thành công các kỹ thuật tuyến trên như chụp CT-Scaner, nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật kết hợp xương, tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser; kỹ thuật tiêu sợi huyết, phẫu thuật kết hợp xương, phục hồi chức năng, xử lí một số bệnh lý cấp cứu tim mạch…

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thành phố thực hiện tán sỏi niệu quản bằng laze cho bệnh nhân

 

Bác sỹ Trần Nguyên Phú, Giám đốc bệnh viện đa khoa thành phố chia sẻ: “Nhờ có các chính sách của trung ương, của tỉnh nên công tác đào tạo, thu hút nhân tài và triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu tại đơn vị ngày càng được phát triển. Riêng năm 2022, bệnh viện đã cử 6 bác sĩ đào tạo CKI, tuyển dụng thêm 15 bác sĩ, nâng tổng số bác sĩ lên 102 người, trong đó có 34 bác sĩ CKI; 2 bác sĩ CKII và 2 thạc sỹ. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Đặc biệt mời chuyên gia tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật nên trong 2 năm 2021 đến 2022 bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật ngang tầm tuyến trên như: kỹ thuật thay khớp háng ngoại khoa; kỹ thuật tiêu sợi huyết; chụp cổng hưởng từ MRI. Cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng, đáp ứng sự hài lòng của Nhân dân”.

Các đơn vị y tế tuyến huyện đã nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân gắn với lộ trình tự chủ tài chính. Trong giai đoạn 2020-2022, số đơn vị có nguồn thu tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên (nhóm II) là 6 đơn vị; số đơn vị có nguồn thu tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên (nhóm III) là 8 đơn vị. Về lĩnh vực Y học cổ truyền, phục hồi chức năng cũng được trang bị nhiều thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chẩn đoán và điều trị.

Trong đại dịch COVID-19, tất cả các đơn vị y tế tuyến huyện cũng bố trí khu tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, đã cử hàng nghìn cán bộ y tế tham gia công tác điều trị, lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân COVID-19... Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh. 100% đơn vị tuyến huyện đã triển khai sử dụng các phần mềm trong quản lý điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mền HIS, hệ thống KCB từ xa kết nối trực tuyến với các bệnh viện trung ương. 

Trung tâm y tế Hương Sơn đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính

 

Nhờ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công đã giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến huyện, giảm chi phí, giảm tải cho tuyến trên; trung bình công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện tăng từ 95% năm 2017 lên trên 120% năm 2022; ngày điều trị trung bình từ 9,63 ngày năm 2017 giảm xuống còn 6,4 ngày vào năm 2022. Chỉ số hài lòng người dân về cung cấp dịch vụ y tế đạt trên 95%; chỉ số PAPI của ngành Y tế Hà Tĩnh từ năm 2017 đến nay luôn được xếp vào nhóm 10 tỉnh/thành dẫn đầu của toàn quốc.

“Người gác cổng” chăm lo sức khỏe cho Nhân dân.

Mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là y tế xã) là tuyến y tế cơ sở trực tiếp, gần dân nhất, vì thế, được xem là “người gác cổng”, đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 216 trạm y tế xã, với trên 1.400 cán bộ, trong đó có 183 bác sĩ. Có 1.937 nhân viên y tế thôn xóm.  Đến nay, 100% trạm y tế xã được cài đặt và sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý KCB BHYT. Bước đầu phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử đã được đồng bộ dữ liệu với phần mềm quản lý KCB tại các bệnh viện và đảm bảo liên thông giữa các tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ người dân được khám, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95%. Người dân được quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình, nên giảm tải cho tuyến trên, tiết kiệm kinh phí cho người dân.

Bác sĩ Hoàng Ái Quốc, trưởng trạm y tế xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn chia sẻ: “Thời gian qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, ngành và trung ương, nên trạm y tế đã được nâng cấp về cơ sở vật chất, duy tu xây dựng vườn thuốc nam, đầu tư nhiều trang thiết bị... cán bộ y tế được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, chất lượng KCB ngày càng được nâng lên, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Mỗi ngày trạm đón tiếp từ 20 đến 30 bệnh nhân đến KCB. Thực hiện tốt các chương trình y tế, nhất là quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như ĐTĐ và THA. Hiện trạm y tế đang quản lý, điều trị cho hơn 1 nghìn bệnh nhân bị các bệnh không lây nhiễm, trong đó, 616 bệnh nhân THA, 164 bệnh nhân ĐTĐ”.

Bệnh viện Đa khoa Thành phố thực hiện giải phẫu bệnh phát hiện sớm bệnh nhân ung thư

 

Hiện tại có 100% trạm y tế xã thực hiện hiệu quả mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, các trạm y tế hiện đang quản lý, điều trị cho gần 27 ngàn bệnh nhân THA và gần 3.500 bệnh nhân ĐTĐ. Đến nay, toàn tỉnh có 215/216 (99,5%) trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xã về đích nông thôn mới đều đạt (tiêu chí 15 - Y tế).

Bên cạnh những hiệu quả thì y tế cơ sở vẫn còn một số khó khăn, tại một số đơn vị tuyến huyện như Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc… tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp dưới 70%; thiếu đội ngũ bác sĩ có chất lượng cao, chuyên môn sâu; cơ sở vật chất, hạ tầng chật chội, xuống cấp, trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, điều trị chưa đầy đủ, thường xuyên hư hỏng, quy trình sửa chữa chậm. Tại tuyến xã thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp (trung bình 50%); thuốc BHYT chưa đủ và chưa đa dạng thuốc; một số trạm y tế chưa có bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp...

Tích hợp thẻ BHYT cho bệnh nhân trên hệ thống phần mềm HSSK điển tử tại Trạm Y tế Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên

 

Để phát triển đồng bộ và đổi mới hệ thống y tế cơ sở, theo bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh: “Ngành y tế tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 05/9/2019 về phát triển y tế cơ sở và Kế hoạch số 361/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai chương trình Sức khỏe Việt Nam trên địa bàn toàn tỉnh.  Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở, đặc biệt xây dựng và triển khai các Đề án để nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế. Mở rộng và triển khai có hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh. Thực hiện gắn kết chặt chẽ hoạt động của các Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã, đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật tại tuyến xã. Đổi mới nâng cao năng lực hoạt động của trạm y tế, đưa nguyên lý y học gia đình vào hoạt động của trạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn, cộng tác viên dân số nhằm triển khai tốt các hoạt động về truyền thông giáo dục sức khỏe, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường”.

Nhờ có các chính sách, cơ chế của tỉnh, của trung ương nên việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại tuyến y tế cơ sở có nhiều thuận lợi và hiệu quả, bảo đảm cho người dân trên mỗi địa bàn dân cư có điều kiện được chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí thấp, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tạo niềm tin cho Nhân dân.

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.542
Tháng 11 : 158.658
Năm 2024 : 2.740.160
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.538.674