Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm
Sáng 28/11 Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, tham dự có các lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo các Sở Y tế, Trung tâm, bệnh viện trên toàn quốc. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì tại điểm cầu Bộ Y tế. Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
TS.BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) báo cáo tình hình dịch bệnh truyền thời gian qua
Tại hội nghị TS.BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, hiện nay trên Thế Giới số mắc sốt xuất huyết đã tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây, có trên 13,3 triệu trường hợp mắc và trên 9.600 trường hợp tử vong. Bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở hơn 100 quốc gia trong các khu vực châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Trên toàn cầu WHO cảnh báo việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch, với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vaccine thấp (chỉ đạt hoặc thấp hơn 80%, so với yêu cầu cần đạt 95%).
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có 125.941 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 20 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 19,8%, tử vong giảm 22 ca. Một số địa phương có số mắc cao: Hải Phòng (22.507), TP Hồ Chí Minh (12.046), Đồng Nai (7.334), Hà Nội (7.000), Lâm Đồng (6.895), Đắk Lắk (6.768), Đắk Nông (5.202), Bình Dương (4.350), Quảng Bình (3.890), Khánh Hòa (3.564), Bình Định (3.452), Gia Lai (3.373).
Điểm cầu Bộ Y tế
Đặc biệt, bệnh sởi, mặc dù bệnh có vắc xin phòng bệnh nhưng từ đầu năm đến nay bệnh sởi gia tăng nhiều, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính và đã có 5 ca tử vong (TPHCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần. Nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TPHCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Nguyên nhân gia tăng dịch sởi do chu kỳ dịch, đồng thời do tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm vaccine sởi.
Rêng bệnh ho gà từ đầu năm đến nay 1.053 trường hợp, 01 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, số mắc cao hơn 23 lần, số tử vong tương đương. Bệnh bạch hầu, có 11 trường hợp mắc (02 ca tử vong), tại Hà Giang (4), Thanh Hóa (3), Bắc Giang (2), Nghệ An (1), Cao Bằng (1).
Cũng tại hội nghị Bộ Y tế đã phổ biến các quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực y tế dự phòng có liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại hội nghị một số tỉnh đã tham luận, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết, số ca mắc sởi trong năm nay của địa phương này tăng đột biến với 657 ca sởi và phát ban nghi sởi. Đại diện CDC tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, bệnh sởi tại địa phương nghiêm trọng. Trong tháng 9 có 20 ca, tháng 11 đã tăng lên 102 ca. Nhiều đối tượng cộng đồng chưa tiêm vaccine sởi. Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ ngày 1/9-19/11/2024 đã ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11 có đến 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.
Còn tại Hà Tĩnh số ca mắc SXH giảm, không có tử vong; lũy tích từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh chỉ ghi nhận 82 ca mắc SXH, trong đó có 49 ca nội địa, 33 ca vãng lai (số ca mắc SXH giảm 194 ca so với năm 2023). Chỉ ghi nhận 01 ổ dịch tại thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh với tổng số ca mắc là 35 ca, thời gian xẩy ra dịch là khoảng 1 tháng từ 21/7 đến 24/8. Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 242 ca mắc sởi, 35 trường hợp ho gà và 28 ca tay chân miệng.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo hội nghị
Kết luận hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Mặc dù trên Thế Giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh có vắc xin phòng bệnh từ lâu (sởi, ho gà...) có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia. Nhưng tại Việt Nam tình hình bệnh truyền nhiễm cơ bản vẫn được kiểm soát, tuy nhiên Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều và trong bối cảnh toàn cầu hoá phát triển; nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, nên nguy cơ đối mặt với sự lây truyền của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.
Thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 trước tháng 1/2025 gửi cho địa phương để chủ động thực hiện. UBND tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ và chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống dịch bệnh. Thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét; duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong TCMR; tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin chống dịch. Đảm bảo công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm. Rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin, trang thiết bị, nhân lực... theo phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, các biện pháp xử lý ổ dịch, vắc xin, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu người bệnh, kiểm soát lây nhiễm. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch, tập trung vào khu vực ghi nhận ổ dịch, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông: Vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường. Triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc xin tại các cơ sở giáo dục, các trường học; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh than... phòng, chống lây nhiễm sang người. Tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vắc xin và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe.
Tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vắc xin và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe.
Thanh Loan