Điểm báo ngày 17/7/2023
soyte.hatinh.gov.vn: Số ca mắc liên cầu lợn ở Hà Nội tăng so với cùng kỳ năm ngoái; Kom Tum: Bất cập khi thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi ngành Y; Gần 83 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, quỹ chi trả hơn 57 tỷ; Tự mua thuốc uống khi mệt mỏi, khát nước nhiều, cụ bà phải cấp cứu; Cảnh báo bệnh dại gia tăng: Đừng để chết vì chủ quan!
Số ca mắc liên cầu lợn ở Hà Nội tăng so với cùng kỳ năm ngoái
So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc liên cầu lợn ở Hà Nội 7 tháng đầu năm nay tăng thêm 11 ca, trong đó có 1 ca tử vong.
Ngày 16/7, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận thêm trường hợp thứ 12 bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm 2023. Đó là người đàn ông 60 tuổi, ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Trước khi nhập viện, người này thường xuyên ăn sáng tại các quán lòng lợn tiết canh. Ngày 20/6, bệnh nhân xuất hiện đau mỏi hai bên thắt lưng kèm run tay chân. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và được kê thuốc giảm đau và về nhà điều trị nhưng không đỡ. Một ngày sau, bệnh nhân thấy đau lan lên vùng vai gáy, kèm theo ý thức chậm chạp, được người nhà đưa đến phòng khám Quảng Tây. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì điều trị.
Ngày 24/6, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, cứng gáy, ý thức chậm và được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, sảng rượu và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 hai hôm sau. Tại đây, bệnh nhân cũng được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, nghiện rượu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại cơ sở y tế này, kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn. (Theo Báo nhân dân).
Gần 83 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, quỹ chi trả hơn 57 tỷ
Tính hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 82,98 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú, tăng 18,76 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2022; với số tiền giám định, thanh toán là 57.03 tỷ đồng, tăng 10.79 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, công tác thực hiện chính sách BHYT. BHXH, BHTN được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng số người tham gia, chi trả đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, đồng thời để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT.
BHXH Việt Nam đã linh hoạt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn để đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và phát triển hiệu quả số người tham gia vào "lưới" an sinh BHXH, BHYT. Nhờ đó, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 6/2023 đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể có 17,48 triệu người tham gia BHXH, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 90,89 triệu người tham gia BHYT, tăng 4,35 triệu người (khoảng 5,04%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86 % dân số. 14,29 triệu người tham gia BHTN, tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi BHYT cho người tham gia, trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài tại nhiều bệnh viện, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế.
Đồng thời, phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT... phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tính hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 82,98 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú, tăng 18,76 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2022; với số tiền giám định, thanh toán là 57.03 tỷ đồng, tăng 10.79 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. (Theo Báo Sức khỏe đời sống)
Tự mua thuốc uống khi mệt mỏi, khát nước nhiều, cụ bà phải cấp cứu
Nhập viện cấp cứu, cụ bà được phát hiện chỉ số đường huyết cao gấp 8 lần người bình thường. Nguyên nhân là tự mua thuốc mỗi khi mệt mỏi, khát nước nhiều…
Ngày 16.7, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời cho cụ bà có chỉ số đường huyết tăng cao gấp 8 lần người bình thường.
Trước đó, cụ bà V.T.Đ (77 tuổi, ngụ H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) nhập viện cấp cứu với các triệu chứng sốt, ho, nôn ói, ăn kém, mệt mỏi, lừ đừ, chậm chạp, da khô, tĩnh mạch cổ xẹp, huyết áp thấp 90/60mmHg. Bà Đ. tự mua thuốc uống 3 ngày nhưng bệnh không giảm. Gia đình cho biết, thời gian gần đây, cụ Đ. thường xuyên mệt mỏi, khát nước nhiều, khô cổ họng và sụt cân. Cụ có tiền sử tăng huyết áp, thoái hóa cột sống nhưng không đi khám mà tự ý mua thuốc uống.
Qua các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán tăng đường huyết cấp, tăng áp lực thẩm thấu/đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, hội chứng Cushing, tổn thương thận cấp, rối loạn điện giải, loãng xương, viêm dạ dày. Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn cấp 2 và nhanh chóng chuyển khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) điều trị tích cực, bù dịch theo phác đồ, kiểm soát đường huyết bằng insulin qua bơm tiêm điện, bù bicarbonat, nâng tổng trạng, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải mỗi giờ.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, hết nôn ói, ăn uống được, giảm khát và tiểu nhiều, đường huyết dần ổn định và được chuyển lên khoa Nội tiết điều trị tiếp. Tại khoa Nội tiết, người bệnh được chuyển từ insulin truyền tĩnh mạch (bơm tiêm điện) sang tiêm dưới da, bù dịch, đánh giá tình trạng bệnh ổn định..(Theo báo Thanh niên)
Cảnh báo bệnh dại gia tăng: Đừng để chết vì chủ quan!
Hầu hết các nạn nhân tử vong vì bệnh dại đều có điểm chung là chủ quan không tiêm phòng, hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn.
Ngày 14/7, ông Ng.Th.H (sinh năm 1974, trú ở phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) đã tử vong do bệnh dại sau hơn 4 tháng bị chó hàng xóm cắn.
Theo lời kể của người thân trong gia đình, ngày 3/3/2023, ông H. bị chó của nhà hàng xóm cắn, vị trí vết thương ở ngón trỏ bàn tay phải, nông, chảy lượng máu không nhiều. Sau khi bị chó cắn, ông H. đã rửa vết thương bằng nước và chưa can thiệp gì, không tiêm vaccine. Hai ngày sau khi cắn người, con chó đã chết.
Từ khi bị chó cắn, ông Ng.Th.H không có biểu hiện gì, sức khỏe bình thường nhưng đến chiều 11/7, ông H. cảm thấy mệt mỏi. Đến ngày 12/7, ông H. trở nặng và được gia đình đưa đến bệnh viện và được chẩn đoán bệnh dại. Dù đã được điều trị và chuyển viện lên tuyến cao hơn nhưng đến ngày 14/7, bệnh nhân đã tử vong.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh duy nhất
Theo WHO, hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.
Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vaccine dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt.
Để phòng chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
- Khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).
- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa (Theo Báo Vietnamplus).
Thanh Nhàn tổng hợp