• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 14/7/2023

soyte.hatinh.gov.vn: WHO tuyên bố chất trong nước ngọt ăn kiêng, kẹo cao su 'có thể gây ung thư'; Số ca sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và tăng mạnh ở miền Bắc; Đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh sau khi tăng lương cơ sở thế nào?

WHO tuyên bố chất trong nước ngọt ăn kiêng, kẹo cao su 'có thể gây ung thư'

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 14-7 tuyên bố aspartame, một chất tạo ngọt thường được dùng trong nước ngọt ăn kiêng, kẹo cao su, kem đánh răng, thuốc ho... là chất có thể gây ung thư, dù chấp nhận được ở mức tiêu thụ hạn chế.

Theo thông cáo báo chí WHO gửi Báo Người Lao Động sáng 14-7 (giờ Việt Nam), đánh giá về aspartame được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), WHO, Ủy ban chuyên gia hỗn hợp của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) về phụ gia thực phẩm (JECFA) phối hợp thực hiện.

Trích dẫn "bằng chứng hạn chế" về khả năng gây ung thư ở người, IARC đã phân loại aspartame là "chất có thể gây ung thư cho người" (IARC nhóm 2B) và JECFA tái khẳng định lượng tiêu thụ "có thể chấp nhận được" là 40 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể người dùng.

Hai cơ quan này đã tiến hành điều tra độc lập trước khi đồng thuận coi aspartame là chất có thể gây ung thư.

Nhóm 2B là cấp độ cao thứ 3 trong số 4 cấp độ mà IARC dùng để phân loại những chất có thể gây ung thư, được xác định khi có bằng chứng hạn chế nhưng chưa đủ thuyết phục ở người hoặc mới có bằng chứng thuyết phục trong thí nghiệm động vật.

"Các đánh giá về aspartame đã chỉ ra rằng mặc dù tính an toàn không phải là mối quan tâm chính ở liều lượng thường được sử dụng, nhưng các tác động tiềm tàng đã được mô tả cần được điều tra bằng nhiều nghiên cứu tốt hơn" - TS Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO cho biết.

TS Branca cũng cảnh báo ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Hàng năm, cứ 6 người thì có 1 người chết vì ung thư.

Thông cáo báo chí của WHO cũng trấn an rằng liều lượng tối đa cho phép - dưới 40 mg trên 1 kg trọng lượng cơ thể - tương đương với việc một người trưởng thành phải uống đến 9-14 lon nước ngọt ăn kiêng mỗi ngày, nếu như họ không dùng thêm bất cứ thực phẩm chứa aspartame nào khác.

Chất tạo ngọt aspartame, một dạng "đường ăn kiêng", ngoài đồ uống "không đường" cho người ăn kiêng còn hiện diện trong nhiều thực phẩm khác như kẹo cao su, ngũ cốc ăn sáng, kem, sữa chua, kem đánh răng, thuốc ho, vitamin dạng nhai có vị ngọt...

IARC và WHO tiếp tục theo dõi các bằng chứng mới và khuyến khích các nhóm nghiên cứu độc lập phát triển các nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ tiềm tàng giữa phơi nhiễm aspartame và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. (Theo Người Lao động)

Số ca sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và tăng mạnh ở miền Bắc

Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều tỉnh, thành phố với diễn biến bệnh bất thường khi chỉ mới bắt đầu vào mùa.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận gần 40.000 ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 8 ca tử vong.

Đáng lưu ý thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều tỉnh, thành phố với diễn biến bệnh bất thường khi chỉ mới bắt đầu vào mùa đã có nhiều trường hợp nhập viện với dấu hiệu nặng.

Hà Nội có 13 ổ dịch đang hoạt động

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 26 (từ ngày 26-2/7), tại Thủ đô đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong.

Ca sốt xuất huyết ghi nhận gia tăng 132 trường hợp so với tuần trước đó. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thạch Thất (48), Hoàng Mai (21), Bắc Từ Liêm (11), Phú Xuyên (11).

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 823 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (238 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.

Trong tuần qua, thành phố đã ghi nhận 7 ổ dịch mới tại: Hoàng Mai (2), Nam Từ Liêm (2), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá-Thạch Thất (126), Hữu Bằng-Thạch Thất (21), Nguyên Hanh-Văn Tự-Thường Tín (15), Xuân La-Phượng Dực-Phú Xuyên (7).

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, dự báo dịch sốt xuất huyết trên địa bàn có xu hướng gia tăng, đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ... Dự báo, thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ; các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Để kiểm soát dịch, thành phố sẽ tăng cường các các hoạt động phòng chống dịch tại các ổ dịch, các khu vực có bệnh nhân.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 8.200 ca mắc sốt xuất huyết, thấp hơn 53% so cùng kỳ năm 2022, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Đáng lưu ý, tại tỉnh Đắk Lắk đầu tháng Bảy vừa ghi nhận một bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết Dengue tại thị xã Buôn Hồ. Ca bệnh này là trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm tới nay.

Thời tiết thất thường là "thủ phạm"?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) cho hay thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện muỗi phát triển. Hiện tượng El Nino đã thay đổi tình hình dịch bệnh quá nhiều trong những năm gần đây. Trước kia, theo chu kỳ cứ 4 tới 5 năm sốt xuất huyết sẽ có kỳ số ca mắc tăng cao, tuy nhiên, theo ghi nhận 2017, 2019, 2022 số ca mắc đều đạt mức cao. Năm 2022 là năm đỉnh điểm của sốt huyết và ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất lịch sử.

Thông thường, dịch sốt xuất huyết từ tháng 7 đến tháng 11 sẽ tăng lên và thường không hạ. Thời điểm này so với năm ngoái số ca mắc giảm 50% so với năm ngoái, tuy nhiên đã có 40.000 ca mắc sốt xuất huyết trên toàn quốc. Mặc dù số ca bệnh giảm chung trên cả nước và ở miền Nam nhưng miền Bắc lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái. Năm nay Hà Nội có số ca mắc có thể sẽ rất cao, bởi so với cùng kỳ của năm ngoái đã tăng hơn 60%.

Theo Tiến sỹ Dũng, chỉ trong quý I và quý II, miền Bắc ghi nhận đến hơn 1.100 ca, tức là tăng hơn 60% so với năm trước. Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Hà Nội đang là điểm nóng nhất về sốt xuất huyết ở miền Bắc.

Thời tiết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, mưa sau nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi phát triển rất nhanh, muỗi từ trứng đến trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để phòng, chống sốt xuất huyết, Tiến sỹ Dũng khuyến cáo người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại…

Theo bác sỹ Dũng, hiện nay, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi./. (Sức khoẻ & Đời sống (trang 3)

 

Đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh sau khi tăng lương cơ sở thế nào?

Bộ Y tế đề xuất từ ngày 1/7, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh được thực hiện theo sự thay đổi mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100%
Theo văn bản của Bộ Y tế phản hồi về ý kiến của các bộ ngành đối với lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng đối với đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng theo phương án dựa trên cơ sở danh mục kỹ thuật hiện hành, vẫn giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành và chỉ điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế; Bộ Tài chính có ý kiến "Về đề xuất từng thời điểm cụ thể để thực hiện lộ trình giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đề nghị Bộ Y tế căn cứ thẩm quyền định giá, tình hình kinh tế xã hội, tác động đến ngân sách nhà nước, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, kế hoạch để thực hiện đề xuất giá cho phù hợp".

Đánh giá về tác động của tăng viện phí theo lương cơ sở, Bộ Y tế phân tích căn cứ số liệu về cơ cấu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 về kết quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Đối với tác động đến chỉ số CPI - chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Y tế cho biết căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư tại công văn 4124 ngày 1/6 "theo ước tính của Tổng Cục thống kê, nếu giá dịch vụ y tế tăng 10% sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 0,41 điểm phần trăm". Nếu tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và chi phí quản lý vào giá thì giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng bình quân là 9%. Như vậy, dự kiến tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng chung dưới 0,41 điểm phần trăm. 

Về khả năng cân đối quỹ BHYT, theo Bộ Y tế, so sánh chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (năm 2021 dư 14.368 tỷ đồng) cho thấy nếu điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và tính chi phí quản lý vào giá khám bệnh chữa bệnh thì quỹ BHYT vẫn đủ khả năng cân đối. 

Chi phí quản lý là một trong 4 yếu tố cấu thành giá. Đối với ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị Bộ Y tế làm rõ nội dung về dự kiến tháng 8/2023 sẽ hoàn thiện và đề xuất phương án tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng dự kiến Quý III/2024 mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện, Bộ Y tế có ý kiến như sau: Chi phí quản lý là một trong 4 yếu tố cấu thành giá (chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý và chi phí khấu hao trang thiết bị và cơ sở vật chất). 

Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính 02 yếu tố là chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương. Bộ Y tế dự kiến tháng 8/2023 hoàn thành khảo sát và đề xuất phương án tính chi phí quản lý vào giá. Tuy nhiên, dự kiến tháng 12/2023 mới hoàn thiện việc sắp xếp danh mục kỹ thuật (hiện tại ban hành được khoảng 2000/18.000 danh mục kỹ thuật) và thực hiện khảo sát xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo danh mục kỹ thuật mới được ban hành. 

Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và phương án giá dịch vụ từ 3-6 tháng. Vì vậy, căn cứ tiến độ thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại danh mục dịch vụ, khảo sát và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ Y tế dự kiến Quý III/2024 hoàn thiện và đề xuất thực hiện giá khám bệnh chữa bệnh tính tiếp chi phí quản lý. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 3).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 506
Tháng 12 : 173.128
Năm 2024 : 2.973.716
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.772.230