“Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”
Đây là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, được Bộ Y tế triển khai. Chủ đề này phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Hưởng ứng tháng hành động, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, với nhiều hoạt động nổi bật, như:
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn...; tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024. Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác, như: giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV và tự xét nghiệm; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Truyền thông vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng như việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế. Vận động các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động. Tổ chức các đợt giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS của các ngành, các địa phương, đơn vị....
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, được tỉnh Hà Tĩnh triển khai nhằm mục tiêu huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Thu Hòa