Những người thầm lặng vì bệnh nhân
Phía sau thành công của các bác sĩ là những hy sinh, đóng góp thầm lặng không thể thiếu của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Sự nỗ lực vượt khó, tận tâm chăm sóc người bệnh của lực lượng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên đã góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người bệnh và sự tin yêu của nhân dân với ngành y tế.
Trong hai năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, là những người trực tiếp phục vụ khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin cho người dân. Là những người có mặt tại “tâm dịch”, họ đã không quản ngại hiểm nguy, vượt qua những khó khăn, vất vả cùng cả hệ thống chính trị từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh góp phần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Xuân Quảng, điều dưỡng Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Đức Thọ cho biết: “Là một điều dưỡng nam, khi dịch bệnh bùng phát, tôi đã tình nguyện lên đường vào tâm dịch của tỉnh Bình Dương chăm sóc người bệnh ở đó hơn một tháng. Mặc dù gặp nhiều vất vả, nguy hiểm, nhiều đồng nghiệp bị lây nhiễm, nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả. Qua những khó khăn, vất vả đó tôi có được nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch để làm tốt công tác phòng chống dịch tại Hà Tĩnh khi dịch bệnh bùng phát”.
Khi nhịp sống trở lại bình thường, điều dưỡng Quảng lại lặng lẽ với công việc của mình tại Khoa Nội. Với đặc thù bệnh nhân đông, lưu lượng mỗi ngày 60 bệnh nhân, chủ yếu người già, bị nhiều bệnh mãn tính. Anh lại trăn trở, suy nghĩ làm sao cho bệnh nhân được phục vụ tốt nhất, thế là sáng kiến “Cải tiến xe phục vụ bệnh nhân” được ra đời và hiện đang được áp dụng tại tất cả các khoa lâm sàng của bệnh viện. Sáng kiến này đã vinh dự đạt giải khuyến khích tại hội thi sáng tạo kỹ toàn quốc lần thức 16 năm 2021.
Được ví như “cánh tay phải đắc lực” của bác sĩ, những năm qua điều dưỡng Lê Thị Cầu luôn chu toàn nhiệm vụ điều dưỡng trưởng bệnh viện Đa khoa Thành phố. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1.300 đến 1.400 bệnh nhân vào KCB. Với khối lượng công việc nhiều, điều dưỡng Cầu luôn giám sát, kiểm tra, nhắc nhở các khoa, phòng. Từ khâu đón tiếp, săn sóc, hướng dẫn người bệnh khi vào viện, đến quá trình chăm sóc, điều trị cho tới khi người bệnh xuất viện.
“Xác định nghề điều dưỡng là phục vụ người bệnh, bản thân tôi xác định từ thái độ, cử chỉ, hành động đến lời nói ân cần, nhẹ nhàng của điều dưỡng viên sẽ là liều thuốc tinh thần làm cho người bệnh mau khỏe. Vì thế, ngoài việc thực hiện theo y lệnh của bác sĩ, tôi cùng với đội ngũ điều dưỡng còn trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật nghiệp vụ, cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý người bệnh…”, điều dưỡng Lê Thị Cầu chia sẻ.
Lặng lẽ với công việc không tên, chị Cầu luôn vui vẻ, hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Chị đã điều hành duy trì các cuộc họp hội đồng người bệnh, các cuộc khảo sát tư vấn giáo dục sức khỏe, kịp thời nắm bắt, tiếp thu ý kiến, để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn và chị cũng đã dày công nghiên cứu các đề tài nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, trau dồi kỹ năng giao tiếp ứng xử, nâng cao y đức hướng sự hài lòng của người bệnh.
Sự cống hiến thầm lặng của chị Cầu đã được ghi nhận. Nhiều năm liền chị được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; được Liên đoàn lao động tỉnh, Hội liên hiệp khoa học và kỹ thuật Việt Nam, UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho các thành tích trong công tác chăm sóc người bệnh và nghiên cứu khoa học.
“Hạnh phúc lớn nhất của tôi và đồng nghiệp là mỗi sản phụ vào viện được vượt cạn an toàn, mẹ tròn, con vuông”, nữ hộ sinh Bùi Thị Thanh, khoa phụ sản, Trung tâm y tế Thị xã Hồng Lĩnh bộc bạch.
Có thâm niêm 26 năm làm tại khoa phụ sản, chị luôn thầm lặng đem niềm vui, nụ cười cho hàng ngàn gia đình mỗi khi chào đón thành viên mới. Một ngày làm việc mới của chị Thanh bắt đầu bằng việc giao ban, giao ca với nhân viên trực ngày hôm trước, tiếp nhận khối lượng lớn những thông tin về các sản phụ và các em bé để sẵn sàng cho một ngày bận rộn. “Để có được niềm vui, nụ cười và hạnh phúc cho mỗi gia đình khi chào đón thành viên mới, tôi và đồng nghiệp luôn phải trau dồi chuyên môn, y đức, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời phải luôn nhẹ nhàng, quan tâm, theo dõi sát sao diễn biến của sản phụ, không kể ngày hay đêm, ngày nghỉ, lễ, tết, đều phải túc trực bên sản phụ”, chị Thanh chia sẻ.
Mỗi ngày khoa sản phụ tiếp nhận trung bình 50 ca vừa đẻ thường và đẻ mổ. Khối lượng công việc nhiều, tuy vất vả, áp lực, nhưng chị Thanh và đồng nghiệp luôn tươi cười, vui vẻ: “Khi ẵm trên tay những “thiên thần” bé nhỏ vừa mới chào đời, hay nhìn những nụ cười rạng rỡ hạnh phúc của các ông bố, bà mẹ. Tôi cùng đồng nghiệp quên hết những khó khăn, vất vả và hòa chung niềm vui ấy với các gia đình”.
Một công việc mà trong nghề y thường ví là “những người đứng sau cánh gà của ánh đèn sân khấu”, đó là đội ngũ kỹ thuật viên. Mặc dù công việc của họ rất thầm lặng, bệnh nhân không biết mặt, người nhà của bệnh nhân không biết tên, nhưng kết quả công việc của họ rất quan trọng, ảnh hưởng đến phác đồ điều trị của bác sỹ đối với từng bệnh nhân.
Với 13 năm công tác tại khoa cận lâm sàng, bệnh viện Đa khoa Lộc Hà, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Tiến luôn âm thầm, lặng lẽ cống hiến sức trẻ của mình cho nhân dân. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống Covid-19, anh đã âm thầm làm việc bất kể ngày đêm, có thời điểm phải xa gia đình 4 tháng để tham gia lấy mẫu tại các khu cách ly, những nơi có dịch trong toàn tỉnh. Công việc nhiều, vất vả nhưng với anh đó là niềm vui khi được phục vụ người bệnh. “Mình làm nghề y mà sợ vất vả, lây nhiễm thì ai sẽ chăm sóc bệnh nhân”, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Tiến bày tỏ.
Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng cao, cùng với đó là sự xuất hiện dịch bệnh đòi hỏi công tác xét nghiệm y học phải đáp ứng được yêu cầu. Mỗi năm, nhu cầu xét nghiệm tại bệnh viện Lộc Hà lên tới hàng triệu mẫu xét nghiệm. Mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng kỹ thuật viên Nguyễn Văn Tiến vẫn thầm lặng tỷ mỷ để cho ra kết quả chính xác nhất. Những cống hiến lặng thầm ấy của anh đã được đơn vị, đồng nghiệp ghi nhận, khen thưởng. Đặc biệt, năm 2021 anh vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Những hy sinh, đóng góp thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên ngành y tế Hà Tĩnh thời gian qua, đã góp phần tô đẹp thêm giá trị của nghề y - nghề “cứu người”./.
Thanh Loan