Họp triển khai đề tài “Tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan”.
Chiều 5/8, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức họp để triển khai đề tài “Tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan - RESHAPE”. Chủ trì cuộc họp có Bác sĩ Nguyễn Minh Đức- Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh; PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh- Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Phát triển- Trường đại học Y tế công cộng, đồng chủ nhiệm đề tài, cùng các thành viên nhóm nghiên cứu.
Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kế hoạch triển khai đề tại tại Hà Tĩnh
Việt Nam là một trong mười quốc gia có số lượng thảm họa thiên tai tự nhiên và số người bị ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, phá huỷ các cơ sở y tế và làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ y tế. Tần suất và cường độ của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nghiên cứu RESHAPE do Viện Nghiên cứu Sức khoẻ Quốc gia Anh (NIHR) tài trợ thông qua Đại học East Anglia - UK và triển khai tại 4 quốc gia gồm có Việt Nam, Malawi, Tanzania và Uganda. Nghiên cứu nhằm góp phần tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở tại 4 quốc gia trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Mục tiêu chung của cấu phần nghiên cứu RESHAPE tại Việt Nam là tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở tại huyện Hương Sơn và Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Lãnh đạo Sở Y tế, CDC Hà Tĩnh và huyện Hương Khê chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu
Mục tiêu cụ thể của đề tài nhằm tìm hiểu tác động của thiên tai và các thời tiết cực đoan đối với hệ thống y tế cơ sở trên toàn cầu và những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của các cơ sở y tế trong thiên tai. Mô tả hệ thống y tế cơ sở và đặc điểm cộng đồng tại các điểm nghiên cứu, cung cấp thông tin khoa học về khả năng thích ứng cũng như ảnh hưởng của chúng đối với tình trạng sức khỏe người dân. Xây dựng quy trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, phục hồi cũng như hướng dẫn về các thực hành tốt, trao đổi kiến thức và đề xuất giải pháp can thiệp. Áp dụng thí điểm và đánh giá biện pháp can thiệp để nâng cao và duy trì khả năng chống chịu của hệ thống y tế cơ sở.
Tại cuộc họp đã tập trung giới thiệu tổng quan về nghiên cứu và kế hoạch triển khai trong năm 2024, các nội dung triển khai nghiên cứu tại địa phương và vai trò của các bên liên quan. Cũng tại cuộc họp triển khai đề tài, các thành viên nhóm nghiên cứu tập trung bàn bạc, trao đổi, thảo luận công tác chuẩn bị cho hội thảo khởi động nghiên cứu dự kiến tổ chức cuối tháng 9/2024 tại Hà Tĩnh.
Đề tài “Tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan” được dự kiến thực hiện từ 01/01/2024-31/12/2027. Mục tiêu trong năm 2024 là tìm hiểu tác động của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đối với hệ thống y tế cơ sở; mô tả thực trạng hệ thống y tế ứng phó trước thiên tai và các thời tiết cực đoan xảy ra gần đây tại huyện Hương Sơn và Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn Loan