Ấm lòng cùng blouse trắng (bài 6): Hành trình của những giọt máu cứu người
“Giọt máu - cứu người” từ lâu đã trở thông điệp của hoạt động hiến máu nhân đạo với sự chung sức của cả cộng đồng. Mỗi nghĩa cử hiến máu hay hành trình đưa những giọt máu quý báu ấy đến với người bệnh đều thấm đượm ý nghĩa của sự cho đi cao cả. Để từ đó, cả cộng đồng sát cánh cùng cán bộ, nhân viên y tế trong cuộc chiến sinh - tử để giành lấy sự sống cho bao người.
Nhiều năm nay, câu chuyện về những cán bộ, chiến sỹ, người dân hay chính các y, bác sỹ tại các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng hiến máu “sống” để cấp cứu bệnh nhân đã không còn là chuyện hiếm nữa. Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo theo ngày hội chung của tỉnh, huyện hay các tổ chức, cơ quan, rất nhiều người còn tham gia các CLB ngân hàng máu sống, nhóm máu hiếm, sẵn sàng cho đi giọt máu của mình trong các tình huống khẩn cấp, hy vọng mang lại sự sống cho người bệnh.
Đại úy Phạm Vương Minh - Phó Trưởng Công an xã Thạch Liên (Thạch Hà) là một trong 52 thành viên của nhóm máu hiếm RH- ở Hà Tĩnh. Cũng giống như những người có nhóm máu “quý hơn vàng”, Đại úy Minh luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái. Anh cho biết: “Với tôi, không quan trọng hiến bao nhiêu lần mà quan trọng nhất là mình luôn sẵn sàng có mặt ở những nơi bệnh nhân cần. Đặc biệt, tôi luôn coi trọng việc rèn luyện sức khỏe, để luôn đảm bảo mình có thể hiến máu trong mọi tình huống”.
Nhận công tác tại Công an tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2017, ngay trong năm đó, với ý thức cao về nhóm máu hiếm của mình, Đại úy Phạm Vương Minh đã chủ động đăng ký tham gia nhóm máu hiếm ở Hà Tĩnh. Đến nay, anh đã có 3 lần hiến “máu sống” cứu người, trong đó, 1 lần ở thành phố Vinh (Nghệ An) và 2 lần ở BVĐK tỉnh Hà Tĩnh. “Để có thể kịp thời ứng cứu người bệnh, tôi cùng các thành viên trong nhóm luôn thường trực thông tin trên nhóm chat chung. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, nếu nhận được thông tin có người cần là cũng sẽ có người sẵn sàng cho. Công việc của một cán bộ công an không phải lúc nào cũng dễ dàng sắp xếp để đi hiến máu nhưng tôi luôn cố gắng để có thể mang lại niềm hy vọng hồi phục cho người bệnh” - Đại úy Minh chia sẻ.
Với những người hiến máu khẩn cấp thì mỗi lần tham gia cứu người luôn để lại những câu chuyện đáng nhớ. Đó là niềm vui, hạnh phúc khi biết bệnh nhân được cứu sống và nhiều khi là nỗi ngậm ngùi khi hay tin bệnh nhân không qua khỏi. Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại úy Phạm Vương Minh bày tỏ niềm vui khi cả 3 bệnh nhân được anh hiến máu đều may mắn khỏe mạnh trở lại. Trong đó, gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Đỗ Thị G. (84 tuổi, quê ở Nghệ An) cấp cứu ở BVĐK tỉnh Nghệ An vào đêm 6/7/2022. “Lúc đó tôi trên đường từ Hà Nội về, nhận được thông tin có bệnh nhân ở Nghệ An cần gấp nhóm máu RH- đúng lúc đi qua nên tôi đã liên hệ với người nhà bệnh nhân và đến bệnh viện hiến trực tiếp 250ml máu. Từ đơn vị máu của tôi, các y, bác sĩ đã tiến hành xử lý và truyền kịp thời, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Giọt máu của tôi, qua sự trợ giúp của các bác sỹ đã hòa vào cơ thể người bệnh để mang đến cho họ sự sống, đó là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất” - Đại úy Minh bộc bạch.
Cùng với những tình huống khẩn cấp, hằng năm, các đợt vận động hiến máu ở Hà Tĩnh đã thu về hàng nghìn đơn vị máu. Trong đó, có rất nhiều gương sáng với hàng chục lần tình nguyện hiến máu. Không chỉ hiến máu, nhiều người còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các ngày hội hiến máu, lan tỏa ý nghĩa của hành động hiến máu nhân đạo trong cộng đồng.
Sinh năm 1987, có thâm niên làm công tác đoàn hơn 10 năm, Bí thư Đoàn xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) Trần Viết Hà đã có 22 lần tham gia các ngày hội hiến máu của tỉnh, huyện và BVĐK tỉnh Hà Tĩnh. “Năm 2008, được sự vận động của tổ chức Đoàn thanh niên, lần đầu tiên tôi tham gia hiến máu nhân đạo. Sau đó, nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của hành động này nên luôn tình nguyện đăng ký tham gia các ngày hội hiến máu các cấp.
Trong đó, giai đoạn dịch COVID-19 bủa vây, trước tình hình kho máu của BVĐK tỉnh cạn kiệt, tôi đã tham gia nhiều đợt, điển hình như năm 2020, tôi đã hiến 3 lần” - anh Hà chia sẻ.
Không chỉ là một cá nhân tích cực hiến máu nhân đạo, anh Trần Viết Hà còn năng nổ tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân trên địa bàn cùng tham gia. Từ tấm gương của anh, phong trào hiến máu nhân đạo ở xã Yên Hòa ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2012, Đoàn xã Yên Hòa còn phối hợp tổ chức hiến máu tại địa bàn, thu về 31 đơn vị máu, giúp phong trào hiến máu nhân đạo lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng dân cư. Nhiều năm liền, xã Cẩm Hòa luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn huyện về kết quả huy động các đơn vị máu (bình quân mỗi năm hơn 50 đơn vị máu).
“Năm 2022, Đoàn xã Yên Hòa được UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích trong quá trình vận động hiến máu nhân đạo. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực của chúng tôi trong thực hiện các phong trào đoàn thể, tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi chính là sự sống của đồng bào” - anh Hà cho biết.
Để những giọt máu của tình nguyện viên có thể hòa tan trong cơ thể người bệnh, giúp họ chiến thắng trong cuộc chiến sinh - tử, cần quá trình tiếp nhận, sàng lọc, điều chế và bảo quản máu theo đúng quy trình. Công việc này đòi hỏi nhiều công sức, sự tận tâm của các nhân viên y tế Khoa Huyết học và Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Họ chính là “đường dẫn” để những giọt máu hồng có cơ hội được hồi sinh sự sống cho người bệnh.
Thạc sỹ Hoàng Quốc Anh - Phó Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu cho biết: “Trước đây, do khan hiếm nguồn máu dự trữ nên chế phẩm máu truyền cho người bệnh chủ yếu là chế phẩm máu toàn phần. Nghĩa là truyền toàn bộ các thành phần trong máu như hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, huyết tương… cho người bệnh. Trong những năm trở lại đây, khoa đã triển triển kỹ thuật sản xuất khối tiểu cầu máy từ 1 người cho; sàng lọc đơn vị máu bằng phương pháp miễn dịch hoá phát quang song song với phương pháp ELISA… Nhờ đó, từ nguồn máu hiến toàn phần, máu sẽ được tách chiết thành các chế phẩm khác nhau như khối hồng cầu, khối tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh… phục vụ cho các chỉ định chuyên biệt, đúng như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới “thiếu gì truyền nấy””.
Chính vì thế, công việc của Khoa Huyết học - Truyền máu cũng trở nên phức tạp và vất vả hơn. Ngay sau khi tiếp nhận nguồn máu hiến tặng, các nhân viên y tế đã phải nhanh chóng đưa số máu về khoa và bắt đầu quy trình bảo quản, điều chế theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành trong khoảng thời gian nhanh nhất, đáp ứng tiêu chuẩn của các chế phẩm máu. Đặc biệt, do đặc điểm tiểu cầu có đời sống 2-5 ngày và các yếu tố đông máu huyết tương dễ bị phân hủy, có đời sống rất ngắn nên bắt buộc các nhân viên y tế phải điều chế ngay khi có máu. Các công đoạn như: sàng lọc, đưa máu vào máy li tâm lạnh, điều chế thành các chế phẩm máu khối hồng cầu, huyết tương, tiểu cầu… đòi hỏi phải nhanh và tuân thủ đúng quy trình.
Cử nhân Trần Thị Anh - Khoa Huyết học - Truyền máu tâm sự: “Hiện nay, khoa có 11 bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, khối lượng công việc lớn, lực lượng lại mỏng nên nên khá vất vả. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại nhất chính là có những thời điểm, kho máu dự trữ dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu của bệnh nhân rất lớn. Vì vậy, dẫu có vất vả nhưng để kho máu dự trữ luôn đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, chữa bệnh cho các khoa lâm sàng, chúng tôi luôn sẵn sàng. Đặc biệt, chúng tôi luôn thầm cám ơn người dân, đồng nghiệp đã dành những giọt máu quý báu của mình cho công tác dự trữ nguồn máu của bệnh viện”.
Cùng với các nhiệm vụ như xét nghiệm bệnh phẩm, phân tích, sàng lọc, sản xuất các thành phần của máu, lưu trữ máu… Khoa Huyết học - Truyền máu còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa là tuyên truyền, vận động người hiến máu tình nguyện. “Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, hằng năm, khoa đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức các đợt hiến máu cố định. Từ hoạt động này, mỗi năm khoa nhận được hơn 7.500 đơn vị máu phục vụ cho công tác dự trữ, cung cấp máu cho các khoa lâm sàng. Ngoài ra, khoa còn tổ chức các đợt vận động trong bệnh viện để các y, bác sỹ, nhân viên y tế tích cực tham gia hiến máu, cứu bệnh nhân trong những trường hợp đặc biệt. Và chúng tôi rất may mắn khi nhận được sự đồng hành, chia sẻ nhiệt tình từ các đồng nghiệp.
Trong nhiều tình huống cấp bách, nhân viên trong khoa cũng sẵn sàng tình nguyện hiến máu cứu người như trường hợp cử nhân Hồ Thị Thu Trang đã tham gia nhiều đợt hiến, gần đây đã có 2 lần hiến tiểu cầu phục vụ điều trị cho bệnh nhân nhi bị ung thư. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trên hành trình đem những giọt máu nhân đạo đến với người bệnh” - Phó Trưởng khoa Hoàng Quốc Anh chia sẻ.
Nếu những người tình nguyện hiến máu được ví như “thiên sứ” thì đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên ở các cơ sở y tế chính là những nhịp cầu nối những tấm lòng “thiên sứ” ấy với cộng đồng. Những giọt máu hồng ấm nghĩa đồng bào ngày ngày truyền sự sống trong những ca phẫu thuật, trong mỗi liệu trình điều trị đã góp phần quan trọng cùng các y, bác sỹ, nhân viên y tế chữa bệnh, cứu người. Hành trình ấy đang nhân lên tình người, sự sẻ chia để làm đẹp thêm cuộc sống …