Ngành y tế đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực dược
Đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực dược được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Y tế, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cán bộ y tế dễ dàng tiếp cận thông tin về thuốc, giúp tăng cường việc quản lý, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Qua đó góp phần xây dựng hệ thống y tế Hà Tĩnh hiện đại, chất lượng, minh bạch và hiệu quả.
Dược sĩ CKI Lê Thị Cẩm Thạch, Trưởng Phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế cho biết: “Thời gian qua ngành Y tế đã có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số về nhiều lĩnh vực, nhất là về lĩnh vực dược. Đến nay, Ngành đã thực hiện xây dựng, kết nối, liên thông thành công 113 dịch vụ công trực tuyến, trong đó lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm có 41 dịch vụ công trực tuyến đều đạt mức độ 4. Giúp cho người dân, doanh nghiệp thuận tiệp trong việc tiếp cận nộp hồ sơ và nhận kết quả nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, các đơn vị, cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc cũng đã tiến hành chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số”.
Để đảm bảo triển khai phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh và kết nối liên thông đúng lộ trình theo quy định tại Thông tư 02/2018/TT-BYT ngày 22/1/2018 của Bộ Y tế và tăng cường công tác quản lý các cơ sở kinh doanh thực hiện kết nối liên thông phần mềm cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn triển khai và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Đến nay, trên toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh, tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc đều có thiết bị và tài khoản phần mềm kết nối liên thông lên Hệ thống quản lý dược Quốc gia.
Dược sĩ Uông Phương Dung, chủ Nhà thuốc 116, đường Hải Thượng Lãn Ông, Phường Bắc Hà, Thành phố bộc bạch: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế trong việc thực hành tốt nhà thuốc, thời gian qua, nhà thuốc Phương Dung đã áp dụng chuyển đổi số vào việc kinh doanh thuốc. Sau khi áp dụng phần mềm liên thông với Hệ thống dược Quốc gia đã có nhiều lợi ích, giúp cho việc quản lý, báo cáo hàng xuất, nhập, tồn, lưu đơn được hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Đồng thời giúp cho người mua yên tâm sử dụng thuốc có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng, giá cả hợp lý”.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và thực hiện có hiệu quả Thông tư số 27/2021/TT-BYT quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Tại Hà Tĩnh đã triển khai thí điểm kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử từ năm 2020. Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 21 bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh triển khai; 749 bác sỹ đã được cấp mã định danh và thực hiện kết nối thành công hơn 172.000 đơn thuốc lên Hệ thống đơn thuốc Quốc gia. Theo kế hoạch của Sở Y tế, đến cuối tháng 12/2022, tất cả các đơn vị khám chữa bệnh triển khai kê đơn thuốc điện tử. 100% bác sỹ thực hiện kê đơn thuốc điện tử và 100% đơn thuốc được liên thông lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ Y tế.
Dược sĩ Tôn Đức Quý, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Về lĩnh vực dược của bệnh viện được quản lý qua phần mềm VNPT HIS và liên thông với Hệ thống dược Quốc gia từ xuất, nhập, tồn, kê đơn... đạt hiệu quả. Đặc biệt, đầu năm 2020, bệnh viện thí điểm kê đơn thuốc điện tử tại Phòng khám yêu cầu. Thời gian đầu còn có nhiều bất cập, nhưng bệnh viện đã nhanh chóng khắc phục khó khăn và đến nay, việc kê đơn thuốc điện tử đã tích hợp được vào phần mềm quản lý bệnh viện, áp dụng cho toàn bệnh viện. Tất cả các bác sĩ đều thực hiện được kê đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân”.
Mỗi năm, ông Trần Văn C. 69 tuổi, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà vào bệnh viện tỉnh điều trị vài lần, trước đây mỗi lần ra viện, điều lo lắng nhất là mất đơn thuốc, nhưng giờ mọi sự lo lắng không còn. “Tôi bị bệnh mãn tính, thường xuyên vào viện. Trước đây hay làm mất đơn thuốc, nhưng giờ được cán bộ y tế hướng dẫn lưu số mã vạch vào điện thoại, khi ra hiệu thuốc, chỉ cần đọc số mã vạch cho nhân viên bán thuốc là được mua thuốc theo đơn bác sĩ đã kê”, ông Trần Văn C bộc bạch.
“Hiệu quả kê đơn thuốc điện tử mang lại cho người dân khá lớn, đơn thuốc rõ ràng, chính xác, tránh được các sai sót trong đơn thuốc như kê đơn trùng hoạt chất, kê biệt dược đắt tiền, kê thực phẩm chức năng… Các thuốc được kê đều liên thông lên Hệ thống đơn thuốc Quốc gia, từ đó việc quản lý kê đơn và bán thuốc theo đơn được thuận lợi hơn... Đặc biệt, trên đơn thuốc điện tử của bệnh viện có số mã vạch, bệnh nhân không cần cầm đơn mà chỉ lưu giữ số mã vạch, thì đi bất cứ nhà thuốc, quầy thuốc nào trên toàn quốc, chỉ cần nhập hoặc quyét mã vạch thì sẽ hiện lên đơn thuốc của bác sĩ đã kê”, Dược sĩ Tôn Đức Quý, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết thêm.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có 75/216 Trạm Y tế đủ điều kiện, được Sở Y tế cấp phép kinh doanh bán lẻ thuốc chữa bệnh. Tất cả các trạm y tế đều đã áp dụng phần mềm và liên thông lên Hệ thống dược Quốc gia. Dược sĩ Nguyễn Văn Ngọc, phụ trách dược Trạm y tế xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên cho rằng: “ Sau khi triển khai thực hiện kết nối liên thông phần mềm bán lẻ thuốc tại Trạm y tế, đã có nhiều tiện ích, giúp kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, giá cả, thuốc mua vào bán ra. Tránh được thuốc không rõ nguồn gốc, quá hạn, giá cả. Giúp người sử dụng yên tâm về chất lượng thuốc”.
Mặc dù, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dược có nhiều lợi ích, nhưng một số cơ sở bán lẻ thuốc chưa thực hiện thường xuyên do các thao tác phải thực hiện hoàn toàn trên máy tính và phải đăng ký phần mềm, để liên thông lên hệ thống dược Quốc gia, nên còn gặp khó khăn. Dược sĩ CKI Lê Thị Cẩm Thạch, Trưởng Phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế trăn trở: “Qua các đợt kiểm tra, giám sát, vẫn còn 15 đến 20% cơ sở kinh doanh thuốc chưa cập nhật đầy đủ các dữ liệu thuốc mua vào bán ra lên hệ thống dược quốc gia; vẫn còn diễn ra tình trạng bán thuốc không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh chưa có phòng quản lý hành nghề y, dược riêng; lực lượng quản lý chuyên môn mỏng, nên khó khăn trong việc quản lý. Để thực hiện tốt hơn, thời gian tới Sở Y tế và chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, duy trì thực hiện tốt liên thông hệ thống dược quốc gia; tiếp tục triển khai phần mềm kê đơn và bán thuốc điện tử theo đúng lộ trình, tiến độ”.
Thanh Loan